Trả lời:
1. Việc nhận nuôi con nuôi
Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010, Nhà nước bảo hộ quyền nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi. Để được nhận nuôi con nuôi, vợ chồng bạn phải đáp ứng các điều kiện nhất định theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, ví dụ: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt. Người con nuôi phải dưới 16 tuổi.
Thủ tục nhận nuôi con nuôi:
Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có: Đơn xin nhận con nuôi; Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; Phiếu lý lịch tư pháp; Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp. Khi đăng ký, người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi.
Xét về hệ quả pháp lý, khi nhận nuôi con nuôi thì giữa vợ chồng bạn và người con nuôi sẽ phát sinh quan hệ cha mẹ con. Theo khoản 5 Điều 2 Luật Hôn nhân & Gia đình hiện hành thì pháp luật không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi. Con nuôi sẽ được hưởng tất cả quyền tương tự như con ruột, và đặc biệt vẫn có quyền thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất (khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005). Chỉ có Tòa án nhân dân có thẩm quyền mới có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự khi có một số căn cứ nhất định.
2. Sinh con theo phương pháp khoa học
Là việc sinh con được thực hiện bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm. Theo Điều 20 Nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học thì trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân. Họ được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Và căn cứ khoản 4 Điều 4 NĐ 12/2003 thì việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc bí mật.
Theo tôi, việc vợ chồng bạn cưới nhau được 5 năm mà không có con có thể do nhiều nguyên nhân. Hai bạn nên đến các cơ sở y tế để khám xem mình có bị vô sinh hay không. Trường hợp nếu không thể sinh con, hai bạn có thể sinh con theo phương pháp khoa học. Bởi lẽ, con sinh ra theo phương pháp này vẫn là con ruột của hai bạn, sau này sẽ không phát sinh tranh chấp như trường hợp con nuôi. Hơn nữa, việc cho nhận tinh trùng và phôi được thực hiện bí mật nên bạn không có gì phải ngại.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi, vợ chồng bạn có thể lựa chọn các phương án phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Luật sư Nguyễn Đức Hoàng
Văn phòng Luật sư Phan