From: Ngan Nguyen Kim
Sent: Monday, November 16, 2009 5:19 PM
Gửi quý tòa soạn và bạn đọc,
Gần đây có bài viết của anh Hùng “kể tội” vợ trên mạng và rất nhiều bài viết của chị em phê phán, đả kích anh Hùng, tôi và chồng tôi cũng tò mò xem hết các bài viết và thấy rằng chị em đang như bị “chạm nọc” và đang ra sức công kích anh Hùng.
Bài của anh Hùng viết rất dài và nghĩ có nhiều điều ẩn ý, nhưng chị em chỉ xoáy vào vấn đề “kể tội vợ”, “không chia sẻ với vợ việc nhà”, “không đưa tiền cho vợ quản lý”… mà không đặt vấn đề là tại sao lại như vậy? Hình như anh Hùng đã chọc vào đúng bệnh của một số chị em là lười làm việc nhà, thích làm biếng, thích quản lý túi tiền của chồng... và do đó, các chị đã không tiếc từ để gán cho anh Hùng.
Tôi là một phụ nữ cũng gần 40 tuổi, chồng tôi gần 50. Tôi cũng là chủ một doanh nghiệp “còi” với gần chục người. Chồng tôi là chủ một doanh nghiệp nhỡ với khoảng gần 100 nhân viên. Mặc dù công việc bề bộn, nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian đọc các bài báo liên quan đến vấn đề hôn nhân gia đình để từ đó rút kinh nghiệm cho chính gia đình bé nhỏ của mình.
Khi đọc xong bài của anh Hùng, chồng tôi tủm tỉm cười và bảo “Nhà ông này sao giống nhà mình cách đây mấy năm thế, chỉ khác mỗi cái là anh chưa kể tội em trên mạng”. Quả thật, cách đây khoảng 5 năm gì đó, gia đình tôi cũng bị khủng hoảng như gia đình anh Hùng. Chồng tôi lúc đó đã là một chủ doanh nghiệp, trong khi tôi vẫn là một phụ nữ làm công ăn lương bình thường và có nhiều “bệnh” giống vợ anh Hùng. Vì tôi cũng xuất thân trong một gia đình được bố mẹ nuông chiều từ bé và không phải lao động chân tay nhiều.
Hồi mới cưới nhau và những năm đầu hôn nhân, chồng tôi cũng rất yêu chiều tôi, và tôi cũng hay làm biếng việc nhà, nhưng khi cháu gái đầu bước vào tuổi vị thành niên (chúng tôi có 2 con gái), thì cũng là lúc chồng tôi trở nên lầm lì, ít nói, hay cáu gắt, thậm chí nhiều lúc mắng mỏ tôi, rồi nhiều hôm đi đến khuya mới về mà chẳng biết lý do.
Tôi rất buồn và không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi cũng tức mình và nhiều khi bật lại chồng, và nghe bạn bè rủ rê cũng thành lập một công ty “còi” mục đích là kiếm thêm đồng thời để tìm hiểu xem cuộc sống doanh nhân thế nào mà ông này “tinh tướng” thế. Tôi có hơn chị vợ anh Hùng là thích đọc sách, thích tìm hiểu nguyên nhận, thích lắng nghe và muốn cầu tiến. Tôi nhiều lần cũng tỉ tê và nịnh chồng để anh ấy nói ra những suy nghĩ của anh ấy.
Cùng với việc đắm mình vào môi trường doanh nghiệp và những điều anh ấy bộc bạch, thực sự tôi đã hiểu ra nhiều điều và vô cùng thông cảm với những tâm tư tình cảm của chồng tôi nói riêng và của một doanh nhân nói chung, và nghĩ mình cần phải thay đổi. Có một câu mà chồng tôi nói “Em mà cứ lười như thế mãi thì làm sao dạy được con”. Tôi đã suy nghĩ và thấy anh ấy nói đúng, và tôi đã cố gắng thay đổi vì tôi không muốn làm cho chồng tôi buồn.
Tôi đã cho người giúp việc nghỉ và bắt đầu tiếp quản các công việc của người phụ nữ trong gia đình. Lúc đầu cũng rất vất vả nhưng về sau làm nhiều rồi quen. Đến bây giờ, tôi rất thích nấu ăn và tự tay làm các công việc trong gia đình mặc dù công việc kinh doanh cũng rất bận, và tôi cảm thấy hạnh phúc với điều đó.
Tôi cũng không muốn có người giúp việc trong gia đình nữa, và tôi cũng không yêu cầu chồng tôi phải chia sẻ các công việc mà tôi nghĩ là của đàn bà, vì tôi đã có sự hỗ trợ của 2 cô con gái. Và bây giờ gia đình tôi tràn ngập hạnh phúc. Chồng tôi thỉnh thoảng vẫn nói với tôi “May mà em kịp thay đổi, chứ không nhà mình tan rồi”.
“Sống trong chăn mới biết chăn có rận”. Nếu các chị có chồng là chủ doanh nghiệp tư nhân (không phải nhà nước), hôn nhân của các chị đã kéo dài được 14-15 năm, con cái bắt đầu bước vào tuổi vị thành niên, thì các chị mới có thể hiểu được câu chuyện của anh Hùng và có những nhận định đúng. Còn không, các anh các chị chỉ nên lắng nghe và suy nghĩ, không nên phán xét một cách cực đoan như vậy.
Khi tôi viết bài này, có cả chồng tôi đang ngồi bên cạnh và anh cũng ủng hộ tôi viết bài này với cách nhìn nhận khác về câu chuyện của anh Hùng mà chính gia đình tôi đã trải qua.
Đầu tiên phải khẳng định anh Hùng đã hết tình cảm với vợ, và anh ấy đã có quyết định cuối cùng về cuộc hôn nhân của mình (99% là ly hôn). Anh Hùng là người đàn ông trung niên và từng trải, nên tôi nghĩ anh không hồ đồ khi viết một bài rất dài như vậy và mạnh dạn post lên mạng để rồi hứng chịu búa rìu dư luận. Chính vì vậy mà tôi nghĩ chúng ta cũng không nên phán xét hoặc khuyên nhủ anh ta làm gì nữa vì chắc anh ta cũng thừa thông minh để đọc sách báo và tìm đủ mọi cách để cứu vãn gia đình, nhưng không được, và mọi lời phán xét và khuyên nhủ đối với anh ta giờ đây sẽ là vô nghĩa.
Bài viết này của anh theo tôi nghĩ chỉ để là xả stress và trải lòng mình vì anh ta đã quá ức chế và không biết tâm sự cùng ai. Đàn ông có nhiều cách để xả stress khi bất mãn với vợ, có người thì rượu chè bê tha, có người thì cờ bạc tối ngày, có người thì ngoại tình rồi về bẻm mép nịnh vợ, có người thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay vợ, còn anh Hùng thì kể tội vợ trên mạng. Tôi nghĩ rằng anh ta không muốn tâm sự chuyện của mình với bạn bè người thân vì nói ra thì thấy xấu hổ và cũng không thích “vạch áo cho người xem lưng”. Anh ta chọn mạng ảo vì cư dân mạng chẳng biết anh ta là ai, vợ anh ta là ai, anh ta cũng chẳng biết họ là ai, và cho họ tha hồ mổ xẻ, miễn là anh ta đã được xả.
Bên cạnh đó, đẳng sau câu chuyện của anh Hùng tôi thấy có một ẩn ý là anh muốn kể một câu chuyện chi tiết của người trong cuộc về một thực trạng phổ biến trong xã hội hiện đại: một người vợ (hoặc chồng) lười nhác, vô trách nhiệm, để cho mọi người cùng bình luận. Và tôi nghĩ chúng ta nên đi sâu phân tích xem tại sao một gia đình có một người vợ (hoặc chồng) rất chăm chỉ, sống có trách nhiệm bên cạnh một người chồng (hoặc vợ) lười nhác, sống vô tâm và vô trách nhiệm, thì nguy cơ tan vỡ là rất cao nếu không điều chỉnh được.
Đọc bài của anh Hùng, tôi thấy toát lên anh ta là một người đàn ông tốt, sống có kỷ luật, độc lập, tự chủ, nghiêm khắc và rất có trách nhiệm với gia đình và xã hội (doanh nghiệp của anh ta), trong khi chị vợ anh ta là người phụ nữ quá lười và đoảng.
Các chị quy kết anh ta là người gia trưởng, hẹp hòi, ích kỷ và nhỏ nhen. Gia trưởng thì có thể, nhưng hẹp hòi ích kỷ nhỏ nhen thì tôi nghĩ là không. Người ích kỷ hẹp hòi nhỏ nhen là người chỉ nghĩ đến bản thân mình và sống cho riêng mình. Người ích kỷ hẹp hòi nhỏ nhen không thể làm chủ một doanh nghiệp tư nhân được đâu các chị ạ. Muốn làm chủ doanh nghiệp tư nhân, anh ta phải là người hào phóng rộng lượng và có đầu óc.
Có ai bắt anh ta phải thành lập ra doanh nghiệp, chịu trách nhiệm với bao con người, lo việc làm cũng như cơm áo gạo tiền cho họ, thỉnh thoảng lại phải đi vay mượn để trả lương cho họ? Có ai bắt anh ta phải lo kinh tế cho gia đình từ A-Z mà không bắt vợ phải cùng gánh vác như các gia đình khác? Người đàn ông hẹp hòi ích kỷ nhỏ nhen chỉ thích vợ mình ở nhà, dại gì mà lại tạo điều kiện và động viên vợ học mấy bằng đại học và cao học, và động viên vợ chuyển môi trường làm việc?
Người đàn ông hẹp hòi ích kỷ nhỏ nhen chả dại gì người ta thuê người giúp việc hơn chục năm để đỡ đần cho vợ đỡ vất vả và dành thời gian cho vợ học hành. Nếu là người đàn ông nhỏ nhen người ta phải hỏi thu nhập của vợ chứ, chẳng ai lại “không quan tâm đến lương của vợ” như anh ta. Nếu là người hẹp hòi ích kỷ chẳng dại gì mà anh ta phải “tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập cho bố vợ lúc về hưu, cho cậu em vợ lúc thất nghiệp bằng các việc làm phù hợp với khả năng tại công ty” của anh ta. Tôi lại thấy anh ta là người bao dung quảng đại.
Các chị quy kết anh ta là người không biết chia sẻ công việc nhà với vợ, khoán trắng cho vợ. Các chị không đọc kỹ đó thôi. Anh ta đưa con buổi sáng, vợ đón buổi chiều, như vậy là hợp lý, vì làm chủ doanh nghiệp tiếp khách tối ngày, làm sao mà về đúng giờ được. Vợ anh ta làm nhà nước, đón con buổi chiều là đúng rồi. Thứ bảy chủ nhật anh ta quét dọn nhà cửa, sửa chữa điện nước. Vậy anh ta rất biết giúp đỡ vợ đấy chứ, chưa kể 11 năm trước anh ta giúp vợ hoàn toàn bằng cách thuê người giúp việc. Bấy nhiêu tôi thấy là quá đủ đối với một doanh nhân đi tối ngày như anh ta, không hiểu các chị còn đòi hỏi gì nữa.
Có anh nói anh Hùng là người bo bo giữ tiền. Đâu phải vậy, anh không thấy 11 năm đầu đi làm công ăn lương, anh ta đều đưa hết lương thưởng cho vợ con à. Các anh cố gắng giữ được gia đình đầm ấm trọn vẹn và đưa hết tiền cho vợ 11 năm liền như nhà anh Hùng đi, xem có làm được không. Nếu anh ta còn tiếp tục đi làm thuê, thì tôi nghĩ anh ta chắc vẫn tiếp tục đưa hết tiền cho vợ quản lý như bao người đàn ông đi làm công ăn lương khác mà thôi, chứ giữ làm gì cho mệt đầu.
Còn khi làm chủ doanh nghiệp tư nhân, khác hẳn với đi làm thuê. Doanh nghiệp tư nhân luôn bị áp lực về nguồn tài chính và doanh nghiệp nào cũng luôn khát tiền và phải đi vay nợ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Anh ta là chủ doanh nghiệp tư nhân, anh ta luôn phải đau đầu về việc đó. Anh ta điều hành hàng tỷ đồng vốn của công ty, mà tiền đó vừa là tiền vay ngân hàng, vừa là của các cổ đông trong công ty, chả nhẽ anh ta lại phải “báo cáo” với vợ về tình hình tài chính của công ty hàng tháng? Các cổ đông họ sẽ nhìn anh ta với con mắt như thế nào?
Các chị có chồng làm chủ doanh nghiệp tư nhân liệu các chị có thực biết tình hình làm ăn và tài chính trong công ty của chồng hay không (trừ công ty gia đình)? Điều mà các anh chủ doanh nghiệp tư nhân có thể làm được cho gia đình là cung cấp tiền hàng tháng (tùy mức độ của mỗi ông chủ) và cuối năm có thể đưa cho vợ một khoản lớn nếu làm ăn được, còn nếu làm ăn thua lỗ thì chưa chắc. Tôi nghĩ anh Hùng đang làm như vậy. Tôi thấy anh Hùng thực hiện chu cấp đều hàng tháng cho gia đình mặc dù có lúc công ty không có tiền (do không thu hồi được nợ), như thế là quá tốt rồi. Chồng tôi còn không làm được như thế, tháng nào anh không có tiền đưa tôi, anh nói với tôi và tôi lại phải gánh.
Các chị nói anh ta không chịu chia sẻ thành công hay thất bại với vợ. Tôi thấy có đấy chứ, thậm chí là anh ta rất thèm được chia sẻ với vợ là đằng khác. Chia sẻ với một người mà người đó không hiểu gì và cũng không muốn nghe, vậy thì có nên tiếp tục chia sẻ nữa không?
Tôi thấy hầu hết ý kiến công kích anh Hùng đều là của các bạn trẻ, hoặc chưa lập gia đình hoặc mới kết hôn được vài ba năm. Năm bảy năm đầu của hôn nhân thường là rất đẹp các bạn ạ, khi đó con cái chưa lớn, vợ chồng vẫn còn trẻ nên tình yêu dành cho nhau vẫn rất trọn vẹn. Tôi nghĩ 11 năm đầu anh Hùng cũng rất yêu chiều vợ như bao người đàn ông yêu vợ khác. Các bạn cứ thử giữ được hạnh phúc trọn vẹn 11 năm liên tục sau khi kết hôn như anh Hùng đi, tôi nghĩ khó đấy.
Anh ta đã rất cố gắng làm việc để tạo ra cuộc sống tốt hơn cho gia đình và công ty. Anh ta “không thích nhậu nhẹt, la cà (trừ khi bất đắc dĩ phải tiếp khách), không thích rượu bia, không hút thuốc lá, không biết cờ bạc, hết giờ làm việc chỉ thích về nhà”. Vậy thì tại sao gia đình anh ta lại ra nông nỗi này?
Các anh chị đều khuyên anh ta giải quyết vấn đề bằng cách thuê người giúp việc. Tôi nghĩ anh ta cũng đủ thông minh để hiểu rằng người giúp việc chính là mấu chốt của vấn đề để đưa gia đình trở lại hạnh phúc như 11 năm về trước, nhưng tại sao anh ta không thuê nữa? Ở đây loại trừ vấn đề tiền bạc, vì tôi nghĩ anh ta có dư tiền để thuê một người giúp việc khác.
Thực ra tôi cũng không hiểu, nhưng chồng tôi đã giải thích cho tôi như thế này: anh ta là người đàn ông tuổi 40, suy nghĩ và quan niệm của anh ta về vấn đề gia đình bắt đầu bước sang cung bậc khác. Gia đình anh ta đã là một gia đình lớn, các con bắt đầu bước vào tuổi vị thành niên, bố mẹ bắt đầu bước sang tuổi trung niên. Như anh ta nói, anh ta rất quan tâm đến vấn đề dạy kỹ năng và nhân cách sống cho con cái, nên anh ta muốn bố mẹ phải là tấm gương để các con học tập.
Anh ta đã xây dựng tốt hình ảnh của một người đàn ông, một người chồng, một người cha cho con trai và anh ta cũng muốn vợ anh ta phải xây dựng tốt hình ảnh của một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ cho con gái (đàn ông không thể làm được điều này). Chính vì thế mà anh ta muốn uốn lại vợ anh ta, vốn đã cong suốt 11 năm trước, trở về đúng quỹ đạo của nó là một người phụ nữ của gia đình, một người vợ, một người mẹ để làm gương cho các con, đặc biệt là con gái.
Còn thêm một lý do nữa khiến anh ta không tiếp tục thuê người giúp việc là chị ta đi làm rất nhàn, con gái đã lớn (14 tuổi) cũng có thể giúp mẹ nhiều việc, cộng với sự giúp đỡ của anh ta nữa, nên việc nhà sẽ không còn là vấn đề nếu chị ta biết phân công và tổ chức công việc tốt. Với lực lượng trên thì quả thật không cần người giúp việc. Có người giúp việc chỉ thêm phức tạp trong nhà, chị ta sẽ tiếp tục làm biếng, lười nhác, vậy thì làm sao có thể là tấm gương tốt cho con gái được. Còn nếu chị ta là người phụ nữ năng động, bận bịu thì tôi nghĩ anh ta cũng sẽ sẵn sàng thuê người giúp việc khác để đỡ đần.
Với những gì anh ta làm được cho gia đình như vậy, tôi nghĩ những gì anh ta yêu cầu ở vợ anh ta là rất chính đáng và rất bình thường, không có gì là quá đáng cả. Ngay cả những người đàn ông bình thường cũng có thể và có quyền yêu cầu vợ như vậy. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là chị vợ của anh ta. Chính sự lười biếng, bảo thủ, thiếu hiểu biết của chị ta đã giết chết tình yêu trong anh ấy. Chính chị ta là người không tôn trọng, không đồng cảm và chia sẻ với chồng chứ không phải anh ta.
Hạnh phúc gia đình thể hiện bằng sự tôn trọng, chia sẻ và cùng nhau xây đắp, chứ không phải bằng những lời nói suông. Nếu là một người phụ nữ sống biết điều và có lòng tự trọng, thì với những gì chồng đã cố gắng như vậy, chị ta tự biết mình phải làm gì chứ. Chị ta phải cố gắng tự hoàn thiện mình, nâng cấp bản thân lên cả về hình thức và nội dung để có thể “tương thích” với chồng chứ.
Đằng này, sau 14 năm lập gia đình, mặc dù anh ta đã tạo điều kiện hết cỡ, chị ta vẫn chỉ là “cô bé” không lớn được, trong khi chồng chị ta đã đi quá xa, đã trưởng thành và thành đạt hơn bao người đàn ông khác. Giữa chị ta và anh ta đã có một khoảng cách quá lớn về trí tuệ và kinh nghiệm sống mà không thể hòa hợp được. Một người thì luôn luôn phấn đấu, còn một người thì cứ ỳ ra.
“Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa, sang đâu đến kẻ sớm trưa rượu chè”. Tất cả chị em chúng ta đều không thích những người đàn ông suốt ngày rượu chè bê tha, thì đàn ông họ cũng không thích những người phụ nữ lười nhác, đoảng vị. Chúng ta có quyền yêu cầu chồng mình không được rượu chè, cờ bạc, thì tại sao chúng ta lại lên án anh ta khi anh ta yêu cầu vợ phải chăm chỉ? Lúc đầu vợ chồng lấy nhau là vì tình yêu, nhưng liệu các chị có thể yêu mãi một ông chồng lười lao động, rượu chè cờ bạc tối ngày được không? Đàn ông cũng vậy, tình yêu của họ cũng không thể nào cháy mãi với một người vợ lười nhác, đoảng vị.
Điều anh ta lo lắng bây giờ là những đứa con. “Phúc đức tại mẫu”, tất cả những hành vi, lời nói của mẹ sẽ ảnh hưởng phần lớn tới nhân cách của con cái. Một người mẹ như vậy liệu con cái có thành người được không, và liệu gia đình có thể hạnh phúc được không? Cảm giác “vợ là cục nợ” của anh ta tôi nghĩ có phần nào đúng.
Đành rằng vợ lười và đoảng thì chồng phải chỉ bảo ân cần, nhưng có phải người đàn ông nào cũng có phương pháp sư phạm để chỉ bảo cho vợ đâu. Đồng thời với bản tính bảo thủ và hay cãi, liệu chị ta có tiếp thu và suy ngẫm không mà chỉ bảo. Lẽ ra với trình độ học vấn là thạc sĩ, nếu là người phụ nữ khác thì tôi nghĩ anh ta đã rất hạnh phúc rồi vì chẳng cần chỉ người ta cũng biết, và thậm chí còn “dạy” lại chồng. Tôi nghĩ anh ta đã chỉ bảo nhiều rồi, bằng rất nhiều biện pháp rồi, nhưng chứng nào vẫn tật ấy và không thể thay đổi được, chính vì vậy mà anh ta mới phải lên mạng để “xả”. Còn tại sao anh ta “xả” trên mạng thì tôi đã nói ở trên rồi.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì đối với những hoàn cảnh gia đình có vợ (hoặc chồng) thành đạt (hay nói cách khác là phát triển quá nhanh)? Tôi nghĩ đối với những gia đình như vậy, ngoài những lời động viên chia sẻ thường xuyên, người kia phải luôn cố gắng nâng cấp và tự hoàn thiện mình để có thể “tương thích”, hay nói cách khác là để luôn phù hợp với suy nghĩ và lối sống của vơ (chồng) mình. Còn nếu không thì khoảng cách càng ngày càng lớn và hạnh phúc gia đình tan vỡ là điều tất yếu.
Tôi thấy có một số chị cổ súy cho việc “Phụ nữ thế kỷ 21 không cần làm việc nhà”. Các chị lấy đâu ra cái định nghĩa đó vậy? Và các chị hiểu thế nào là phụ nữ thế kỷ 21? Tôi đồng ý rằng phụ nữ thế kỷ 21 là những phụ nữ hiện đại, xinh đẹp, năng động, giỏi giang, kiềm nhiều tiền, độc lập tự chủ… nhưng cái gốc của các chị là đâu các chị biết không, đó là hình ảnh người phụ nữ truyền thống “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang” hay “công dung ngôn hạnh” của chính các bậc sinh thành ra mình đấy các chị ạ. Như vậy nếu các chị loại bỏ yếu tố “đảm đang” ra khỏi người phụ nữ hiện đại thì có nghĩa là các chị phát triển không có gốc.
Các chị có thấy bất cứ một ngôi nhà nào cũng phải có bếp và phòng ngủ. Đó là những nơi duy trì hạnh phúc gia đình. Các chị đi mua nhà các chị rất quan tâm đến bếp. Nhưng khi có bếp các chị lại không thích chăm sóc nó mà khoán trắng cho người giúp việc. Ăn cơm của người giúp việc nấu không khác gì ăn cơm hàng ngay tại nhà mình. Cái bếp thể hiện tính cách của người phụ nữ trong gia đình. Liên quan đến cái bếp, những câu “vào bếp biết nết đàn bà”, “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” vẫn còn nguyên giá trị.
Tôi không hiểu sao việc nhà đối với các chị lại khó khăn thế. Đối với các bạn trẻ, điều đó có thể chấp nhận, còn đối với người phụ nữ trưởng thành và lớn tuổi, thì không thể chấp nhận được. Tôi là một phụ nữ trung niên và tôi rất thích làm việc nhà và một ngày cố gắng thu xếp khoảng 3 giờ để làm việc đó, mặc dù công việc kinh doanh của tôi rất bận. Cái quan trọng là mình quan niệm thế nào về việc làm việc nhà. Tôi nghĩ thứ nhất đó là thiên chức của phụ nữ và mình phải mài dũa thường xuyên để thiên chức của mình không bị mai một. Thứ hai là tôi cảm thấy hạnh phúc khi được phục vụ chồng con bằng chính bàn tay của mình. Nếu quan niệm như vậy, ắt các chị sẽ tìm cách nào đó để làm tốt.
Tôi lấy ví dụ như nhà anh Hùng, giải quyết việc nhà rất đơn giản, sáng anh đưa con đi ăn sáng và đi học thì chị ta dậy đi chợ, sau đó về đặt cơm hẹn giờ cho bữa ăn tối (buổi trưa có thể các cháu bán trú nên vợ chồng tùy nghi di tản). Chiều chị ta đón con về đúng giờ, cho các cháu tự tắm rửa, sau đó thì làm đồ ăn có con gái phụ giúp, ăn xong mẹ cùng con gái rửa bát và dọn bếp. Sau đó cho các cháu học bài.
Với nhà anh Hùng thì đồ ăn cũng không có gì là phức tạp bởi vì anh ta bị những bệnh phải kiêng đạm chủ yếu ăn rau, còn lại chị ta và các cháu thì muốn ăn gì thì ăn tùy. Tôi nghĩ việc cơm nước hằng ngày mất khoảng 3 giờ (sáng 1 giờ, chiều 2 giờ). Nhà cửa cố gắng giữ ngăn nắp, một tuần chỉ cần lau dọn một lần (cả nhà làm mất khoảng 2 giờ). Quần áo sắm đủ cho sử dụng một tuần, không cần thiết ngày nào cũng phải giặt mà một tuần giặt một lần (giải quyết trong ngày thứ bảy). Toàn bộ việc tồn đọng của gia đình giải quyết trong ngày thứ bảy, để ngày chủ nhật đi chơi thư giãn.
Một số chị khác luôn tự cho mình là người phụ nữ hiện đại, độc lập tự chủ về tài chính nhưng lại vẫn thích chồng phải “nộp” hết tiền cho mình. Các chị lấy đâu ra cái quy tắc đó vậy, nếu không phải là tham lam. Mỗi gia đình, mỗi người có cách quản lý tài chính riêng, miễn là thống nhất với nhau và đều vì gia đình và con cái là được. Như gia đình tôi, chúng tôi là hai chủ doanh nghiệp và độc lập về tài chính, nhưng tất cả khoản chi tiêu mua sắm trong gia đình đều được phân chia và thống nhât. Lúc nào ai khó khăn thì người kia hỗ trợ, và chúng tôi vẫn rất vui vẻ, hạnh phúc và chẳng thấy có vấn đề gì cả.
Nói chung, khi đã lớn tuổi, giống như anh Vũ Thắng có viết, chúng tôi không thích có người lạ thường trực trong nhà, mà cụ thể là không thích có người giúp việc trong gia đình mà thích tự làm hết. Văn hóa “người giúp việc” chỉ có ở Việt Nam và một số nước châu Á, và chủ yếu rơi vào những người trẻ tuổi do tư tưởng ngại khó, thích hưởng thụ. Các bạn thử nhìn ra châu Âu hoặc Mỹ xem, gần hơn nữa là Nhật bản, phụ nữ họ văn minh hơn chúng ta cả trăm năm, nhưng họ vẫn lăn vào bếp đấy chứ, làm gì có khái niệm “người giúp việc” như chúng ta.
Tóm lại, tôi là phụ nữ, tôi ghét những đàn ông rượu chè cờ bạc tối ngày, và tôi cũng lên án những phụ nữ lười nhác, tham lam và sống ỷ lại vào chồng.
Vài lời chia sẻ và rất xin lỗi bạn nào nếu đụng chạm tới bạn. Kính mong quý tòa soạn cho đăng để bạn đọc có cách nhìn khác về vai trò của phụ nữ trong gia đình. Xin cảm ơn.
Kim Ngân