Hai vợ chồng Phi Phụng và Trung Nam, ngoài 30 tuổi, sống tại TP HCM, trích tiền tiết kiệm để thực hiện mong ước đến các tỉnh miền núi phía Bắc. 29 ngày rong ruổi hành trình từ Bắc vào Nam (từ 15/2 đến 15/3), Phụng và Nam đã có những kỷ niệm khiến họ nhớ mãi vì "chẳng giống ai".
Giải thích việc dành thời gian đi trăng mật cả tháng thay vì chỉ 3-5 ngày như các đôi khác, Phụng nói cả hai đang có thời gian rảnh. Họ đều vừa nghỉ việc và dự tính chuyển lên Đà Lạt mở quán ăn. "Nếu không đi bây giờ thì không biết khi nào mới đi được", Nam nói. Còn Phụng muốn sau này có kỷ niệm để kể cho con cháu "ngày xưa ba má đã 'máu' thế nào". Ngoài ra, hai vợ chồng đều có đam mê du lịch.
Trước ngày đi, họ gửi xe máy ra Hà Nội và cả hành trình sử dụng xe máy, ngoại trừ chặng đầu tiên bay từ TP HCM ra Hà Nội. Hai vợ chồng chú trọng vào các trải nghiệm với thiên nhiên nên mang theo lều, ghế, dụng cụ cắm trại, bàn, chén, đũa. Phụng cũng không quên mang theo những bộ quần áo và váy đẹp nhất để chụp ảnh. Và họ luôn đề cao tính an toàn.
Không có trải nghiệm sang chảnh nào nhưng Phụng cảm thấy hài lòng vì đổi lại là những điều may mắn, những việc làm tốt, và cuộc gặp cảm động với những người lạ.
Một trong số kỷ niệm khiến cô cảm động nhất là ở Cao Bằng. Khi đó là chiều tối, hai vợ chồng dừng chân tại một ruộng bậc thang. Họ gặp người chủ khu đất, xin dựng lều nhờ một đêm. "Tôi nghĩ mọi chuyện chỉ dừng lại đó. Nhưng không", Phụng kể. Buổi tối, người phụ nữ dắt con xuống chơi cùng. Tiếp đến, chồng và bố chồng cô cũng lần lượt xuống nói chuyện. Sợ hai vị khách đến từ miền Nam không chịu được cái rét miền Bắc nên họ mời khách vào nhà ngủ. Phụng và Nam từ chối.
"Rồi họ mang củi xuống cho chúng tôi đốt để sưởi ấm. Tôi đã ngạc nhiên và xúc động", Nam nói. Còn Phụng, cô có đôi chút lo lắng vì thấy những người không quen lại có thể tốt đến thế. "Mọi người ở đây tốt quá. Họ tốt mà không cần lý do", nữ du khách đến từ TP HCM nói.
Không chỉ thế, họ còn "vô tình làm được nhiều việc tốt nên mỗi khi nghĩ lại đều cảm thấy rất vui", Phụng nói.
Lần thứ nhất tại Mù Cang Chải, Yên Bái. Nam lái xe chở vợ từ rừng trúc về homestay. Đường đi xuống nhỏ và dốc, chỉ một xe có thể di chuyển. Lúc thả dốc, họ vô tình chặn đường chạy thoát của một tên cướp lái xe máy ngược chiều. Nhờ đó, công an phía sau đuổi kịp và bắt được kẻ xấu.
Đi tiếp, hai vợ chồng gặp xe công an đang lên hỗ trợ đồng đội bắt cướp. Họ được dặn dò lái xe cẩn thận vì đường dốc, khó đi. Người công an cũng giải thích tên cướp "giật điện thoại" của một người. "Chúng tôi thấy vui vì vô tình giúp được người khác", Phụng nói.
Lần thứ hai là khi đến cắm trại ở cầu Vòm, Huế, nơi có một con suối đẹp, Phụng kể. Tại đó cũng có một gia đình đưa trẻ đi cắm trại. Trong lúc hai vợ chồng chụp ảnh thì đứa bé ra suối một mình. Bất ngờ, em bé trượt chân ngã. Phụng theo bản năng lao theo nhưng đến sát mép suối thì dừng lại vì không biết bơi.
Nam chụp ảnh gần đó hét lên rồi bảo đợi để anh ra cứu. Phụng ban đầu định đợi nhưng em bé ngã vào chỗ có xoáy nước. Nhìn đứa nhỏ chới với, ngụp lặn, cô bất chấp, lao xuống. Nam đến kịp, kéo cả vợ và em bé lên. Phụng run cầm cập vì sợ nhưng vẫn vui vì lại làm được việc tốt. Đến lúc này, người nhà em bé mới biết chuyện và chạy đến. Họ cảm ơn vợ chồng cô. "Mọi người nên để ý đến trẻ nhỏ, vì chỉ cần lơ là chút thôi cũng xảy ra chuyện", nữ du khách đến từ TP HCM cho hay.
Trong tháng trăng mật xuyên Việt, hai vợ chồng đã đi hết hơn 4.300 km qua các tỉnh thành: Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Hà Giang - Yên Bái - Lào Cai - Sơn La - Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh - Quảng Bình - Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Hội An - Quy Nhơn - Nha Trang - Ninh Thuận - TP HCM. Hai vợ chồng không "cưỡi ngựa xem hoa", mà đều ghé thăm các điểm đến nổi tiếng tại mỗi nơi như bờ Hồ, cột cờ Lũng Cú, hang Táu, Tà Xùa, sống lưng khủng long, thác bản Giốc, phố cổ Hội An... Họ cũng thưởng thức nhiều đặc sản như bún thang, bún chả Hà Nội, bánh cuốn Cao Bằng, gà chạy bộ...
Tổng chi phí chuyến đi hết khoảng 35 triệu. Với số tiền này, hai vợ chồng có thể mua tour đi nước ngoài, thậm chí 2-3 nước. Nhưng Phụng nói cô muốn đi hết Việt Nam trước. "Đi rồi mới biết Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp. Mỗi vùng miền đều có vẻ đẹp riêng, không bị trộn lẫn", Nam nói. Ngoài ra, họ cũng muốn đi trong nước như một động thái phần nào hỗ trợ kinh tế dân địa phương.
Sau chuyến đi, Phụng đã có những thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận cuộc sống. Trước đó, cô tự nhận là người "hay phàn nàn", thường so sánh với người hơn mình. Khi tiếp xúc với những người dân địa phương gặp trên đường đi, thấy nhiều người "khổ quá trời" nhưng vẫn luôn vui vẻ, Phụng đã nghĩ khác.
Phụng thấy trưởng thành hơn. Cô ngừng so sánh vì thấy bản thân "sướng hơn nhiều người". Phụng nói, cô cảm thấy rất biết ơn ba má vì đã nuôi dưỡng, cho cô cuộc sống đầy đủ. "Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau chuyến đi này", nữ du khách nói.
Phương Anh
Ảnh: NVCC