Nhà to nhưng không tạo ra thu nhập, vợ chồng anh lại mắc nợ nên cuộc sống gia đình căng thẳng. Bán nhà to, mua nhà nhỏ, anh có dư một khoản tiền để làm ăn. Ngoài ra, không lo nợ nần nên vợ chồng anh làm việc tốt hơn, cuộc sống cũng hạnh phúc hơn. Dưới đây là chia sẻ của anh Ngọc Huy, 35 tuổi, đang sống tại Hà Nội.
Ai cũng biết, đất có hạn, người thì càng ngày càng đông, về lâu dài chắc chắn nhà đất sẽ lên giá. Xe là sản phẩm có thể sản xuất được, giả dụ có lên giá cũng không đáng là bao, xe sau khi lăn bánh sẽ mất giá. Nhà là tài sản còn xe là tiêu sản, nhưng nhà không có nghĩa là ngôi đền thần mà bạn chỉ tôn thờ và ngưỡng mộ, nhà cũng phải phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của bạn.
Trước đây, tôi có một ngôi nhà diện tích đất 41m2, xây 3 tầng, một tum ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là nhà mà bố mẹ tôi đã mua từ năm 1999, lúc nhà đất còn rất rẻ để cho tôi lên Hà Nội học đại học. Sau khi tôi có việc tại thủ đô thì bố mẹ sang tên sổ đỏ cho tôi.
Thú thực tôi cũng có chút máu cờ bạc. Năm 2010, trong thời kỳ sàn vàng phát triển, tôi đem thế chấp ngôi nhà, vay tiền ngân hàng để đầu tư sàn vàng. Lúc đó, tôi còn làm nhân viên IT trong một công ty truyền thông. Đó cũng là giai đoạn vợ tôi về quê sinh con. Không muốn phiền phức giấy tờ, tôi đi vay tiền với tư cách độc thân. Vì vợ con tôi chưa nhập khẩu về nhà ở Hà Nội, chúng tôi lại làm giấy đăng ký kết hôn tại quê cô ấy nên tôi dễ dàng làm giấy tờ chứng nhận mình vẫn còn độc thân.
Tôi thất bại trong vụ đầu tư sàn vàng, sau đó lại thua đau trong một cuộc cá độ (đến mức tôi bỏ hẳn thú vui cờ bạc, cá độ) nên không thể trả khoản vay ngân hàng 400 triệu, chưa kể tôi còn nợ thằng bạn cá độ cùng mình 100 triệu. Ngày vợ ôm con trở lại Hà Nội, tôi giấu kín các khoản vay này. Mỗi tháng tôi phải trả ngân hàng khoảng 10 triệu tiền gốc và lãi (tôi vay với tư cách mua nhà, trong vòng 15 năm, có thể trả trước gốc nếu có tiền). Đi làm được bao nhiêu tiền, tôi dùng trả ngân hàng hết, tháng nào thiếu thì vay mượn họ hàng, bạn bè. Vợ tôi làm kế toán, thu nhập cũng khá, khoảng 15 triệu một tháng nên cô ấy cũng không quá gắt gao khi đòi tôi góp tiền nuôi con, chi tiêu hàng tháng. Thỉnh thoảng tôi đưa vợ một ít gọi là.
Giữa năm 2011, thằng bạn có việc đòi tiền. Không có tiền, tôi lén lấy hết đồ nữ trang của vợ đem đi cầm đồ được 20 triệu, trả tạm nó, dự định khi nào có tiền sẽ chuộc lại. Tuy nhiên, ba tháng sau, tôi vẫn không có tiền để chuộc, lúc này thì vợ tôi phát hiện ra. Tôi buộc phải thú nhận sự thật về các khoản vay của mình.
Sau đó, tôi đồng ý để vợ quản lý tất cả thu chi của mình và để cô ấy chủ động đóng tiền ngân hàng. 2012, công ty của tôi giảm nhân sự, tôi phải chuyển sang một công ty khác lương thấp hơn hẳn. Khủng hoảng kinh tế, công việc của vợ tôi cũng bị giảm lương. Lúc đó, tổng thu nhập của chúng tôi còn khoảng 18 triệu, sau khi trả lãi ngân hàng chỉ còn 8-9 triệu để tiêu. Điều này không hề đơn giản đối với một cặp vợ chồng vốn quen tiêu pha xông xênh, chưa kể chúng tôi lại có thêm đứa con nhỏ, bỉm sữa tốn kém mỗi ngày.
Vợ tôi phải dùng đến các khoản tiết kiệm có trước khi sinh con của cô ấy. Hết các khoản tiết kiệm, cô ấy bắt đầu phải vay mượn bạn bè khi chưa đến kỳ lương. Thiếu tiền mặt nên cô ấy buộc phải dùng thẻ tín dụng để mua sắm thường xuyên. Nghịch lý là khi thiếu tiền, chúng tôi lại đi siêu thị nhiều hơn, vì thế chi tiêu càng lắm. Nhận lương xong đem trả nợ thẻ tín dụng là chúng tôi lại rơi vào tình trạng không còn tiền mặt. Không có tiền nên vợ chồng tôi thường xuyên hục hặc. Tôi biết lỗi của mình nên thôi kệ cho vợ nói.
Hai vợ chồng bàn cách tăng thêm thu nhập. Chúng tôi dự định đem nhà mình cho thuê, rồi đi thuê nhà nhỏ hơn để ở nhằm có tiền dư. Sau cả tháng đăng báo, đăng tin trên mạng, nhờ người quen giới thiệu nhưng chúng tôi vẫn chưa cho thuê được, vì có lẽ cái giá thuê nhà của chúng tôi hơi lỡ cỡ, 8 triệu, người ít tiền thì không thể thuê, người nhiều tiền thì thích ở chung cư hơn là vào nhà trong ngõ. Mà bảo chừa một tầng để cho người khác thuê thì cả vợ chồng tôi đều không muốn, chúng tôi không thích sống chung với người lạ.
Cuộc sống cứ nhì nhằng như thế suốt 4 năm, tiền tháng nào làm ra, tiêu hết sạch tháng đó. Dù cuối năm 2013, ngân hàng có giảm lãi suất nhưng một tháng chúng tôi vẫn đóng tầm 7 triệu, cuộc sống vẫn rất bí.
Không có tiền khiến cuộc sống của chúng tôi thật tệ: vợ chồng nhìn thấy nhau mặt nặng mày nhẹ, chúng tôi không dám chi tiêu, mua sắm gì, không thay điện thoại, đi xe cùi bắp. Nhà tôi nhiều năm không quét lại sơn tường nên trông hơi bẩn thỉu. Cái tủ lạnh lăn đùng ra hỏng, đành phải đi mua trả góp, tốn thêm ít tiền lãi và bảo hiểm. Tiếng là có nhà to nhưng chúng tôi không dám mời ai đến nhà vì ngại tốn bữa cơm, ai rủ đi đâu làm gì mà có dính đến tiền là từ chối…
Nhiều đêm tôi nằm vắt tay lên trán nghĩ, khoản nợ của tôi đến năm 2025 mới hết. Chả lẽ tôi cứ ôm cái xác nhà mà sống qua ngày? Lúc nào cũng nghĩ đến tiền và nợ nên tâm lý hai vợ chồng đều căng thẳng, chẳng ai quan tâm chăm sóc nhà cửa nữa. Mấy ngày chúng tôi mới lau nhà một lần vì nhà rộng, lau rất mệt. Tôi nhận ra, nhà rộng nhưng cuộc sống bí bách thì đâu có hạnh phúc.
Vậy là đầu năm 2015, tôi đã quyết định bán ngôi nhà này đi, được 4 tỷ, trả hết khoản nợ ngân hàng và các khoản nợ họ hàng, bạn bè phát sinh, chúng tôi còn 3,5 tỷ. Số tiền này để mua nhà mặt đất ở khu vực tương đối trung tâm là không hề dễ, vì vậy chúng tôi quyết định mua một căn hộ chung cư hơn 70m giá 2 tỷ. Còn lại tôi mua một chiếc ôtô 500 triệu để tiện về quê, góp 600 triệu với mấy người bạn để mở quán cà phê, dùng 100 triệu sắm sửa đồ mới cho gia đình và cất 300 triệu vào tài khoản tiết kiệm.
Từ ngày không còn lo lắng nợ nần, vợ chồng tôi làm việc đầu óc thông thoáng hơn, lương vợ tôi được tăng thêm 3 triệu/tháng. Tôi ngoài đi làm ở công ty thì tham gia quản lý quán cà phê cùng các bạn, thu nhập từ quán cà phê cao hơn lương chính. Đặc biệt, giờ đây không phải trả nợ nên chúng tôi có thể chi tiêu thoải mái hơn và mỗi tháng cũng để dành ra được 10 triệu.
Sau vụ mua bán nhà của mình, tôi càng tự tin để khẳng định, không phải cứ ở nhà to là hạnh phúc, quan trọng là chất lượng cuộc sống của mình thế nào. Giờ đây, chúng tôi có thể cho con đi học thêm tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ, học vẽ nhà thiếu nhi, vợ chồng được đi du lịch, về quê bố mẹ tự hào vì chúng tôi có xe ôtô đi... Ở nhà nhỏ, chúng tôi cũng dễ chăm sóc ngôi nhà của mình hơn nên nhà luôn sạch sẽ gọn gàng và ấm cúng.
Ngọc Huy
Chia sẻ thắc mắc, kinh nghiệm và quan điểm tiêu dùng của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ). Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật.