Từng tư vấn cho nhiều khách hàng gặp trục trặc hôn nhân, nhưng để lại ấn tượng khó quên nhất với thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM là tình huống bi hài của chị Hạnh (30 tuổi, quận 4, TP HCM) hồi tháng 3 vừa qua. Chị hỏi làm sao giải thoát được người chồng mới cưới chưa đầy một tuần.
Chị Hạnh kể chị và chồng là anh Phú (32 tuổi) cùng làm trong ngành ngân hàng và đã yêu nhau 8 năm, được coi là môn đăng hộ đối. Suốt thời gian ấy, họ chia nhau từng khoản tình phí, mua cho nhau món quà gì cũng ghi lại cẩn thận.
Đầu năm nay, đám cưới diễn ra trong niềm hân hoan của hai gia đình, tổ chức chung chỗ, chung hòm tiền mừng. Đêm tân hôn họ không làm chuyện vợ chồng mà ngồi đếm tiền mừng, xem danh sách bạn bè của nhau đến dự, tổng kết lại được gần 500 triệu.
Chị Hạnh muốn giữ hết tiền để mở một cửa hàng thời trang bán ban đêm và các ngày cuối tuần, phần còn lại để tiết kiệm. Anh Phú không đồng ý, cho rằng lúc tổ chức tiệc và chuẩn bị trước lễ cưới, ba mẹ đã bỏ tiền ra lo thì giờ phải đưa lại cho ông bà, phần dôi ra hai vợ chồng sẽ giữ. Không muốn đôi co, chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ, hủy kỳ nghỉ tuần trăng mật ở nước ngoài mà hai người đã lên kế hoạch.
Những ngày sau đó, cô dâu nói bạn bè mình nhiều thì được hưởng nhiều, chú rể nói bạn mình đi ít nhưng bỏ phong bì nhiều nên phải đồng đều. Cuối cùng không ai nhường ai, họ quyết định ly thân, thùng tiền mừng cưới chia theo cách bạn bè của ai người đó giữ.
"Tôi khuyên vợ chồng mới cưới sẽ không tránh khỏi những hiểu nhầm, vì thế hãy bỏ qua cho nhau mà chẳng được. Cô ấy rất dứt khoát. Mấy tháng sau, tôi nhận được cuộc điện thoại của cô ấy báo đã được tòa chấp nhận đường ai nấy đi", thạc sĩ Hoa nhớ lại.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra năm 2014 với vợ chồng chị Tình - anh Lâm (quận Phú Nhuận, TP HCM), có công việc ổn định và hơn 6 năm tìm hiểu. Mới cưới nhau 10 ngày họ đã lôi nhau ra tòa ly dị, chỉ vì ai cũng tranh phần tiền mừng của mình nhiều hơn và đòi giữ tất cả.
Vị thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án ban đầu thắc mắc, sao mới cưới có mấy ngày mà đã đòi chia tay và không tin đó là thật. Ông 4 lần phải triệu tập họ để hòa giải.
"Suốt hai tháng thụ lý vụ án, hễ cầm tờ đơn ly hôn là tôi lại suy nghĩ, cân nhắc, phải làm sao cho hợp lý, hợp tình. Làm sao để thuyết phục, hàn gắn, giúp họ điều chỉnh được cái tôi của mình để nhường nhịn, chấp nhận khiếm khuyết của người kia", vị thẩm phán nhớ lại. Ngược lại, chị Tình nói không cần hòa giải nữa mà phải mở phiên tòa để xét xử cho nhanh.
Cuối cùng, nghe những gì họ kể tội nhau, vị thẩm phán của TAND quận Phú Nhuận (TP HCM) chấp nhận cho họ được giải thoát. "Tôi nghĩ, mới cưới mà họ hơn thua nhau từng đồng tiền mừng, rồi chê bai, miệt thị nhau thì nếu có hàn gắn cuộc hôn nhân ấy cũng không hạnh phúc. Cách tốt nhất là cho họ giải thoát để cả hai còn có thời gian làm lại", vị thẩm phán nói.
Theo thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa, cả hai cặp vợ chồng trên đã quá tham lam, chưa trưởng thành và không khéo léo. "Tiền mừng cưới rồi cũng là tài sản chung. Vợ chồng với nhau là cả đời, chứ mới cưới về đã mâu thuẫn vì chuyện chẳng đáng thì có lẽ họ nên chấm dứt hôn nhân càng sớm càng tốt".
Bà Hoa cũng cho biết, chuyện mới cưới đã mâu thuẫn vì tiền khá phổ biến, không chỉ với các cặp yêu nhanh cưới vội, mà còn với các cặp có thời gian tìm hiểu lâu năm như chị Hạnh và chị Tình. Nguyên nhân là do trong quá trình yêu đương, các khoản tình phí thường do một người chi trả, thông thường là người nam. Khi cùng nhau chuẩn bị cho đám cưới, cùng phải trả các chi phí như: chụp hình, đãi tiệc, in thiệp, sắm đồ... mới bùng phát mâu thuẫn, tiền anh tiền tôi. Nếu không chuẩn bị tâm lý trước họ sẽ bị sốc trước cảnh hành xử của người mình ngưỡng mộ.
Theo thạc sĩ Hoa, để tránh bị sốc khi về chung nhà, trước đám cưới, các cặp đôi hãy thẳng thắn nói với nhau về tài chính, vạch ra các khoản phải chi trong đám cưới và có kế hoạch cụ thể về khoản tiền mừng để có cách giải quyết phù hợp. Việc đóng góp tài chính sau hôn nhân cũng nên được bàn từ trước, tránh chuyện cưới về mới biết mình sẽ phải bao hết cho người kia.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Thảo Nguyên