Anh Quốc Hùng, 28 tuổi, ở Tiền Giang nói bạn hứa ra Tết sẽ trả. "Tôi đố anh đòi được lại. Thứ như nó mà anh vẫn dính lấy'', chị Thảo đáp. Biết vợ không đồng ý, người chồng vẫn bấm điện thoại chuyển khoản.
Về quê, Thảo nghe mọi người kể anh bạn thân của chồng vừa báo nợ hơn 100 triệu đồng. Ra Tết hơn nửa tháng, chị không thấy được trả nợ như hẹn, trong khi đó tiền đóng học cho con, trả nợ ngân hàng và sinh hoạt phí đầu năm chưa biết trông vào đâu.
Bực bội trong người, Phương Thảo trách chồng quý bạn hơn vợ con. Anh Hùng mắng vợ nói nhiều, sống không tình nghĩa. "Anh là bạn nó, không giúp thì ai giúp. Mình có thể vay người khác, nhưng nó không vay ai được nữa", anh nói.

Ảnh minh họa: Londonmumsmagazine
Anh Hoàng Văn Tài, 34 tuổi, ở TP HCM không muốn vợ chơi với cô bạn thân thời đại học vì thấy không hợp phong cách sống của gia đình. "Cô ấy rủ bà xã tui đi chơi, đi mua sắm, cà phê miết, không có thời gian cho con luôn'', anh Tài nói.
Có bữa, cả gia đình đang ăn cơm, nhưng nghe điện thoại của bạn thân, chị Hà, vợ anh Tài bỏ bữa, đến gặp. "Tối cô bảo nhà bạn có chuyện nên ngủ lại luôn, dù con ở nhà đòi mẹ'', anh kể.
Vợ và bạn còn lưu số điện thoại nhau là "vợ" và "chồng", gọi nhau như vậy trước mặt anh Tài. Gặp mặt, họ nắm tay, ôm ấp tình cảm khiến anh cảm giác mình như người thừa.
Tài cũng thấy bạn vợ bỗ bã, thiếu tế nhị, thấy vợ chồng anh giận nhau cô này không khuyên nhủ được gì, chỉ xúi ly hôn. Anh khuyên vợ nên hạn chế tiếp xúc với cô bạn "độc hại" này nhưng chị Hà từ chối, nói anh xem thường bạn thân là không tôn trọng mình.
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP HCM cho rằng chuyện các cặp vợ chồng mâu thuẫn vì bạn thân của đối phương không hiếm. Các mâu thuẫn này có thể xuất phát do ghen tuông, nỗi lo bị san sẻ tình cảm với bạn thân của bạn đời, do vay mượn tiền bạc hoặc vì người bạn thân có cách cư xử họ thấy quá giới hạn.
Một khảo sát của dự án "Đời sống hôn nhân gia đình đô thị" do Công ty nghiên cứu thị trường TITA phối hợp với các chuyên gia tâm lý thực hiện cho thấy một trong 5 lý do hàng đầu gây bất đồng vợ chồng nhiều nhất là quan hệ bạn bè. Khoảng 20% bà vợ thấy khó chịu với bạn của chồng và các "bệnh" khác như cờ bạc, rượu chè, làm biếng và sĩ diện.
Thực tế, các chuyên gia tâm lý đều cho rằng bạn thân là trường hợp đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến mỗi cá nhân, giống như nhân duyên vợ chồng. "Nhưng bạn thân phải là những người hợp nhau về hệ giá trị sống, có tình thương vô điều kiện mà không vụ lợi'', chuyên gia Nguyễn Thị Tâm, người có hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn về hôn nhân gia đình, nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, vợ chồng lục đục vì bạn thân thường do hai người thiếu niềm tin và sự tôn trọng dành cho nhau. Nhưng cũng có thể vì người có bạn thân không giải thích rõ mối quan hệ của hai người, để bạn đời thông cảm và thấu hiểu.
Anh Quốc Hùng thừa nhận chuyên gia nói đúng. Chờ mãi không thấy bạn trả tiền, chị Phương Thảo nổi đóa, tuyên bố chồng phải chọn giữa vợ hoặc bạn thân, anh mới kể về tình bạn từ thuở thiếu thời.
Anh và bạn lớn lên chung xóm. Người bạn có gia đình đầy đủ và khá giả, còn anh Hùng là con vợ lẽ. Ngày bé, bọn trẻ trong xóm hay bắt nạt anh, chính người bạn này thường đứng ra bênh Hùng.
Thời sinh viên, hai người ở hai xóm trọ, nhưng thấy Hùng ăn mì tôm, bạn lập tức về nhà xúc chục lon gạo, bỏ túi nilon mang cho. Những lần nợ tiền nhà trọ, thiếu tiền đóng học phí, anh Hùng đều phải nhờ đến bạn. ''Chưa bao giờ nó từ chối anh'', anh Hùng kể.
Sau này, sự nghiệp của anh Quốc Hùng tốt lên, nhưng người bạn lại lận đận trong kinh doanh, làm đâu thất bại đấy. Hôn nhân tan vỡ, chán nản nên bạn vướng vào cờ bạc, rượu chè. Anh Hùng nhiều lần khuyên răn, mắng bạn nhưng không được. "Bực nhưng mà thương. Nếu giờ này mình cũng quay lưng với nó thì nó biết dựa vào ai'', anh nói với vợ.
Bà Minh cũng cho rằng đôi khi lục đục vợ chồng xảy đến cũng bởi người bạn thân cư xử không đúng mực. Nếu biết mình là nguyên nhân gây nên những xáo trộn trong hôn nhân của bạn, thương bạn thì nên tìm cách vun vén cho bạn. Trong trường hợp của anh Hùng, nếu người bạn biết vì mình mà vợ chồng bạn cãi vã, biết bạn cũng khó khăn kinh tế, thì không nên tiếp tục nhờ vả.
Chị Hải Hà, 47 tuổi, ở Nghệ An, cho biết rất sốc khi biết mình là nguyên nhân khiến vợ chồng anh bạn thân nổ ra cãi vã. Chị và anh quen nhau từ thời sinh viên, trước khi vợ chồng bạn biết nhau cả chục năm. Có những chuyện bạn kể với chị nhưng không kể với vợ. Thậm chí, bạn chị thừa nhận không chiều vợ bằng chiều chị.
Ngay khi biết mình khiến gia đình bạn lục đục, Hải Hà hạn chế nhắn tin, gọi điện khi bạn ở nhà với vợ con. Chị cũng giữ khoảng cách và cư xử chừng mực để tránh vợ bạn hiểu nhầm. ''Bạn kêu chán vợ, muốn ly hôn, tôi nói để vợ phải ghen chứng tỏ bạn chưa yêu thương và chăm sóc cô ấy đủ nhiều, giục bạn thay đổi'', chị kể.
Nhưng không phải vì vợ bạn mà chị chấp nhận đánh mất mối quan hệ thân thiết. Hai người vẫn gặp nhau cà phê, cho lời khuyên trong cuộc sống, sự nghiệp, thậm chí vay mượn tiền khi cần.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, dù không thích, mỗi người cần tôn trọng mối quan hệ của vợ/chồng với bạn thân. ''Bạn có thể bày tỏ quan điểm, cách nhìn, nhưng vẫn cho bạn đời những mối quan hệ khác'', bà nói.
Để tránh lục đục vì bạn thân, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh cho rằng ngay từ đầu, vợ chồng nên trao đổi rõ mục tiêu, giá trị sống cả hai hướng đến. ''Có những người biết chắc họ bị bạn thân lợi dụng tiền bạc nhưng vẫn giúp nếu có khả năng, vì muốn giúp đỡ người khác và tin mình giúp người sẽ có người giúp mình'', bà nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng khi hệ giá trị thay đổi, những người từng là bạn thân thấy không còn hợp với nhau sẽ chủ động tách ra, không cần vợ/chồng yêu cầu.
Quốc Hùng cho biết luôn mang ơn và thương bạn. Nhưng nếu bạn tiếp tục vay mượn mà không có khả năng trả, Hùng sẽ không thể giúp nữa.
"Tôi cũng đã nói điều đó với vợ để cô ấy hiểu và thông cảm'', anh nói.
* Tên nhân vật trong bài đã đổi.
Phạm Nga