Chiều cuối năm, đứng bên căn nhà mới xây trị giá hơn 1,5 tỷ đồng ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, anh Hà (46 tuổi) và chị Thủy (45 tuổi) nói: "Tết này gia đình ấm rồi". Từ mảnh đất bạc màu rộng 2.000 m2, nhờ bén duyên với nghề nuôi lươn đồng, hai vợ chồng tạo được cơ ngơi khang trang với hệ thống nhà ở cùng vườn ao chuồng khép kín.
Kết hôn năm 2015, vợ chồng anh Hà ra ở riêng với số tiền tích góp vài chục triệu đồng, hai sào ruộng cùng mảnh đất của bố mẹ chồng để lại. Anh từng ấp ủ ý định xây bể xi măng bắt lươn đồng về nuôi, sau đó xuất con giống cho dân, song vì vướng nhiều việc nên chưa thể thực hiện. Sau ngày cưới, anh bàn với vợ về kế hoạch dang dở và được ủng hộ.
Sẵn đất, vợ chồng vay mượn hơn 100 triệu đồng xây 24 bể nuôi, mỗi bể 4 m2. Thời gian đầu, hai người ra đồng thả trúm làm bằng ống tre, tự bắt hoặc mua con giống của nông dân để về nuôi thử nghiệm. "Lúc đó nhiều người nói vợ chồng tôi khùng, làm được họ đi đầu xuống đất", chị Thủy nhớ lại.
![Hệ thống bể nuôi lươn của gia đình anh Hà. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/12/30/nuoi-luon-2-7035-1640857093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RWelx1TBIdQQcsKWll2LzA)
Hệ thống bể nuôi lươn của gia đình anh Hà. Ảnh: Đức Hùng
Vợ chồng anh Hà chi 50 triệu đồng mua hơn 5 tạ lươn đồng về thả. Ngoài ra, anh còn mua thêm 60 kg lươn giống nhân tạo với giá 21 triệu đồng từ miền Bắc về nuôi để so sánh tập tính hai loại. Vụ đầu tiên, lươn đồng phát triển song mỗi ngày chết khoảng nửa kg; riêng lươn nhân tạo nuôi mãi không lớn. Họ đành mở nắp cống xả nước cho trôi hơn 60 kg lươn nhân tạo ra sông, gom lươn đồng chết để làm sạch môi trường.
"Tôi tiếp tục bị hàng xóm nói khùng vì mua lươn về đi đổ", chị Thủy kể. Vụ đầu xem như bỏ, hai vợ chồng nhiều đêm nằm trằn trọc, trong giấc mơ cũng nghĩ tới lươn. "Chắc chắn mình chưa biết cách nuôi", chị Thủy nói với anh Hà. Hai người sau đó dành thời gian lên mạng tìm hiểu, phát hiện nguồn nước trong bể hiện tại chưa đủ độ pH.
Các bể nuôi lấy nước từ giếng ngoài ruộng về. Nước này không có phèn, thiếu độ pH khiến lươn chết. Sẵn trong vườn có ao rộng 200 m2, sâu hơn 1,5 m, anh Hà mua đường ống, bơm nước từ con sông cách nhà khoảng 500 m về tích trữ tại ao, cứ một ngày thì đổ nước này vào bể nuôi lươn thay hai lần. Các vụ nuôi sau lươn ít chết, phát triển tốt.
Cũng nhờ chăm học hỏi thông tin trên mạng, đến nay anh Hà đã biết cách phòng tránh bệnh nấm cho lươn, hàng tuần phải tạt nước muối pha lãng vào bể, khử khuẩn nguồn nước.
![Anh Hà (trái) và chị Thủy bắt lươn thương phẩm bán cho khách. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/12/30/thuan-hoa-luon-1-7318-1640857093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LrucsVGC7HgSoSFcV1Rk0w)
Anh Hà và chị Thủy bắt lươn thương phẩm bán cho khách. Ảnh: Đức Hùng
Hai năm đầu lỗ khoảng 400 triệu đồng vì lươn chết và thị trường tiêu thụ chưa đảm bảo, đôi lúc anh Hà tỏ ý nản, nhưng được vợ động viên: "Làm ăn lúc được lúc thua. Thất bại là bình thường, nếu thắng lợi hết thì tiền bỏ đâu cho hết". Thấy vợ lạc quan và ủng hộ, anh Hà bảo "thôi đã đâm lao rồi ta phải theo đến cùng".
Vợ chồng anh Hà chủ yếu thuần lươn đồng giống, mỗi năm xuất bán hai lần. Vào đầu năm, họ dành một tháng đi gom khoảng 3 tạ lươn về thả nuôi trong 24 bể. Sau 3-4 tháng, lươn phát triển thì đem bán cho các cơ sở giống ở miền Bắc hoặc Huế để họ tiếp tục chăm sóc. Xuất hết một lứa, họ gom nuôi lứa mới cho đến tháng 11-12 thì ngừng thuần lươn nhỏ, vì trời rét chúng hay bỏ ăn, dễ chết.
Lươn đồng nhỏ mỗi kg khoảng 150 con, giá 100.000 đồng. Đến lúc xuất bán, mỗi kg khoảng 130 con, giá 450.000 đồng, thu lời hơn 300.000 đồng/kg. Lươn giống không bán hết sẽ được nuôi thương phẩm. Sau 7-8 tháng, vợ chồng anh Hà đem bán cho các nhà hàng trong tỉnh, giá 150.000 đến 200.000 đồng/kg.
Lươn đồng màu vàng đẹp, thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều cơ sở ưa chuộng. Hai năm đầu gặp khó khăn trong kết nối đầu ra, vợ chồng anh Hà lên mạng tìm địa chỉ, liên hệ với các cơ sở chăm sóc con giống. Họ sau đó cử người trực tiếp về nhà chị Thủy khảo sát, đặt vấn đề hợp tác dài hạn.
Từ năm thứ ba trở đi, gia đình bắt đầu có lãi, trung bình một năm vợ chồng thu lời khoảng nửa tỷ đồng từ bán lươn giống và lươn thịt, nợ nần do thua lỗ ngày trước đã trả hết. Từ năm 2020 đến nay, do Covid-19, việc đi lại khó khăn nên anh Hà không dám thuần lươn số lượng lớn dù đơn đặt hàng luôn nhiều.
![Lươn đồng giống chờ xuất tại cơ sở của anh Hà. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/12/30/nuoi-luon-4-5794-1640857093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XKgmAELYmRC3l1mqISNw9Q)
Lươn đồng giống chờ xuất tại cơ sở của anh Hà. Ảnh: Đức Hùng
Vợ chồng anh Hà có hai con trai, 3 và 4 tuổi. Vừa qua, sau nhiều năm tích góp, ngoài xây nhà, gia đình còn xây thêm một số chuồng trại để nuôi hàng chục con bò giống để vỗ béo bán kiếm lời.
Ông Dương Kim Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Hà, đánh giá anh Hà chị Thủy là những nông dân chịu khó, dám nghĩ dám làm, biết áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất chăn nuôi để phát triển kinh tế.
"Vợ chồng anh Hà là người đầu tiên trong huyện thuần hóa lươn đồng. Mô hình này sau đó có một vài người làm, nhưng đa số theo được thời gian ngắn rồi bỏ. Còn gia đình anh Hà thành công nhờ kiên trì và sáng tạo", ông Hồng nói.