Cuộc sống "bỏ phố về rừng" của chị Đặng Thị Thanh Thủy và anh chồng người Hà Lan bắt đầu năm 2019 sau một lần về Đà Lạt dự đám cưới.
Họ thuê farmstay ở Đà Lạt kinh doanh và làm quen dần với cuộc sống chân lấm tay bùn của người nông dân dù ngay trước đó, chị Thủy đang là chuyên viên của một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội còn chồng chị, anh Jack đang có một công việc ổn định ở Hàn Quốc.
Đầu năm 2021, cặp vợ chồng góp đủ tiền mua được mảnh đất 450 m2 ngay rìa "thành phố mộng mơ". Anh Jack bắt tay vào tự làm ngôi nhà hình chiếc lá thường xuân từ 500 cây tre, 300 cây tầm vông. 8 tháng sau, ngôi nhà hoàn thiện và lập tức nổi tiếng, được rất nhiều người đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.
"Trải nghiệm đó khiến chúng tôi tự tin với bốn bàn tay này có thể biến mọi giấc mơ thành hiện thực", cặp vợ chồng nói.
Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau họ nhận ra đây vẫn không phải là cuộc sống mình mong muốn bởi "quá hiện đại và tiện nghi". Cả hai muốn sống tự cung tự cấp, tối giản, tái chế và bảo vệ môi trường. Mảnh đất 450 m2 không thể giúp họ tự chủ thực phẩm, vẫn phải mua thêm bên ngoài. Trong nhà vẫn dùng bếp từ và nhiều thiết bị nấu nướng.
Một ngày chị Thủy ngộ ra mình chỉ là "kẻ cướp" của tự nhiên. Người phụ nữ 38 tuổi nghĩ từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, để đáp ứng các nhu cầu của bản thân, con người liên tục sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà không hề hỏi xin.
"Điều gì sẽ xảy ra khi đến một ngày trái đất hết thứ để cướp?", chị chia sẻ suy nghĩ với chồng. Bất ngờ, đó cũng là quan điểm sống của anh Jack nhưng lâu nay không dám nói vì sợ chị lo lắng.
Cuối cùng họ quyết định bán ngôi nhà tự tay xây dựng, chuyển đến huyện Eah'leo, Đắk Lắk mua mảnh đất 10.000 m2. Họ gặp may khi xung quanh đã có gần 30 hộ bỏ phố về rừng, giúp họ dù chưa về ở đã kết nối được những hàng xóm cùng chí hướng.
Cặp vợ Việt chồng Tây dành trọn năm đầu tiên để kiến thiết cơ bản. Thay vì làm nhà tre, họ mua nhà gỗ cũ về dựng lại để bảo vệ môi trường hơn nữa. Khi về đây, vườn chỉ có cỏ, cây rừng và một số cây ăn trái. Việc đầu tiên vợ chồng chị Thủy gieo trồng rất nhiều cây họ đậu - loài cây có khả năng làm giàu dưỡng chất cho đất, bảo vệ đất khỏi xói mòn, giữ nước lâu hơn và tạo môi trường cho lớp thực vật mới xuất hiện.
Với mục tiêu sống tự cung tự cấp, họ dành 25% diện tích trồng đủ các loại cây ăn trái, 75% còn lại để trồng cây rừng. Vườn rau cũng áp dụng kiểu "nông nghiệp lười", hạn chế trồng các rau ngắn ngày mà trồng các loại lâu năm.
Để phần nào giảm thiểu tình trạng mất dần những mạch nước ngầm, họ chủ trương biến khu đất của mình thành một "hồ chứa nước khổng lồ". Khắp khu vườn, Jack thiết kế nhiều đập, hồ, bẫy nước nhằm cản dòng chảy, chống rửa trôi đất, giúp nước đó ngấm sâu vào lòng đất.
Gia đình sinh hoạt hoàn toàn bằng nước mưa tích trữ. Hiện họ làm năm 5 bồn nước, chứa được khoảng 25 m3, đủ dùng cho 6 tháng mùa khô mà không cần khoan giếng. Họ học cách nhận biết và sử dụng các loại rau rừng và dược liệu quanh nhà, làm nhà vệ sinh khô, ủ phân.
"Một trong những điều mình hứng thú nhất khi về đây là nấu bếp củi và giặt đồ bằng nước tro. Cơm bằng bếp củi nồi gang ngon hơn; giặt nước tro sạch và bảo vệ da tay hơn", chị Thủy nói.
Hiện họ chủ động được trứng, nước, củi, một số loại rau xanh. Cả nhà chỉ dùng điện cho một tủ lạnh, một cái quạt trong những ngày thật nóng và thắp sáng. Tất cả những việc khác đều dùng sức người.
"Chúng tôi tin chạy theo tiện nghi chỉ khiến con người tàn phá tự nhiên nhiều hơn, quên mất mình cũng là một mắt xích trong hệ thống sinh thái", cặp vợ chồng nói.
Rất nhiều người nói bỏ phố về rừng cần nhất là vốn, đất, kiến thức, nhưng vợ chồng Thủy thấy cần nhất là tinh thần thép. Năm đầu về rừng không hề dễ dàng, đặc biệt là với Jack vì chỉ quen khí hậu lạnh. Mùa khô đầu tiên, nắng nóng khiến anh chỉ vận động một chút đã mồ hôi nhễ nhại. Nhà bộn bề công việc, trong đầu có nhiều ý tưởng muốn thực hiện nhưng thời tiết khiến anh không làm được gì.
Thậm chí đã có những khoảnh khắc Jack cảm tưởng không thể trụ nổi. Hồi tháng 5, lũ bọ đậu đen bâu kín nhà. Anh tìm đủ mọi cách nào để đuổi, từ quét, dùng máy hút bụi, hun khói bạch đàn nhưng chúng vẫn ùn ùn xuất hiện trở lại. Gia đình chấp nhận sống chung, song suốt một tuần đó không ngủ được vì đêm nằm cứ có cảm giác bọ bò khắp người.
"Anh đã trải qua đủ thử thách từ khi chuyển về đây và không nghĩ có thể tiếp tục với lũ bọ này năm này qua năm khác", Jack bực bội nói với vợ rồi ôm gối xuống phòng các con.
Cả đêm đó Jack trằn trọc, trong đầu nung nấu nhất định sẽ tìm ra cách đòi lại nhà từ lũ bọ, tất nhiên không dùng cách phun xịt thuốc.
Người đàn ông Hà Lan tâm sự, vào những phút yếu lòng ấy, thứ giữ anh lại là khoảnh khắc nhìn rừng cây và nhận ra đây là hành trình đi đến ước mơ. "Về rừng giúp tôi cảm thấy độc lập. Giờ làm mọi thứ chỉ phục vụ bản thân, gia đình, nên thích thì làm bất cứ lúc nào, bất cứ thứ việc gì mình muốn", anh chia sẻ.
Với chị Thủy, khi về rừng là chấp nhận bỏ đi danh vọng, sống cuộc đời không nghèo, không giàu, không phải lo lắng tiền bạc. Mỗi ngày ra vườn đều như được nhìn thấy phép màu trước những chồi non hôm nay khác hôm qua, hay những con bướm vẫy vùng thoát khỏi kén.
"Tôi trở nên khiêm nhường, bởi biết mọi sự vật, sự việc đều sinh sôi, chết đi giống mình thôi", chị nói.
Một số hình ảnh cuộc sống của gia đình chị Thủy - anh Jack.
Phan Dương