Tháng 5 vừa qua, anh Phạm Xuân Trường (39 tuổi) và chị Đinh Việt Anh (36 tuổi) bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Học viện Hành chính quốc gia với kết quả tốt. Chị Việt Anh đạt điểm cao nhất khóa học. "Học hành là phấn đấu cả đời, có điều kiện tôi sẽ học lên tiếp", chị Việt Anh chia sẻ.
Quá trình học tập của đôi vợ chồng khiếm thị không hề suôn sẻ. Quê ở Thanh Oai (Hà Nội), anh Trường là con cả trong một gia đình 5 anh em thì có đến 3 người hỏng mắt. Từ năm 10 tuổi, mắt anh đã bị chứng thoái hóa sắc tố võng mạc. Tính ham học, anh vẫn đi học và còn giúp đỡ các bạn, giúp em chuyện bài vở.
Hết lớp 12, không có trường nào nhận người mù vào học, chàng trai bỏ vào TP HCM tìm cơ hội. Ba năm ở đây, anh làm đủ nghề như cạo bếp lò, đóng than tổ ong, dán dép cao su, gói mì tôm, dạy thêm, nhưng không nơi đâu cho anh cơ hội học tập.
"Mắt tôi ngày một kém, việc đi lại khó khăn. Bố mẹ thương con gọi về nhưng nghĩ cảnh về quê thất học, tôi lại nản. Sau cùng, bố mẹ phải lừa tôi trở về", anh Trường nói. Năm 24 tuổi, anh mới thi vào Cao đẳng sư phạm Hà Tây. Mất một thời gian gián đoạn, anh mới được nhà trường nhận vào học.
Việc học tập của anh Trường rất vất vả khi đến những năm 2000 mắt anh kém hẳn, xoay ngang, xoay dọc vẫn không đọc được sách, hay phân biệt hình khối, chỉ nhận biết được ngày và đêm. Để viết được chữ, anh căng chỉ, kẹp giấy phía dưới và dùng bút dạ để viết. Lúc đi thi, anh dùng bút dạ và lấy một bìa giấy màu tối căn dòng kẻ viết theo nhưng cũng chỉ thẳng hàng tương đối.
Không như người mắt sáng có thể tìm kiếm tài liệu học tập dễ dàng, khi làm tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sĩ, ngoài tự tìm trên Internet, anh phải nhờ người mắt sáng gõ lại văn bản, sau đó dùng phần mềm đọc trên máy tính để lọc kiến thức. Mỗi khi anh đi thư viện, đến các cơ quan xin liên hệ công việc cũng phải có một người mắt sáng đi theo hỗ trợ.
Chị Việt Anh (quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) gây ấn tượng với người đối diện bởi khuôn mặt sáng sủa, thông minh. Là con út trong gia đình có bố mẹ là nhà giáo nghèo, chị bị thoái hóa giác mạc từ năm 3 tuổi, nhưng luôn có thành tích học tập tốt, đạt được nhiều giải trong các kỳ thi ở tỉnh, huyện. Chị nhớ lại: "Trong năm tôi đi học, còn 3 tháng hè là đi bệnh viện điều trị mắt. Năm nào bố mẹ cũng nuôi một đàn lợn, gom góp hết cho tôi chữa trị".
Khi 5 tuổi, Việt Anh bắt đầu đi học, bố mẹ kẻ vở thật đậm để chị viết theo hàng kẻ ấy. Những ngày trời sáng, chị có thể nhìn thấy dòng kẻ, nhưng lúc trời mưa, tối thì không học, không đọc được nữa. Chị vẫn ham học, ghé sát mắt vào trang giấy bên ngọn đèn dầu để đọc. Tới tận năm 1992, quê chị mới có điện.
Gắng nhìn nhiều quá, đến năm lớp 9 thì mắt chị hỏng hẳn. Hè năm ấy, chị phải đi ghép giác mạc tử thi. Vẫn như trước, bố mẹ kẻ vở đậm lên, ngồi bên khung cửa nhiều ánh sáng chị có thể phân biệt được đâu là dòng chữ xanh, đen, đỏ. Nhưng cũng chỉ được chừng nửa năm, chị không phân biệt được màu và không viết đúng dòng kẻ nữa. Bị mù, Việt Anh phải nghỉ học, nhưng nhớ trường, nhớ lớp, bố mẹ lại xin cho chị học dự thính.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, không có trường nào nhận người khiếm thị, được bố mua cho cái đài catssette, chị biết những vấn đề thời sự, nghe truyện và bắt đầu cộng tác viết báo từ đó. "Tôi tìm hiểu được hình thức đào tạo từ xa, nộp đơn tham gia học, nhưng người ta không tổ chức cho người khiếm thị thi. Năm 19 tuổi, bố tôi biết Hội người mù Hà Tĩnh dạy chữ nổi nên cho tôi đi học", chị kể.
Năm 1999, Việt Anh thi vào khoa Triết, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Vừa làm, vừa học, đến năm 2002, chị lại thi vào khoa Tiếng Anh, ĐH Mở (Hà Nội). Trong thời gian này, chị còn học thêm tiếng Trung, Nhật và có chứng chỉ sư phạm.
Việc học ngoại ngữ với người khiếm thị rất khó khăn vì không có sách, băng đĩa chuyên biệt. Chị thường phải nhờ bạn bè đọc giúp phần nào quan trọng nhất của sách và dồn trọng tâm vào đó. Đồng lương giáo viên khiếm thị ít ỏi nhưng chị cố dành dụm mua máy tính để tra từ điển. Những khi thi, có một giám thị ngồi bên đọc đề, chị vừa phải ghi nhớ, vừa phải tìm đáp án. Khó khăn gấp bội nhưng lúc nào chị cũng tốt nghiệp với bằng loại giỏi.
Căn phòng hơn 20 m2 trong khu tập thể cơ quan anh Trường ở Cầu Giấy (Hà Nội) là tổ ấm bấy lâu nay của đôi vợ chồng và con gái 4 tuổi. Hàng ngày, anh Trường dạy học ngay trong trung tâm. Chị Việt Anh có một xe ôm giúp việc đi lại. Đang nghỉ hè, anh chị gửi con vào Nam chơi với họ hàng, giảm bớt khó khăn chăm sóc.
Năm 2000, anh chị quen nhau khi cùng là giáo viên của trung tâm và bắt đầu yêu nhau một năm sau đó. Vì chuyện học hành và giúp đỡ gia đình nên đến năm 2009, anh chị mới nghĩ đến chuyện kết hôn.
Lần đầu sinh con, chị Việt Anh rất ngượng ngịu. Thời gian đầu, ngoài cho con bú và bế ẵm, những việc khác chị phải nhờ người làm. Sau đó quen dần, chị có thể thay tã, giặt quần áo cho con. Riêng chuyện đút bột không hề dễ dàng với đôi vợ chồng khiếm thị. "Khi cho con ăn bột, uống sữa, tôi phải sờ đúng miệng con, rồi mới đút cho cháu. Nhưng cố gắng lắm, chúng tôi cũng không thể làm tốt được vì cháu rất hiếu động, cứ quay đầu lung tung. Mỗi lần cho con ăn xong là cả gia đình bẩn hết quần áo", chị cười nhớ lại.
Chị Đỗ Thị Chiến, giáo viên Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù, cho biết chị và Việt Anh là những giáo viên đầu tiên của trung tâm. Là đồng nghiệp, người hàng xóm thân thiết, chị luôn khâm phục nghị lực của vợ chồng chị Việt Anh - anh Trường.
Theo chị, khoảng thời gian vợ chồng anh Trường học cao học rất vất vả. Anh chị vừa phải đi làm, chăm con nhỏ, thời gian học chủ yếu về đêm, nhưng vẫn đạt thành tích tốt. "Vợ chồng Việt Anh nuôi con rất khéo, tập cho bé biết yêu thương bố mẹ và tự lập sớm. Mới 4 tuổi mà cô bé tự mặc quần áo, ăn uống và buộc tóc rất đẹp. Anh chị ấy còn đánh chữ, số ra máy tính, rồi dạy con từ rất sớm", chị Chiến cho biết.
Hiện anh Trường là Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù. Chị Việt Anh là Trưởng ban công tác phụ nữ trẻ em của Hội Người mù Việt Nam và Tổng biên tập tạp chí Đời mới.
Phan Dương