Bà Winnie Madikizela qua đời tại bệnh viện ở Johannesburg, "bên cạnh gia đình và những người thân yêu" sau thời gian dài đau ốm, phát ngôn viên gia đình Victor Dlamini hôm 2/4 xác nhận, theo Guardian.
Những người ủng hộ và các chính trị gia Nam Phi đang đổ về nhà riêng của bà ở thị trấn Soweto để chia buồn. Tang lễ cấp quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày 14/4, Tổng thống Cyril Ramaphosa hôm qua tuyên bố.
Bà Madikizela sinh năm 1936 ở tỉnh Eastern Cape, nay là Transkei. Bà được gọi là "người mẹ quốc dân", biểu tượng vĩ đại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cùng với cố tổng thống Nelson Mandela.
Hấp dẫn, thông minh, cô gái Madikizela 22 tuổi đã thu hút sự chú ý của Mandela, người đan ông hơn 18 tuổi, tại một bến xe buýt ở Soweto năm 1957. Một năm sau, họ kết hôn. Thời gian họ bên nhau ngắn ngủi do ông Mandela bắt đầu hoạt động ngầm năm 1960 và bị bắt năm 1962 vì chống lại chế độ thượng tôn người da trắng apartheid và bị kết án tù chung thân.
Suốt 27 năm ông bị giam giữ, bà đã đấu tranh không mệt mỏi để chồng được trả tự do, cũng như đấu tranh vì quyền lợi của người Nam Phi da màu. Bà từng bị tra tấn và bắt giam nhiều lần, sống dưới sự giám sát và bị trục xuất đến một thị trấn hẻo lánh năm 1977.
Những năm tháng bị giam cầm đã tôi luyện ý chí của người phụ nữ này, khiến bà cảm thấy "không gì có thể khiến tôi sợ hãi nữa, chính phủ không thể làm gì nổi tôi, chẳng có nỗi đau nào mà tôi chưa trải qua".
Ngày 11/2/1990, hình ảnh bà và ông Mandela tay trong tay, ra khỏi nhà tù Victor Verster ở Cape Town giữa sự hân hoan của những người ủng hộ da màu đã đi vào lịch sử. Ông Mandela trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi năm 1994.
Sau khi chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, sự nghiệp chính trị của bà Madikizela liên tục dính líu tới nhiều vụ bê bối. Năm 1991, bà Madikizela bị cáo buộc "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" vì liên quan tới vụ bắt cóc và sát hại một cậu bé 14 tuổi. Bà và ông Mandela ly thân năm 1992 và danh tiếng của bà càng tụt dốc khi bị ông Mandela sa thải khỏi nội các năm 1995 vì cáo buộc tham nhũng. Một năm sau, họ ly hôn.
"Tôi có mối quan hệ tốt với Mandela, nhưng tôi không phải sản phẩm của Mandela. Tôi là sản phẩm của quần chúng, của kẻ thù", bà tuyên bố.
Dù đã ly hôn, bà vẫn là tâm điểm của sự chú ý và các cuộc tranh cãi. Năm 2009, bà giành một ghế trong quốc hội, vẫn được đảng cầm quyền ANC và người ủng hộ kính trọng.
"Đối mặt với sự bóc lột, bà là nhà vô địch đại diện cho công lý và bình đẳng. Bà là biểu tượng bất biến về khát khao tự do của nhân dân Nam Phi", Tổng thống Cyril Ramaphosa nói.
Hồng Hạnh