Sau 7 năm, từ cặp vợ chồng mới ra trường, vay gần một tỷ đồng của ngân hàng, người thân và bạn bè để khởi nghiệp, đến nay anh Lê Đình Lâm, 31 tuổi và chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, 29 tuổi, trú xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, đã là chủ xưởng giò bê nổi tiếng với thương hiệu Lâm Ngọc.
Tốt nghiệp ngành Y học cổ truyền, Đại học Y khoa Vinh năm 2014, anh Lâm về làm việc tại phòng mạch của gia đình. Năm 2015, anh kết hôn với chị Ngọc, lúc này vừa tốt nghiệp Đại học Vinh ngành Tài nguyên môi trường. Cùng năm, anh Lâm được Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn cử đi học chuyên sâu để về làm tại Phòng Chẩn trị Đông y, còn chị Ngọc chuẩn bị được Phòng Tài nguyên môi trường huyện ký hợp đồng vì quá trình thực tập thể hiện tốt, bằng loại ưu.
Sắp trở thành viên chức, song anh Lâm và chị Ngọc khiến mọi người ngỡ ngàng khi đặt vấn đề với lãnh đạo không ký hợp đồng, ra ngoài kinh doanh. "Biết là rủi ro, nhưng tôi nhìn thấy tiềm năng của nghề, muốn thử một phen", anh giải thích.
Gia đình anh Lâm có truyền thống làm y học cổ truyền, anh trai và bố có phòng mạch riêng ở Nghệ An. Khi về làm cùng bố, anh phụ trách mảng cơ xương khớp, mỗi ngày thăm khám cho hơn 10 bệnh nhân, thu nhập hơn một triệu đồng. Vừa ra trường anh đã có ý định mở cơ sở kinh doanh thuốc bắc vì thấy lợi nhuận cao, tuy nhiên chưa quyết do lo ngại thiếu nguồn cung.
Gia đình chị Ngọc sở hữu nhà hàng thịt bê nổi tiếng ở xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn. Bố mẹ kinh tế khá nên định hướng cho ba con vào Nhà nước, không muốn lao động chân tay. Nhưng chị Ngọc lại nghĩ khác, nghe chồng bày tỏ ý định kinh doanh thì đồng ý ngay.
Đến chơi thấy bố mẹ vợ làm thịt bê, chế biến nhiều món ăn phục vụ thực khách, anh Lâm nảy ra ý tưởng làm sản phẩm từ thịt bê mang thương hiệu riêng và không "đụng hàng" với gia đình vợ. Sau hơn 5 tháng tìm hiểu, anh quyết định làm giò bê, đặt mục tiêu phát triển thương hiệu nổi tiếng của quê hương.
Vay gần một tỷ đồng mua kho đông lạnh, máy hút chân không... rồi mở xưởng trên khu đất rộng hơn 100 m2 của gia đình ở gần chợ Nam Nghĩa vào năm 2016, anh Lâm nói rất áp lực, bởi kinh nghiệm làm giò bê là con số không, phải tự lần mò tìm công thức. Ông ngoại từng làm giò lợn, anh học hỏi về cách chế biến, tiếp đó lên mạng tìm hiểu thêm rồi mua thịt bê về cân đong đo đếm số lượng, trộn gia vị cho phù hợp để tạo thành phẩm dùng thử.
Nghe tin Lâm khởi nghiệp, nhiều bạn bè, cơ quan nhà nước ở huyện Nam Đàn đến ủng hộ. Do mới làm nên không đều tay, giò lúc ngon lúc dở. Có hôm khách đặt 200 cây giò loại 0,5 kg, vợ chồng anh Lâm mừng rỡ sản xuất. Tuy nhiên, mẻ hàng không đạt chất lượng, giò luộc chín bị vỡ và quá mặn phải bỏ đi, nấu mẻ mới. "Bố mẹ tôi biết chuyện, nhắc lại bảo sướng không muốn cứ chuốc lấy khổ. Nhưng ông bà sau đó cũng thương, thức xuyên đêm gói giò hỗ trợ", anh kể.
Sau gần một năm, anh Lâm đúc rút được kinh nghiệm, hoàn chỉnh công thức, các mẻ giò không còn hỏng. Lúc này bài toán tiêu thụ rất nan giải. Thị trường trong huyện hẹp, anh phải lái xe rong ruổi đến các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh thực phẩm ở trong và ngoài tỉnh đặt vấn đề hợp tác. Nhiều người thấy anh đưa ra mức giá phải chăng, định ký hợp đồng, nhưng lo ngại chất lượng nên hỏi: "Giò có pha trộn thịt lợn không?".
Anh Lâm cam kết giò chuẩn, mời đối tác đến huyện Nam Đàn thị sát. Một nhà hàng ở Hải Phòng đã cử người ở lại xưởng một tuần tìm hiểu quy trình từ giết mổ, ướp gia vị cho đến nấu và đóng gói. Người này sau đó tin tưởng, ký đơn hàng lớn, hợp tác nhiều năm nay. "Tôi cầu thị, sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai đến khảo sát, ở vài tháng cũng không sao", anh nói. Năm 2018 trở đi, cơ sở kinh doanh ổn định, lượng khách tăng, đơn hàng đều.
Theo anh Lâm, bí quyết để giò ngon là thịt bê phải tươi, là loại bê cỏ 4-5 tháng tuổi, nếu già hơn sẽ dai. Mỗi mẻ giò làm nhiều công đoạn, hàng ngày thợ phải dậy lúc 2h để mổ bê, đến đầu giờ sáng thái thịt, tẩm ướp gia vị. Gần trưa, thợ bỏ nồi nấu trong 1,5 tiếng, giữa giờ chiều thì đóng gói thành phẩm.
Giò bê được gói hai kích cỡ, loại 0,5 và 1 kg, dài 10-25 cm, đường kính 5-9 cm, giá 140.000-280.000 đồng. Mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 300-500 kg, doanh thu một năm hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài thị trường ở hàng chục tỉnh thành trong nước, cơ sở của anh Lâm có một số đơn hàng ở Hàn Quốc, Singapore. Vào mùa du lịch hè và Tết Nguyên đán, sản phẩm tiêu thụ lớn, nhiều hôm cháy hàng. Khách thường đặt hàng theo ngày và theo tháng. Cứ 2-3 ngày, đối tác sẽ lấy giò một đợt, mỗi chuyến 100-300 kg.
Từ bỏ cơ hội vào Nhà nước ra ngoài kinh doanh, anh Lâm tâm sự để đánh giá quyết định đúng hay sai thật sự khó, vì mỗi nghề có sự thú vị riêng. Hiện anh thấy vui khi bạn bè không còn hoài nghi, bố mẹ hai bên từ chỗ phản đối nay đồng hành, nói "sẽ hai tay ủng hộ nếu thiếu tiền". Vợ chồng anh có 3 con, đã xây được nhà cửa khang trang, sắm ôtô, kinh tế khá. Những lúc rảnh rỗi, anh tranh thủ đến phòng mạch của bố và anh trai để khám bệnh cho đỡ nhớ nghề.
"Tôi đang nghiên cứu đưa một số vị thuốc bắc vào giò bê để tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, sản phẩm này khó tiếp cận khách hàng, cần thời gian thẩm định", anh nói.
Ông Hồ Đình Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đàn, đánh giá vợ chồng Lâm có tư duy tốt, đột phá. "Từ bỏ cơ hội vào Nhà nước để khởi nghiệp từ con số không là quyết định đầy táo bạo. Lâm và Ngọc là hình mẫu cho thanh niên theo đuổi ý tưởng làm giàu từ những đặc sản quê nhà", ông Thắng nói.