Hai người cùng quê xã Mỹ Quý, thời trẻ làm ruộng không đủ sống, nhiều năm tha hương làm nghề đưa đò khắp nơi từ Cao Lãnh, Sa Đéc qua tận An Giang. Cách đây 6 năm, họ về xã Đốc Binh Kiều ở huyện Tháp Mười, cách quê chừng 20 km, mở tiệm tạp hóa nhỏ kết hợp lái đò đưa người qua sông.
Hai năm trước, bến đò xuất hiện đàn cá nhỏ, thấy thương ông bà rải cơm cho chúng ăn. Số cá tựu lại ngày một đông, từ một tô cơm lên một nồi hai kg gạo, rồi năm kg. Sau đó ông bà dời bến cách chỗ cũ hơn 200 m. Trước hôm rời đi, ông Tài vừa cho cá ăn vừa nói: "Tụi bây muốn tao nuôi thì lại đằng bến kia". Không ngờ đàn cá theo thiệt, nghĩ chúng có duyên với mình, hai người quyết định nuôi.
Để có kinh phí, ông bà không thuê người chạy đò mà sử dụng công nhà, tranh thủ thêm đồng lời. Ban đầu hai người cho cá ăn cơm, lại nghĩ cơm chìm dưới nước sợ lãng phí nên chuyển sang thức ăn viên, mỗi bao 50 kg giá 300.000-400.000 đồng. Đàn cá ngày một đông một bao thức ăn không thấm vào đâu. Chi phí quá cao trong khi nguồn thu từ nghề đưa đò khó kham nổi, vợ chồng ông cho ăn kèm mít, giá rẻ chỉ 500-1.000 đồng mỗi kg.
Quan sát đàn cá, thấy cá to tranh ăn trong khi cá nhỏ làm không lại, bà nấu kèm nồi cơm thết đãi cá nhỏ. Trung bình mỗi ngày tiền cho cá ăn khoảng 100.000 đồng. "Cá này không ăn, không bán. Chúng tôi chỉ cầu mong mình thương đàn cá, trời phật thương mình, gia đình mạnh giỏi, bình an", vợ ông Tài chia sẻ.
Tấm lòng của vợ chồng già với đàn cá, lan toả đến nhiều người, họ phụ ông bà khi trái mít, buồng chuối, vài trái đu đủ. Có người còn cho gạo cũ hoặc vài nghìn đồng mua thức ăn cho cá. Người thương đàn cá nhiều, song số muốn bắt chúng không ít. Mỗi lần như vậy, ông bà lại năn nỉ tha cho đàn cá. Đêm nào hai người thay nhau thức canh đôi ba lần. Nhà nuôi thêm hai chú chó canh giữ.
Một lần đàn cá bị thuốc, số chết, số bỏ đi, ông bà buồn hiu. "Tôi khấn bà Cậu (một thần linh trong tín ngưỡng dân gian) nếu chúng tôi còn duyên nuôi cá thì phù hộ chúng quay về", ông Tài nhớ lại. Vài ngày sau một số cá nhỏ bắt đầu tề tựu lại, hai người tiếp tục nuôi đến hôm nay, có con nặng hơn 5 kg. Chúng chẳng sợ ông bà, mỗi lần cho ăn đều có thể sờ đầu hoặc nhấc bổng lên.
Khi cho cá ăn, ông bà không cần ra hiệu lệnh. Chỉ cần thấy dáng hai người, hàng nghìn chú cá liền quây quanh, đa phần là cá tra sông, cá trê, mè hoa, mè vinh, cá chim trắng... Bà thái mít, cắt nhỏ, ông phụ quăng đều trên mặt nước. Cá tranh ăn, lâu lâu quẫy nước tưng bừng. Mỗi bận cho ăn mất gần 30 phút, thêm chừng ấy thời gian để hai người ngắm nghía, cưng nựng chúng.
"Nhiều người nói vợ chồng tôi làm chuyện bao đồng, nhưng chúng tôi không quan tâm. Mỗi lần làm mệt về cho cá ăn, tự nhiên tôi thấy trong người vui khoẻ hơn", ông Tài nói.
Ngọc Tài