Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Sang qua đời vì bệnh tật rạng sáng 21/4, hưởng thọ 74 tuổi. Những ngày qua, đông đảo nghệ sĩ, khán giả đến nhà riêng của ông ở quận Thủ Đức, TP HCM để viếng tang.
Bà Liễu - vợ cố nghệ sĩ - luôn tất bật cùng con cháu đón tiếp người quen, khách khắp nơi về thắp cho chồng bà nén hương. Mọi người khuyên đi nghỉ ngơi, bà gạt nhẹ, bảo: "Ngồi im một chỗ lại nhớ ông ấy, tui chịu không nổi".
Những lúc vãn khách đến viếng, bà Liễu lặng lẽ ngồi bên linh cữu, ngắm di ảnh chồng. Ánh mắt chưa hết sự bàng hoàng, bà tâm sự, trước đây, ông từng nhập viện nhiều lần và đều hồi phục nên lần này bà ngỡ cũng vậy. Bà đã mong ông sớm khỏe để về nhà với các con, ăn bát canh chua bà nấu.
Bên linh cữu chồng, bà Liễu miên man dòng hồi tưởng về khoảnh khắc gần 40 năm trước, khi bà và nghệ sĩ Thanh Sang đến với nhau. Cuộc hôn nhân của ông bà không xuất phát từ tình yêu, mà qua sự tác hợp của mẹ bà. Tuy vậy, ông bà đã cùng nhau trải qua nhiều thử thách để gắn bó nhau trọn vẹn, vững bền đến ngày tóc cả hai đều điểm bạc.
Bà xuất thân trong một gia đình đông con ở vùng quê nhiều nắng gió tại Đồng Nai. Mẹ bà Liễu mê cải lương và Thanh Sang là cái tên chiếm nhiều cảm tình của bà bởi giọng ca như "rút ruột mà hát". Năm 1978, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, nơi nghệ sĩ Thanh Sang tham gia ca hát, lao đao khi nghệ sĩ Thanh Nga và chồng bị ám sát. Mẹ bà Liễu xin giấy phép từ Tổng Cục cao su để thành lập đoàn hát ở các đồn điền, mời Thanh Sang về diễn cùng nhiều nghệ sĩ, trong đó có Phượng Liên.
Ngày ấy, bà Liễu vừa 19 tuổi, mẹ bà thương Thanh Sang cần cù, chịu khó, liền gả con gái cho. "Tôi thì một câu cải lương cũng không biết, chưa từng biết đến tên Thanh Sang. Vì nghe lời mẹ, tôi đồng ý lấy ông", bà kể.
* Bạch Tuyết ôm động viên vợ Thanh Sang
Thanh Sang khi đó đã lần lượt qua sáu đời vợ và đều chia tay. Bà Liễu không chạnh lòng vì là người vợ thứ bảy của ông. Bà cũng không cho rằng ông là người đào hoa. "Ngày ấy, ông nghèo quá nên những người vợ trước lần lượt bỏ đi hết. Trước khi lấy tui, mỗi sáng ông phải làm tài xế taxi, thấy khách quen là đeo kính để đỡ ngại với người ta, tối đến thì đi hát. Tiền ăn nuôi thân, nuôi mẹ già còn không đủ, làm sao nuôi thêm ai", bà Liễu nhớ lại giai đoạn khốn khó của chồng.
Lấy nhau về, bà nhận ra không hợp tính với chồng. Bà hay tự ái, còn ông thì nóng nảy. Thời gian đầu, bà ngỡ ông lấy vợ chỉ để có người chăm lo cho mẹ đẻ. Mỗi lần giận, bà làm thinh, khiến ông càng bực bội. Sống lâu với nhau, bà mới hiểu ông dẫu kỹ tính, hay la mắng, thật ra là người "ruột để ngoài da", luôn dành hết tình cảm cho gia đình. Đầu thập niên 1990, dẫu đi hát miệt mài, thù lao ông nhận được vẫn không bao nhiêu. Đi tỉnh nhiều, thấy xe hơi, xe máy cũ, ông mua về, tự đem vào gara sửa chữa, tân trang bán kiếm chút tiền lo cho con ăn học.
Bà Liễu tâm sự sống cùng nhau lâu, dần quen tính tình, bà không chỉ là vợ mà còn là tri kỷ của chồng gần 40 năm qua.
Thời gian đó, Thanh Sang còn đi hát theo đoàn Sài Gòn 1, nhiều tháng mới về nhà một lần. Mẹ ông bị ngã, nằm một chỗ. Bà Liễu thay chồng chăm lo cho mẹ già suốt nhiều năm. Thấy vợ cực nhọc chăm mẹ từng bữa cháo, viên thuốc, Thanh Sang dịu bớt tính nóng nảy. Sau này, mẹ chồng qua đời, một tay bà Liễu lo ba đứa con, trong đó có con trai lớn của vợ cũ Thanh Sang. Suốt 20 năm, bà chăm con chồng. Người con này nhiều lần về nhà mẹ đẻ, rồi sau vẫn quay lại với bà. Bà lo cho anh đến khi anh lập gia đình và qua đời vì bệnh tật. Lúc nghệ sĩ Thanh Sang ngã bệnh, một tay bà vun vén gia đình.
Nằm trong bệnh viện, trải qua những cơn đau toát mồ hôi vì suy tim, thận, Thanh Sang vẫn cắn răng chịu đựng. Thương chồng, bà nói ông thấy đau đớn chỗ nào cứ than lên. Ông vừa thở dài vừa đáp: "Đau thì có đau, nhưng thấy em chăm tôi cực quá nên tôi có mệt cũng không dám rên". Cứ mỗi lần vào viện chạy thận, ông dặn bà ở nhà nấu sẵn cho tô canh chua cá. Ông xuất thân là dân chài lưới, cứ món gì có cá là khoái khẩu. Gần ông, bà học được ở chồng tính cách hào sảng như người dân miền biển qua cách ăn uống, lối sống.
Bà Liễu khắc ghi di nguyện của chồng khi ông qua đời và quyết tâm thực hiện để chồng yên lòng. Sinh thời, ông có ý định lúc mất được nằm ở nghĩa trang trong chùa Nghệ Sĩ (quận Gò Vấp, TP HCM). Một lần cùng bà thăm nơi này, thấy không gian chật, ông nói: "Sau này anh có mất, em kiếm chỗ nào khác mà chôn cất, còn không có chỗ thì cứ hỏa táng". Rồi bà cũng cất công chọn để ông nằm ở nghĩa trang Bình Dương, nơi an nghỉ của nhiều nghệ sĩ lớn.
* Những vai diễn ghi dấu ấn Thanh Sang
Bà nhớ những ngày ông khấp khởi bàn về kế hoạch mừng sinh nhật lần thứ 75 vào tháng 12 tới. Khi đó, ông sẽ cùng các đồng nghiệp thân thiết tái hiện thời hoàng kim sân khấu cải lương thập niên 1960, 1970. Rồi ông bệnh, hôn mê, nhiều ấp ủ như giấc mộng, vĩnh viễn không thành.
Nhìn ra những chậu cây cảnh ở sân nhà, bà Liễu khẽ mỉm cười khi nhớ lại thói quen của chồng. Chiều nào, ông cũng ngồi tỉ mẩn tỉa từng chiếc lá già, nhánh héo. Nhiều lần thấy bà thay chồng tỉa cây, ông bèn giấu cây kéo đi. Hỏi ra, ông lẳng lặng đáp: "Thấy em tỉa mạnh quá nên tui thương cái cây, thôi để tui làm cho". Khi ông mất, những gốc cây cũng được buộc mảnh khăn xô, như để cùng bà khóc ông.
Lễ truy điệu nghệ sĩ Thanh Sang được tổ chức vào 7h15 ngày 25/4, sau đó lễ an táng diễn ra ở Nghĩa trang Bình Dương.
Tam Kỳ