"Tôi thấy rõ mong muốn có con gái hơn con trai, đặc biệt ở các cặp vợ chồng trẻ", Kim Yeon-ju, 30 tuổi, một nhân viên văn phòng tại tỉnh Gyeonggi, nói. Cô tin khi con trai lớn lên sẽ xa cách với cha mẹ, rời nhà sau kết hôn. Trong khi đó, con gái thường gắn bó, gần gũi hơn.
Thực tế, ở Hàn Quốc, các cặp vợ chồng mong có con gái hơn con trai. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hankook Research với hơn 1.000 người, 55% cho rằng "phải có con gái", trong khi đó chỉ 31% cho rằng "phải có con trai".
Trong khảo sát, nhóm cha mẹ ở mọi lứa tuổi đều thích con gái hơn con trai nhưng nhiều nhất là nhóm tuổi trên 60 với tỷ lệ 70% thích con gái, cao hơn đáng kể so với 43% thích con trai.
Thích con gái có vẻ là một nghịch lý ở đất nước mà quan niệm "trọng nam" thống trị nhiều thế kỷ. Trong lịch sử, các vợ chồng có con gái được khuyến khích, thậm chí thúc ép phải sinh con trai để nối dõi. Con gái trong nhà thường được ví như công dân hạng hai, chỉ có trách nhiệm và quyền hạn nhỏ trong thừa kế tài sản, nối dõi, thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ.
Từ khi công nghệ cho phép biết sớm giới tính thai nhi phổ biến vào những năm 1970 và 1980, người ta lạm dụng nó càng nhiều, đẩy mức chênh lệch giới tính lên 116 bé trai/100 trẻ gái, năm 1990, trong khi tỷ lệ trung bình tự nhiên là 103 trẻ trai/107 trẻ gái.
Tuy nhiên, người Hàn Quốc đã đảo ngược sở thích giới tính con cái, theo một tài liệu nghiên cứu chính sách của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2007.
Tỷ số giới tính khi sinh của nước này lần đầu tiên đạt ngưỡng tự nhiên 103-107 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2007. Con số năm 2020 là 104,8 trẻ trai/100 trẻ gái.
Thích con gái cũng thể hiện trong việc nhận con nuôi. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, có tới 65,4% (trong số 260 trẻ em) được nhận làm con nuôi năm 2020 là bé gái.
Cho Young-tae, giáo sư ĐH Y tế Công cộng của ĐH Quốc gia Seoul, chuyên về nhân khẩu học, cho biết, Hàn Quốc không chỉ là quốc gia đầu tiên mà còn là quốc gia duy nhất trên thế giới chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng trong sở thích con trai.
Giáo sư Cho cho rằng đây là kết quả của sự thay đổi quan niệm về hiếu thảo. "Xã hội trước kia thích con trai mạnh mẽ và tin chúng cần cho việc duy trì nòi giống. Nhưng điều đó nhanh chóng biến mất ở Hàn Quốc, những người lớn tuổi đã thay đổi quan niệm", Cho nói và khẳng định con trai không còn hưởng đặc quyền trong gia đình như trước đây.
Mặt khác, cha mẹ Hàn Quốc đã bắt đầu nhận thức được lợi ích của việc có con gái khi tuổi xế chiều. Họ nhận ra con gái gắn kết và nhiệt tình hỗ trợ cha mẹ những năm cuối đời.
Địa vị kinh tế xã hội của phụ nữ cũng được cải thiện phần nào, là một lý do khác khiến con gái được coi trọng hơn con trai, theo giáo sư Cho. Phụ nữ ít bị chồng chi phối hơn. Trong khi bố mẹ chồng thời nay cũng ít gây áp lực phải sinh con trai hơn.
"Quan trọng nhất là phụ nữ sống qua thời kỳ trọng nam từ những năm 1980 và 1990 đã trưởng thành. Họ hiểu không cần phải có con trai", Cho nhận định.
Lee Joo-hee, giáo sư xã hội học tại ĐH nữ sinh Ewha, Seoul, cho biết, sự thay đổi trong sở thích sinh con phản ánh kỳ vọng của xã hội.
Một tài liệu nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) về sự chênh lệch giới tính trên thị trường lao động Hàn Quốc, được công bố vào tháng 7, nêu rõ khoảng cách trong lực lượng lao động nữ, do phụ nữ đã kết hôn và có con.
Báo cáo chỉ ra mối liên hệ giữa thị trường lao động và các mô hình sinh đẻ. Trong đó, nhiều phụ nữ không trở lại làm việc sau khi sinh con, phụ nữ chưa lập gia đình và không có con làm việc nhiều hơn hoặc ít hơn nam giới.
"So với trước đây, suy nghĩ về bình đẳng giới đã trở nên phổ biến hơn, khiến người ta bớt thích con trai hơn. Tuy nhiên, thích con gái hơn con trai không có nghĩa đã đạt được bình đẳng giới. Thay vào đó sẽ là một hình thức phân biệt giới tính khác", Lee nói.
Nhật Minh (Theo Koreatimes)