Cơn dông chiều ùn ùn kéo về đen đặc cả bầu trời. Dòng người hối hả tìm nơi tránh mưa an toàn. Bên đường ray Nguyễn Thái Học cắt ngang phố Điện Biên Phủ, ông Sơn bà Mận căng bạt sớm hơn thường lệ. Dáng ông lẩy bẩy, cố gắng buộc các sợi dây. Sức khỏe bà Mận tốt hơn, căng bạt xong còn chồng thêm mấy hòn đá lên mái.
Bữa cơm tối diễn ra trong túp lều tạm bợ. Ánh điện le lói hắt từ những nhà xung quanh hay đôi khi có chuyến tàu nào chạy qua. Nhiều năm sống trong cảnh màn trời chiếu đất không đèn, không điện đã thành quen với đôi vợ chồng già này.
"Thời gian đầu sống ở đây tôi chẳng ngủ được. Mỗi đêm có 25 chuyến tàu chạy qua, cứ chợp mắt lại tỉnh. Giờ quen nhưng già rồi cũng chẳng ngủ được", bà Mận cho biết.

Ông Sơn, bà Mận sống cùng nhau 16 năm. Hai con người, hai quê quán nhưng chung số phận nên dễ cảm thông, đỡ đần nhau lúc hoạn nạn. Ảnh: Phan Dương.
Năm nay 83 tuổi lại thêm những vết thương chiến tranh tái phát nên sức khỏe ông Phạm Ngọc Sơn yếu hẳn. Cơn ngã bệnh năm ngoái khiến ông nằm một chỗ suốt nửa năm, ông gượng dậy nhưng từ đó bước vài bước là xa xẩm mặt mày. "Tôi làm trong đội trật tự phường Cửa Nam, mỗi tháng được phụ cấp 600.000 đồng. Còn bà ấy đi nhặt đồng nát, vài ngày là kiếm được dăm bảy chục", ông Sơn cho hay.
Nơi ở của họ chỉ có ít đồ đạc không mấy giá trị. Chỗ ngủ là một phên gỗ rộng hơn một m, kê sát tường. Ngoài chiếc đài cassette sửa từ đồ bỏ đi, họ chỉ có thêm chiếc bếp ga du lịch mới được tặng là đáng tiền. "Buổi sáng chúng tôi ở đường tàu bên này, nắng lên lại chuyển sang đường tàu bên kia. Trời mưa dông hay mùa đông gió lùa đằng nào thì chắn đằng đó", bà Mận cho biết.
Người dân xung quanh hiểu hoàn cảnh ông bà nên thường qua lại thăm hỏi, lúc biếu đồ ăn sẵn, khi giúp gạo thóc, chục trứng gà. Hiếm khi đôi vợ chồng già phải mua gạo, cũng ít phải nấu thức ăn. Thường mỗi ngày họ nấu một nồi cơm ăn hai bữa.
Video: Cuộc sống 'màn trời chiếu đất' của đôi vợ chồng già
Ông Sơn là trẻ mồ côi, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Thuở nhỏ, ông ở cùng bà ngoại, đến năm 17 tuổi thì nhập ngũ. Sau kháng chiến chống Pháp, ông làm công nhân đường sắt ở Gia Lâm, rồi lấy vợ, có con. Đến kháng chiến chống Mỹ, ông tiếp tục tham gia chiến đấu.
"Hòa bình, tôi trở về quê nhà với 5 vết thương trên người, thỉnh thoảng lại phải đi viện điều trị. Một thời gian tôi phát hiện vợ làm chuyện có lỗi. Tôi không thể tha thứ cho bà ấy, một mình ra đi", ông giãi bày quá khứ.

Nay tuổi cao sức yếu, ông Sơn dự tính sẽ để bà Mận về nương tựa anh em, còn ông vào trại điều dưỡng quân đội để được chăm sóc. Ảnh: Phan Dương.
Lang bạt nhiều nơi đến năm 1998, ông nghe theo đồng đội lên Hà Nội phụ giúp họ làm ở trạm chắn Nguyễn Thái Học. Ông hưởng lương theo ca và không thuộc biên chế. Từ những năm đó, ông Sơn cũng tham gia đội trật tự phường Cửa Nam. Hàng đêm, người thương binh 2/4 bắc ghế nằm ở các ngã tư làm "hoa tiêu" báo cho công an phường mỗi khi phát hiện đối tượng khả nghi.
Ông kể, ngày ấy đoạn đường tàu này là nơi qua lại của những kẻ lưu manh, nghiện hút. Trong một lần vật lộn với một gã lưu manh, ông bị cắn vào tay trái, bị thương tật 21%. Đến giờ bắp tay vẫn còn vết sẹo răng, ngón tay cái khó cử động.
Thời trẻ của bà Mận cũng phải chịu những nỗi đau không thể bù đắp. Quê ở huyện Bình Giang (Hải Dương) nhưng bà không muốn về. Nơi đó có người chồng đã bỏ bà, lấy vợ khác.
"Tôi phải chịu nỗi đau mất chồng, xa con, muốn chết mà không chết được. Ngoài 30 tuổi, tôi vào Tây Nguyên ở với chị gái, lúc thì lên tận nông trường chè Hoàng Liên Sơn làm. Biết là chỉ vài bước chân về đến quê nhưng tôi thà lưu lạc chứ không về. Sau này tôi bỏ lên Hà Nội mò cua bắt ốc ở hồ Tây", bà Mận tâm sự.
Thương hoàn cảnh bà Mận, ông Sơn mở lời rủ bà về sống chung. Ông dựng cho bà một cái lều bên cạnh trạm chắn để có chỗ chui ra, chui vào. Ông cũng khuyên bà thôi bắt ốc, chuyển sang nhặt đồng nát. Vài năm nay, bà Mận tuổi cao không đi được xa nên chỉ nhặt xung quanh chỗ ở và gom góp đồ phế liệu người dân mang đến cho. Ông Sơn sau đợt ngã bệnh năm ngoái cũng nghỉ việc gác ngã tư đường tàu.

Sống trong cảnh 'màn trời chiếu đất' nhưng ông Sơn, bà Mận không ngại ngần giúp những người lang thang, cơ nhỡ. Hơn 10 năm qua, ông bà đi xin quần áo để làm từ thiện. Ảnh: Phan Dương.
16 năm sống trong túp lều cũng ngần ấy năm đôi vợ chồng già đi làm từ thiện. Trong chiếc cặp cũ kỹ, ông Sơn lôi ra hàng trăm các giấy tờ ghi nhận những lần tặng quần áo cho người nghèo.
"Lên Hà Nội được vài tháng tôi đã bắt đầu đi các nhà dân xin quần áo cũ. Ban đầu, mọi người chưa hiểu, còn tưởng tôi xin về mặc", cụ ông cười nói. Những lúc rảnh rỗi, ông Sơn còn trồng cây cảnh vào thùng xốp rồi mang tặng các chùa xung quanh Hà Nội.
Ông Sơn còn nhận nuôi 4 người con của đồng đội đã hy sinh, nay họ đã trưởng thành và đều phục vụ trong quân đội, công an. Bất cứ người vô gia cư nào cơ nhỡ, ông bà đều giúp đỡ.
"Giờ tôi lo cho bà Mận, sợ bất thình lình mình ngã xuống sẽ không ai chăm sóc bà ấy", ông cụ chia sẻ. Mới đây, ông Sơn gửi một bức thư cho anh em bà Mận xin đất xây cho bà một mái nhà, ông sẽ lo liệu tiền xây cất. Sau khi lo xong cho bà, ông sẽ vào trại điều dưỡng quân đội để được chăm sóc. 16 năm sống cùng nhau, sắp đến ngày ông - bà mỗi người một ngả.
Bà Nguyễn Thị Ly (53 tuổi), công nhân trạm chắn đường tàu Nguyễn Thái Học, cho biết đã quen ông Sơn, bà Mận nhiều năm nay. Bà còn nhớ những năm trước ông Sơn vẫn mặc quân phục và xách theo chiếc cặp bộ đội, còn bà Mận đi mò cua bắt ốc ở hồ Tây. Thấy hai ông bà tuổi cao vất vả nên bà Ly động viên họ về sống cùng, nương tựa lẫn nhau. "Nhiều năm sống ở đây, ông bà ăn ở lương thiện nên ai cũng quý. Hễ ai cho cái gì ông bà cũng lấy và ai cần gì cũng cho. Có những lần trực ca đêm mưa bão, tôi bấm đèn ra xem thì thấy hai cụ mỗi người một áo mưa đang ngồi co ro. Sống trong túp lều thế mà ông bà cụ thích làm từ thiện lắm", bà Ly cho biết. |
Phan Dương