From: Duy Thanh Nguyen
Sent: Wednesday, December 24, 2008 10:41 AM
Subject: Gui toa soan: Re: Toi phai lam gi de giup chong lay lai tu tin va lac quan trong cong viec?
Chào chị Yến,
Đọc bài viết của chị, chúng tôi rất mừng vì chị là đại diện cho người phụ nữ biết suy nghĩ cho chồng để mong anh ấy tốt hơn lên trong xã hội. Chúng tôi rất cảm phục chị và mong cho chị luôn vững vàng hơn để giúp anh nhà thành công hơn nữa trong cuộc sống.
Tình cảnh của anh nhà trong xã hội công nghiệp không phải hiếm. Bản thân tôi và các đồng nghiệp của tôi cũng đã và đang trải qua những hoàn cảnh giống chồng chị. Chúng tôi đã đem sự việc của anh nhà ra để bàn bạc trong những buổi ăn cơm và chúng tôi đã có những nhận định sau. Hy vọng sẽ giúp được anh có động lực vượt qua và giúp được chị có thái độ, hành động thích hợp trong giai đoạn khó khăn này của anh nhà.
Theo chúng tôi, điều thứ nhất là không nên xem ngoại ngữ là một cái nghề mà chỉ nên xem nó là công cụ hỗ trợ. Vì khi làm bất cứ việc gì, sự thông hiểu nghiệp vụ mới là quan trọng. Việc nắm bắt một cách thấu đáo nội dung công việc, hiểu và triển khai được nhanh là nhờ thêm kỹ năng về ngoại ngữ hỗ trợ. Vì không có ngoại ngữ đi chăng nữa, người có nghiệp vụ vẫn có thể làm việc được.
Thứ hai, theo như chị nói, anh nhà từng làm những công việc thật hấp dẫn với cương vị quản lý. Chị không nói rõ là anh nhà có hiểu và có biết cách điều hành những công việc ấy hay không. Nếu anh ấy hiểu rõ, có niềm say mê công việc thì phần nhiều nguyên do là vì anh ấy đúng là người bốc đồng như chị nói.
Anh ấy quá coi trọng ý kiến của mình mà gạt bỏ ý kiến của những nhân viên, người quản lý khác, hoặc không nghe theo lời của cấp trên mà nhất định làm theo ý mình, dẫn đến những quyết định, những tính toán sai lầm trong công việc, gây thiệt hại cho công ty và mất lòng đối với cấp trên. Do đó, hằng ngày phải đối mặt với cả tá "kẻ thù" như thế thì thật khó mà có sự ham muốn làm việc được.
Nếu anh nhà là người không có nghiệp vụ, không hiểu được cách điều hành công việc, nhưng lại được giao trọng trách quá cao so với khả năng của anh thì trong lúc làm việc anh nhà sẽ phải dựa phần nhiều vào cấp dưới, là những người hiểu được công việc, và luôn tránh né những yêu cầu về công việc khác của cấp trên hay của các đồng nghiệp khác trên phương diện quản lý.
Do đó, càng ngày anh càng xa rời với guồng máy đang vận hành của công ty. Cấp dưới sẽ nhận ra sếp của mình không có trình độ, dẫn đến việc không nể phục, thậm chí còn có khả năng vượt anh nhà để thay thế vị trí của anh. Thêm nữa, cấp trên sẽ cảm thấy anh giống như một "message" truyền mệnh lệnh từ miệng cấp trên xuống cấp dưới mà không có sự suy đoán, sự tính toán và chỉ đạo thích hợp cho nhân viên. Đây là nguyên nhân lớn nhất đa số những người quản lý trái ngành thường mắc phải.
Thứ ba, có khả năng anh nhà không muốn làm công việc đó, nhưng vẫn phải chấp nhận làm việc vì một số áp lực nào đó như nhu cầu về chi tiêu tăng cao, phải có địa vị xã hội... nên đành phải chấp nhận làm việc mà không có sự say mê, dẫn đến hiệu quả công việc giảm và không nhận được sự tín nhiệm của công ty.
Đó là nguyên nhân mà chúng tôi nghĩ rằng anh nhà có thể đang gặp phải. Để khắc phục tình trạng đó, tôi và các đồng nghiệp của tôi nghĩ như thế này.
Đầu tiên, trong công việc không để cảm xúc cá nhân xen vào nhiều quá. Anh nhà nên nghĩ rằng "tôi làm việc không phải làm cho ông trưởng phòng này, không phải làm cho bác quản lý kia, mà tôi làm việc vì công việc và hiệu quả công việc". Khi có khó khăn vướng mắc trong công việc, nên thảo luận với mọi người trong nhóm để rút ra kết luận tốt nhất cho công việc. Kiềm chế cảm xúc và sáng suốt nhận ra đâu là hướng giải quyết các mâu thuẫn cá nhân để mang lại môi trường làm việc tốt hơn.
Tiếp theo, nên tự xem lại mình để biết mình có khả năng ở lĩnh vực gì, công việc được giao hiện tại có phù hợp với khả năng? Nếu khả năng phù hợp với công việc thì nên xem xét lại tại sao lại công việc không hiệu quả? Có phải mình đã bỏ sót quá trình gì không? Có phải mình đã hợp tác với các đồng nghiệp khác cũng như nhận được sự hợp tác thích hợp từ các đồng nghiệp khác để hoàn thành công việc chưa? Nếu chưa, anh nhà nên cũng cố lại các mối quan hệ đó.
Nếu công việc được giao không phù hợp với khả năng thì nên mạnh dạn đề nghị với cấp trên cho đi đào tạo lại nghiệp vụ. Bên cạnh đó, tự bản thân cũng phải nhận ra được là mình còn đang thiếu những kiến thức nào cần cho công việc để từ đó nỗ lực tự mình trau dồi hơn.
Thêm nữa, nếu anh ấy không thích làm những công việc đó, chị hãy khuyên anh nên bỏ hẳn và làm những gì phù hợp với chuyên môn của anh như đi dạy thêm ở trung tâm, làm xin giảng viên ở các trường trung học, đại học, nghiên cứu, biên dịch sách... Trong thời gian đó, chị tạo điều kiện cho anh trau dồi kiến thức cần thiết về các công việc mà anh nhà muốn làm, hoặc chị muốn anh làm để có thu nhập cao hơn. Sau một thời gian anh nhà có quay lại công việc PR, Marketing, kinh doanh... thì cũng đã có được lượng kiến thức nhất định.
Về phần chị, chị nên tìm hiểu về tâm tư, sở thích và khả năng của chồng chị hơn. Đừng tạo áp lực cho anh ấy quá về mặt tài chính trong gia đình. Đồng thời có hành động an ủi, động viên nhẹ nhàng để anh nhà có thời gian, có tinh thần học tập trở lại. Chị nên khéo léo làm cho anh ấy hiểu rằng nên hy sinh một hoặc vài ba năm để đảm bảo vững chắc cho tương lai của gia đình trong vài chục năm về sau.
Hy vọng vài nhận định và lời khuyên của anh em chúng tôi có thể đem lại niềm vui trong công việc cho anh nhà và làm động lực cho chị giúp anh ấy vững tiến hơn trong tương lai. Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc và thành công trong tương lai.
Thân mến.