Trong căn nhà nhỏ cũng là tiệm may ở thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà, Lâm Đồng), vợ chồng vận động viên khuyết tật Mai Văn Long và Hoàng Thị Hồng Châu đang tất bật hoàn thành những đơn hàng còn lại để chuẩn bị dự đợt tập huấn tập trung cho giải thi đấu quốc gia dành cho người khuyết tật vào cuối tháng 11 tại TP HCM.
Nhìn chồng đang hướng dẫn những người tàn tật tại địa phương đến học may, chị Châu cho biết, đang băn khoăn bởi đợt này hai vợ chồng cùng đi huấn luyện dài ngày, không biết con gái út Mai Hoàng Khả Vi (một tuổi rưỡi) ở nhà với ông bà ngoại có ổn không. Còn cô con gái đầu lòng Mai Hoàng Khánh Vi đang học lớp 7, và con gái thứ là Mai Hoàng Thụy Vi học lớp 4 thì cũng bớt lo hơn.
Một năm rưỡi trước, xót thương trước cảnh bé gái vừa lọt lòng đã bị bỏ rơi, vợ chồng chị Châu đã làm thủ tục xin nhận con nuôi trước sự ái ngại của mọi người. Vợ chồng chị vừa khó khăn về vận động, vừa đang chật vật nuôi 2 con ăn học nên việc nuôi bé gái sẽ là gánh nặng thêm. Nhưng chị chỉ cười: "Làm giàu thì khó chứ làm phước thì ai cũng có thể làm được mà".
Đối với anh chị, việc tập và thi đấu vừa là "duyên" mà cũng đã thành "nghiệp" bởi chính thể thao đã giúp họ có mái ấm gia đình như hôm nay. Anh Long kể, sinh ra tại Đà Lạt, lên 5 tuổi bị sốt bại liệt, một chân bị liệt teo cơ nhưng ngày ngày anh vẫn tới trường. Tốt nghiệp trung học, anh xin vào làm việc tại Làng Hòa Bình - Đà Lạt (nay là Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng).
Vợ chồng anh Long cùng cô con gái út một tuổi rưỡi. Ảnh: Quốc Dũng. |
Năm 1993, anh được cử đi học khóa tập huấn phục hồi chức năng cho người tàn tật tại TP HCM. Gần nơi học có CLB Thể dục thể thao dành cho người khuyết tật, Long đến chơi. Thời gian này TP HCM tổ chức cuộc đua xe lăn cho người khuyết tật, Long đăng ký tham gia và đoạt giải nhất. Sau đó, anh được tỉnh Lâm Đồng mời vào đội tuyển đi dự giải quốc gia và đã mang về tấm huy chương Vàng. Cuộc đời anh gắn với sự nghiệp thể thao từ đó.
Nói về chuyện tình duyên với người vợ hơn mình 3 tuổi, anh bảo, đó là "duyên trời ban" cho cả hai người. Hồi đó anh được cử về huyện Đơn Dương để hướng dẫn người tàn tật tập phục hồi chức năng chưa có điều kiện đưa về Làng Hòa Bình - Đà Lạt. Đến xã Lạc Lâm, anh gặp 2 bệnh nhân nữ. Ban đầu Long “kết" cô kia, nhưng khi tiếp xúc với Châu anh nhận ra người con gái ấy rất có nghị lực và vốn sống nên đem lòng yêu tha thiết. Điều đặc biệt là chị Châu cũng được anh đưa vào nghề một cách tình cờ, song thành tích của chị còn “dày’’ hơn cả của chồng.
Năm 2003 anh Long xuống Sài Gòn tập luyện để chuẩn bị dự giải quốc gia với 3 bộ môn là ném lao, cử tạ và ném đĩa. Khi theo chồng đến Trung tâm huấn luyện, chị Châu thấy hay hay nên xin tập thử mặc dù chị phải ngồi xe lăn vì liệt cả 2 chân. Châu tập rất tốt nên được huấn luyện viên của TP HCM mời tham gia đội tuyển của Đoàn thể thao khuyết tật thành phố. Năm đó chị mang về cho TP HCM tấm huy chương Vàng và giữ nghiệp thi đấu đến nay.
Tổng cộng vợ chồng chị đã giành được gần 100 tấm huy chương thể thao các loại. Ấn tượng nhất là năm 2003, họ cùng có tên trong danh sách đội tuyển Việt Nam tham dự Paragames tại Hà Nội. Thi đấu môn ném lao và cử tạ, chị Châu đã giành được 2 huy chương Vàng còn anh Long cũng được huy chương Đồng và huy chương Bạc.
Số tiền thưởng gần 200 triệu đồng lúc đó là cả gia tài của hai vợ chồng. Họ chuyển về Lâm Hà thuê nhà trọ và mở tiệm may nhỏ. Biết hoàn cảnh, thành tích của anh chị, địa phương cũng ưu ái cấp 100 m2 đất tại khu quy hoạch dân cư của huyện. "Thế là chúng tôi có đất và có tiền thưởng để xây nhà. Tất cả là nhờ ở thể thao", anh Long cười thật tươi.
Ông Hồ Văn Chương, huấn luyện viên Đội tuyển thể thao Người khuyết tật Lâm Đồng cho biết, tinh thần rèn luyện và tính kỷ luật của VĐV Long - Châu rất cao. Trong các kỳ thi đấu thể thao quốc gia dành cho người khuyết tật, năm nào cặp vợ chồng này cũng mang về 2 - 4 huy chương. Thời gian huấn luyện tập trung không nhiều nhưng hàng ngày họ tự tập luyện nên vẫn giữ được phong độ tốt. "Ngoài thể thao, vợ chồng Long còn rất tích cực, luôn hòa nhã và có ý thức giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ trong Hội người khuyết tật", ông Chương cho biết thêm.
Nói về người hàng xóm của mình, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà) Trương Minh Nhân cho hay, vợ chồng anh Long sống rất chan hòa với bà con và tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Những lần xã tổ chức giải bóng chuyền anh Long đều xung phong làm trọng tài vì anh là dân thể thao chuyên nghiệp.
"Thấy họ tàn tật nuôi hai con ăn học đã rất vất vả, hơn một năm trước lại nhận nuôi bé gái nên địa phương đưa gia đình Long vào diện hộ nghèo để có thêm những trợ cấp của xã hội, song cả 2 vợ chồng nhất quyết từ chối. Chị Châu đi cả xe lăn đến gặp Chủ tịch UBND thị trấn xin không nhận diện hộ nghèo và bảo để dành suất đó cho những người còn khó khăn hơn mình", ông Nhân kể.
Quốc Dũng