Ngôi nhà của gia đình ông Lê Trọng Hoạt, bà Nguyễn Thị Dục (xóm Nam Phong - xã Thượng Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh) nằm lọt giữa vùng đồi núi, đường đất bụi bay mù mịt. Cái vùng đất cằn cỗi bạc màu, chỉ có ruộng đồng, hàng năm thường xuyên thiếu nước, cây trồng năng suất thấp nên con người nơi đây cứ nghèo xác nghèo xơ. Gia đình ông Hoạt, bà Dục cũng chẳng phải trường hợp ngoại lệ và là một trong những hộ nghèo nơi đây.
Đường vào nhà ông bà tuy rộng, nhưng chỉ là đường đất quanh năm bụi bay mù mịt khi nắng lên và bùn lầy lội khi mưa xuống. Ông bà đón tiếp chúng tôi bằng bát chè xanh đã nguội, kèm theo những tiếng hú của đứa con trai Lê Trọng Hiền mắc bệnh tâm thần hơn 20 năm nay. Tiếng hú làm chúng tôi không khỏi giật mình trong căn nhà chẳng có gì quý giá ngoài chiếc hộp gỗ đựng lúa.
Khi được hỏi về tình hình của anh Hiền, ông Hoạt bắt đầu kể, năm 1972 ông nên duyên với bà Dục, hạnh phúc mỉm cười khi bốn đứa con ông sinh ra đều khỏe mạnh. Gia đình ông tuy túng thiếu, cuộc sống có phần vất vả nhưng căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Cậu bé Hiền là đứa con thứ 2 cũng lớn lên trong tình thương của bố mẹ. Đến tuổi đi học, Hiền cũng được cắp sách đến trường như bao đứa bạn cùng trang lứa. Khoảng đầu năm 1992, tai họa bỗng ập xuống, Hiền mắc phải căn bệnh thần kinh và buộc phải bỏ học giữa chừng. Cuộc sống đói nghèo ám ảnh 2 thân già từ mấy chục năm nay, giờ bệnh tật của con lại càng thêm khổ.
Ông Hoạt sinh năm 1947 trong một gia đình nông dân nghèo, gặp lúc đất nước có chiến tranh. Năm 1967, ông tự nguyện lên đường tham gia dân công hỏa tuyến miền Trung, bốc vác các loại hàng hóa phục vụ kháng chiến, trong đó có các chất hóa học như thuốc trừ sâu. Trong những lần làm nhiệm vụ ấy, có lúc gặp phải bom đạn do đế Mỹ trút xuống làm những chiếc hòm đựng chất hóa học bị vỡ, thuốc ngấm vào người khiến nhiều lần ông mắc bệnh và phải điều trị. Hòa bình lập lại, ông Hoạt may mắn sống sót và trở về, nhưng có lẽ trong những năm tháng chiến tranh ấy, ông đã nhiễm phải thứ chất độc quái ác kia.
Từ ngày phát bệnh, anh Hiền thường xuyên đi lang thang cùng đường ngõ xóm, nhặt nhạnh các thứ để ăn. Những lúc bình thường, anh lại lần đường về nhà và tìm đồ ăn. Những lúc tỉnh táo nhất, anh cũng biết đi kiếm củi, lấy nước giúp bố mẹ, nhưng khi phát bệnh, anh lại phá phách hết.
Ông Hoạt tâm sự trong hàng nước mắt, từ khi con bị bệnh, vợ chồng ông đã chạy vạy vay mượn xóm làng, anh em, cô bác suốt. Có bao nhiêu đồ đạc trong nhà, ông mang ra bán hết lấy tiền để đưa con đi chữa bệnh, nghe đâu có thầy hay thuốc giỏi, vợ chồng ông đều tìm đến với mong ước con mình được khỏi bệnh. Nhưng bệnh tình con ông không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm, trở thành căn bệnh tâm thần. Những lúc thời tiết thay đổi, Hiền lại lên cơn co giật, la hét, đập phá hết đồ đạc trong nhà.
Không còn cách nào khác, ông đành xót xa đem đứa con của mình nhốt vào phòng tối để tiện bề chăm sóc. Căn phòng chưa đầy 4m vuông đủ để che mưa che nắng, giường nằm là một chiếc phản mục với manh chiếu đã rách nát, sợi dây xích ở chân để ngăn Hiền những lần lên cơn đòi thoát khỏi sự giam cầm. Hàng ngày, mọi sinh hoạt của Hiền đều ở trong căn phòng đó, việc chăm sóc của gia đình chỉ qua một cánh cửa sắt. Ánh sáng từ ngoài trời chiếu vào cũng chỉ đủ để sáng một góc của căn phòng tối tăm, lạnh lẽo.
Chúng tôi ra thăm Hiền, nhìn thấy cảnh này mà thấy xót xa cho một con người. Năm nay, Hiền đã 36 tuổi nhưng nhìn không khác gì một đứa bé, tấm thân chỉ còn da bọc xương, khuôn mặt hốc hác, xanh xao, trên người chi chít vết sẹo, vết lở loét, bầm tím… Từ khi đổ bệnh, chưa bao giờ Hiền chịu mặc một bộ quần áo nào trên người, nếu mặc chỉ mặc được một lúc rồi tự tay xé rách. Vừa cho Hiền ăn cơm qua cánh cửa sắt, bà Dục (người mẹ) vừa kể: "Chú nhìn đó, khổ lắm, nó như vô năng, ăn uống cũng không được như thường, quần áo, chăn chiếu mua cho xé, vứt hết".
Bác Trần Văn Diệu - một người sống gần nhà ông Hoạt chia sẻ: "Đúng là khổ cho ông bà ấy, nhà đã nghèo, con lại còn bị bệnh. Mong sao cho cháu Hiền ổn định, gặp thầy gặp thuốc để đỡ cho ông Hoạt, bà Dục được phần nào".
Mấy năm trở lại đây, từ khi làm đơn gửi Hội Chữ thập đỏ phòng Lao động Thương binh xã hội tỉnh, mỗi tháng, ông bà nhận cũng nhận được 180.000 đồng tiền trợ cấp cho Hiền. Đứa con trai đầu đã lấy vợ nhưng kinh tế vẫn còn khó khăn và chưa giúp được gì cho cha mẹ. Đứa con gái thứ ba đã đi lấy chồng xa nhưng cũng ít có thời gian về thăm. Cô con gái út từ khi sinh ra cũng mắc phải căn bệnh thiểu năng trí tuệ, lầm lì ít nói. Gia đình ông bà Dục thuộc diện hộ nghèo nhất xóm. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình, hàng xóm láng giềng kẻ giúp công người giúp của, lá lành đùm lá rách, nhưng gia đình ông vẫn chưa thoát khỏi cảnh túng quẫn.
Nhìn hình ảnh bà Dục bón cho Hiền từng thìa cơm, tôi tự hỏi không biết cụ sẽ xoay sở ra sao khi tuổi đã xế bóng? Ở cái tuổi này, lẽ ra bà đã được nghỉ ngơi an nhàn, hưởng phúc vui đùa cùng con cháu.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow Vì bạn xứng đáng phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Đoàn Hữu Dánh