- Tôi muốn công bằng về tài chính sau hôn nhân
Tâm sự "Tôi muốn công bằng về tài chính sau hôn nhân" nhận được nhiều quan tâm. Sau đây là những chia sẻ nổi bật của độc giả về cách quản lý tài chính trong gia đình họ.
Vợ chồng tôi hạnh phúc khi 'tiền ai nấy tiêu, nợ ai nấy trả'
Chia sẻ một chút với bạn về cách phân chia tài chính giữa vợ chồng mình. Chúng mình cưới nhau được mười năm, có ba bé. Thu nhập cả hai ngang nhau, tiền của ai người ấy tự giữ, tự chi tiêu, không ai giữ tiền và kiểm soát tiền của người kia.
Mỗi tháng mình đóng tiền học cho con, tiền mua sắm các thứ đồ dùng trong nhà. Vợ đóng tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống, giúp việc.....Nói chung hai khoản cũng tương đương, không hơn kém nhau mấy. Hàng tháng, hai người cùng gửi một khoản bằng nhau vào tài khoản chung, có tin nhắn thông báo đến số điện thoại của cả hai để làm tiết kiệm chung. Số tiền còn lại, ai thích tiêu gì thì tiêu, người kia không ý kiến gì. Vợ mình biếu nhà ngoại, mua mỹ phẩm... hoàn toàn thoải mái. Mình cũng mua sắm đồ công nghệ, biếu nhà nội, mua đồ chơi cho cháu... tự do.
Khi có đầu tư gì lớn, ví dụ mua đất hoặc vừa xong vợ chồng mình xây nhà trọ cho thuê, mỗi bên góp một nửa cho đủ thì thôi. Tiền lãi khi thu về lại chia đôi cho hai người. Như vậy tiền của ai người ấy tiêu, nợ của ai người ấy trả, không cần nhìn sắc mặt hoặc giải trình khi tiêu tiền, cuộc sống cũng nhẹ nhàng, ít cãi vã. Việc nhà cửa, chăm sóc con cái cũng chia đều cho cả hai. Dĩ nhiên là vợ chồng không thể tính toán quá mức. Nhiều khi người này thiếu thì người kia bù, hoàn toàn vui vẻ, thoải mái. Mình nghĩ nhờ vậy nên cuộc sống vợ chồng mình hạnh phúc và thoải mái, ít tranh cãi nhau hơn hẳn nhiều cặp vợ chồng mình biết. (Toàn)
Vợ chồng tôi ổn dù không hề tính toán khi kết hôn
Lúc chúng tôi cưới nhau năm 2008, chồng 36 tuổi, tôi 28, đều là công nhân. Chồng có căn nhà cấp bốn trước hôn nhân, làm từ năm 2001, diện tích 40 m2 ở quận Bình Tân, Sài Gòn. Tôi tay trắng, vì tôi học muộn, mới đi làm cứ nhảy việc hết chỗ nọ chỗ kia không ổn định, thu nhập nên chẳng bao nhiêu. Khi cưới có 23 bàn tiệc, tôi 11 bàn, anh 12 bàn. Xong tiệc, lấy tiền mừng thanh toán hết các khoản chi phí cưới, anh nói với tôi còn 11 triệu đồng, anh giữ, tôi không cầm đồng nào.
Sau đó tôi đi làm, tiền lương của tôi lo ăn uống và toàn bộ chi phí trong nhà (vì lúc đó tôi nghĩ anh có căn nhà nên chi phí tôi lo), lương của chồng tự anh giữ. Hàng tháng tôi dư khoản nào sẽ đưa anh gửi ngân hàng (vì chúng tôi là công nhân, không biết đầu tư). Sau một năm, tôi sinh con trai đầu lòng, năm năm sau sinh con gái thứ hai. Trong thời gian đó, tôi học liên thông lên đại học nghề kế toán.
Hiện tại lương chồng 9 triệu đồng, lương tôi 25 triệu, chúng tôi vẫn tiền ai người đó giữ, muốn chi tiêu gì tùy ý, khi có việc chung sẽ bàn luận, thống nhất việc xong thì ai có bao nhiêu tiền đưa hết ra dùng vào việc đó. Chúng tôi đã mua được hai mảnh đất nhỏ ở quê, năm 2020 mới cất lại căn nhà cấp bốn thành ba tầng để có phòng cho các con ở và vừa rồi chúng tôi mới trả hết nợ làm nhà.
Đó, bạn thấy đấy, vợ chồng tôi bước vào hôn nhân không hề tính toán gì nhưng hiện tại rất ổn, theo cách của chúng tôi. Chúc bạn có hôn nhân hạnh phúc. (hanhduyen0813)
Tôi để vợ tự giữ tiền do cô ấy làm ra
Tôi lấy vợ, sau này vợ tự giữ tiền của cô ấy để tiết kiệm cho tương lai, con cái hay tiêu xài gì thì tùy. Còn tôi sẽ lo hết tiền điện nước, ăn uống, sinh hoạt, còn nội thất thì đã có rồi. Nếu cần mua những thứ mới trong tầm giải quyết tôi tự lấy tiền mua. Còn vượt tầm tôi sẽ hỏi vợ.
Chỉ có một vấn đề cần tiền lớn là nhà hơi nhỏ, nếu vợ muốn xây nhà mới sẽ rút tiền tiết kiệm của tôi hết khoảng 400 triệu đồng, vay thêm 400 triệu đồng nữa, vậy tôi sẽ hết tiền tiết kiệm, đồng thời hai vợ chồng có khoản nợ 400 triệu. Tất nhiên tôi trả tiền gốc lãi ngân hàng, như vậy trong khoảng bốn năm, tôi sẽ không tiết kiệm được gì. Lúc này phát sinh ốm đau, bệnh tật thì phải lấy tiền vợ. Đây là tính toán của người lấy vợ nhưng vợ chưa có khoản tiết kiệm nào hoặc có nhưng giữ phòng ốm đau bệnh tật. (Richard Hoang)