Không hiểu lý do gì nguời yêu lại từ hôn, anh Khiết tự ái đi cưới vợ. Nhận được thiệp mời, Huyền rưng rưng nước mắt. Cô tâm sự với chị Hiệu trưởng: "Em không biết mình nghĩ về anh ấy đúng hay sai nhưng thật lòng em không thấy yên lòng nếu làm vợ anh ấy. Sắp đến ngày cưới, chúng em gặp Thu, một người bạn đang khập khiễng đi mót ngô trên cánh đồng. Em kể cho anh nghe nỗi bất hạnh của Thu. Cô ấy có chồng, sinh con đầu lòng được một tuần thì bị liệt nửa người. Anh chồng về thăm thấy vậy bỏ đi luôn. Em tưởng anh ấy cảm thông, không ngờ anh nói: Ở không được thì bỏ đi chứ còn sao?"
Từ hôm ấy, Huyền suy nghĩ nhiều và quyết định từ hôn. Cô lập luận, nếu Khiết cũng giống người đàn ông bạc tình ấy thì đời cô sau này sẽ bất hạnh vì anh không biết cảm thông chia sẻ với người khác.
Khác với Huyền luôn suy diễn những lời nói của người yêu, chị Vê lại có cách nghĩ riêng. Trong một bữa tiệc tổ chức tại nhà chị Vê, anh Long chồng chị cao hứng ngâm nga: "Thấy vợ người chết mà ham, vợ mình bệnh nặng, uống thuốc Nam cũng lành". Cả bàn nhậu vỗ tay tán thưởng. Ở nhà dưới, người chị gái của chị Vê phàn nàn: "Sao dì để dượng nói quàng nói xiên. Lần trước thì chê vợ là đồ cổ, lần này thì muốn vợ chết". Chị Vê cười hiền lành: "Hơi đâu để bụng mấy câu nói chơi của mấy ông. Vợ chồng ăn ở lâu năm phải hiểu nhau chứ". Lời lẽ của chị Vê quả không sai. Năm trước, trong khi làm việc chị bị máy cuốn sợi cuốn rách da đầu. Suốt mấy tháng trời nằm viện, anh Long chăm sóc tận tình. Thấy con rể hốc hác, gia đình vợ khuyên về nghỉ, anh Long nói: "Chính lúc này, cô ấy mới cần sự có mặt của con".
Có những điều không nói ra thì không ai biết ngay cả người bạn đời của mình. Cách ghi lòng tạc dạ những câu nói vô tình rồi tự suy diễn dễ chuốc lấy muộn phiền, đánh mất tình yêu, hạnh phúc là điều nên tránh. Tốt nhất vợ chồng nên nói hết với nhau những suy nghĩ của mình để cùng nhau gạn đục khơi trong, thay vì để bụng. Các chuyên gia hôn nhân và gia đình đã khuyên các cặp vợ chồng như vậy.
(Theo Phụ Nữ, số 18).