Deepali, 44 tuổi và Kristain Misra-Sharp, 42 tuổi ở Glasgow, Anh, đều là nhân viên ngân hàng và có thu nhập tốt. Nhưng sau sự cố trong đời, họ đã nhìn lại cuộc sống và quyết định thay đổi.
Theo Cetusnews, 15 năm trước, chị Deepali và chồng làm trong ngành đầu tư tài chính, sống trong một căn nhà nhiều triệu bảng ở trung tâm London, tận hưởng cuộc sống xa hoa.
Nội thất trong nhà họ đều là đồ đặt làm riêng. Anh Kristian có cả tá bộ vest đắt tiền còn chị Deepali có hơn 300 đôi giày hàng hiệu. "Tôi mua vài bộ váy, áo quần với các màu khác nhau một lúc và liệng cho người quản gia xếp vào tủ đồ", chị kể lại.
Cả hai đều có xe sang ở gara nhưng hiếm khi đi vì thường gọi taxi cho tiện. Thỉnh thoảng, họ bay sang New York, nơi cũng có sẵn một căn hộ sang trọng, để đổi gió. "Chúng tôi chẳng bao giờ phải mang theo đồ đạc gì vì đã có mọi thứ cần thiết ở đó", người vợ kể.
Dù ở Anh hay Mỹ, họ đều có sẵn gia nhân phục vụ, nấu các bữa ăn ngon hoặc đi ăn ở nhà hàng đắt tiền.
"Một lần, vào thứ sáu, vợ chồng tôi bàn nhau xem trưa thứ bảy nên đi ăn ở đâu và Kristian nhắc anh ấy từng đọc về một nhà hàng tuyệt vời ở Berlin (Đức). Vậy là chúng tôi đặt vé để qua Berlin ăn trưa hôm sau", người vợ kể.
Các kỳ nghỉ của cặp vợ chồng này đều là ở các khu nghỉ dưỡng độc quyền tại Caribbe. Những món quà dành cho nhau của họ cũng đều là đồ đắt đỏ. "Có lần, Kristian đi mua quà sinh nhật cho tôi và không chắc tôi sẽ thích chiếc túi xách thế nào nên anh ấy đã mua luôn 5 chiếc, mỗi cái giá khoảng 500 bảng (gần 15 triệu đồng)".
Vậy tại sao họ lại thay đổi cuộc đời mà bao người ao ước như vậy?
Năm 2002, chị Deepali có thai và vợ chồng chị đều run lên vì hạnh phúc. "Mọi thứ đều hoàn hảo như kế hoạch. Chúng tôi nói với nhau sẽ cho con học trường nào, thuê bảo mẫu ra sao rồi trang trí phòng bé thế nào", chị nhớ lại.
Nhưng lần siêu âm định kỳ lúc thai 20 tuần tuổi cho thấy em bé bị mắc bệnh tim nặng và 6 tuần sau, chị Deepali đẻ non. Em bé đã chết lưu. Các nhân viên y tế đã nhiệt tình trợ giúp và động viên để anh chị vượt qua cú sốc này nhưng cả hai vẫn suy sụp, ngay cả khi quay trở lại công việc hai tuần sau đó.
"Trước đây, nếu tinh thần xuống dốc, đi mua sắm sẽ khiến tôi vui lại. Nhưng sau khi con trai qua đời, vác cả núi đồ về chỉ khiến tôi càng thêm trống rỗng", chị Deepali chia sẻ.
Tệ hơn, dù có nhiều mối quan hệ xã hội, Deepali vẫn cảm thấy cô đơn. "Bạn bè trong thế giới giàu có không muốn nghe về nỗi đau mất con của chúng tôi", chị nói.
Chị đã tìm kiếm niềm an ủi bằng cách làm tình nguyện viên buổi tối tại một bệnh viện dành cho người HIV. Thấy việc này khiến vợ hạnh phúc hơn, anh Kristian cũng tham gia cùng.
"Giúp đỡ người khác khiến chúng tôi nhìn lại cuộc sống của mình. Thay vì chìm vào nỗi thương tiếc con, việc này giúp chúng tôi nhận ra mình vẫn may mắn thế nào. Trước đây chúng tôi cũng thường xuyên làm từ thiện nhưng việc này hoàn toàn khác. Cảm giác thật vui và xứng đáng khi tự tay giúp được ai đó", anh nói.
Năm 2004, anh chị vui sướng khi biết mình có bầu đứa con thứ hai. Mặc dù vẫn đang trên đà thăng tiến, có người giúp việc cả ngày và đang chuẩn bị phòng cho con, trái tim chị không còn hướng về công việc trong ngân hàng nữa.
"Tôi biết mình muốn gì: trở thành bác sĩ. Qua công việc tình nguyện, tôi đã tìm được nghiệp đích thực trong đời. Tôi muốn mình thực sự hữu ích, giúp đỡ được nhiều người và bị thu hút vào các phương pháp điều trị", chị nói.
Nghe vợ chia sẻ những điều này, anh Kristian ủng hộ hoàn toàn nhưng nhiều bạn bè chị lại sốc. Họ nghĩ chị điên. Ngay cả những bác sĩ quen biết cũng khuyên chị "đừng làm thế". Dù vậy, chị vẫn đăng ký học y khoa tại Nottingham và phải đi thi chẳng bao lâu sau khi sinh con trai Sachin.
Được truyền cảm hứng từ quyết định của vợ, anh Kristian cũng bỏ việc chuyển đến Nottingham với vợ và chăm sóc con để chị đi học.
Một năm sau, anh cũng đăng ký học y. "Vợ chồng tôi có lẽ là những sinh viên lạ lùng nhất. Chúng tôi lái xe sang và mang cả con vào trường", anh kể.
Thay vì đi ăn tối tại các nhà hàng đắt đỏ, cặp vợ chồng chật vật với bài vở và chăm con.
Deepali kể rằng thời gian làm trong ngành đầu tư trước đó giúp họ biết cách xoay xở với stress khi học y cũng như hỗ trợ tài chính tốt cho quá trình học tập.
Sáu năm học tập là một hành trình dài, kiệt sức và đầy khó khăn. Với khoản tiết kiệm đã có, họ vẫn phải bán bớt ngôi nhà tại London để lo tài chính cho cuộc sống mới. Nhưng cả hai không hề thấy hối tiếc. Với họ, trở thành bác sĩ là niềm đam mê chứ không chỉ là một công việc.
Sau hai năm có Sachin, chị Deepali sinh thêm con gái, Ambika. Lúc này, chị xin nghỉ học một năm và như vậy anh Kristian theo kịp vợ, cả hai tốt nghiệp cùng nhau.
Họ đã trải qua một giai đoạn lo lắng khi Sachin phải nhập viện lúc 7 tuổi và phát hiện có khối u sau tai trái khá hiếm. Mặc dù đã được cắt u thành công, thính lực của cậu bé vẫn bị ảnh hưởng và con cần đi khám định kỳ.
Anh chị đã nhận bằng bác sĩ vào năm 2010 và làm ở phòng khám đa khoa từ năm ngoái. Họ đang ổn định cuộc sống tại Scotland - vùng thiếu thốn nhất nước Anh.
"Những ngày khám bệnh, tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện buồn. Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ, chẳng được học hành tử tế và phải chật vật mưu sinh", chị Deepali kể.
Hiện tại, trong nhà chị vẫn còn những đồ gợi nhớ tới cuộc sống xa hoa trước kia. "Tôi có một chiếc áo da cừu chưa mặc lần nào giá tới 4.000 bảng (gần 120 triệu đồng) và vài đôi giày cao gót giờ không đi đến nữa,", chị Deepali kể.
Bây giờ, vợ chồng chị thường mua sắm các đồ tiện lợi hơn là quần áo thiết kế. Họ cũng hiếm khi ăn ngoài mà thích nấu ở nhà. Trong khoảng thời gian rảnh ít ỏi, chị viết tiểu thuyết hay đi nghỉ với gia đình.
Chị không cần người giúp việc nữa và cũng hiếm khi gặp gỡ bạn bè cũ. Những ngày nhảy lên taxi đi làm cũng đã quá xa. Như hầu hết các bố mẹ khác, vợ chồng chị phải đưa con đến trường rồi lần lượt tới chỗ làm. Hai bác sĩ đa khoa địa phương này say mê với công việc phục vụ cộng đồng và yêu cuộc sống xa rời thế giới vật chất thủa nào.
Vương Linh