Anh Nguyễn Văn Quảng (40 tuổi) kể sáng 27/7 vợ chồng từ nhà ở xã Bình Khê, huyện Đông Triều lên rừng Yên Tử tìm dược liệu. Chạy xe được 10 km, gần đến đỉnh núi, hai vợ chồng phát hiện một con nghé đi chưa vững, đứng sát lề đường.
Đi rừng nhiều năm nhưng đây là lần đầu anh gặp một con nghé khôn đến mức biết có người đến nên chạy ra xin ăn. Nghĩ trâu mẹ đang kiếm ăn gần đó, vợ chồng anh tiếp tục di chuyển.
Gần tối, họ xuống núi vẫn thấy con nghé đứng chờ. Anh đến gần, con vật chạy đến rúc đầu vào chân, ra dấu muốn xin ăn. Lúc này vợ chồng anh nhận ra con vật mới sinh bị mẹ bỏ rơi, có nguy cơ chết đói trên rừng nhưng vì đã tối, nhà lại xa nên họ đành để nó ở lại.
Lục balo chỉ còn ít đường mang theo phòng khi tụt huyết áp, chị Thắm, vợ anh Quảng, hòa với nước suối cho uống. Hai người đi về trong sự áy náy, thương hại.

Anh Quảng phát hiện ra con nghé mới sinh một mình trên rừng thuộc địa phận xã Bình Khê liền pha nước đường cho uống chống đói, chiều 27/7. Ảnh: Thợ rừng Yên Tử
Tối đó, anh Quảng đăng tin lên trang cá nhân và tất cả các hội nhóm của cư dân trong địa phương, thông báo ai là chủ của đàn trâu thả tại khu vực trên thì đưa về.
Chờ một đêm không ai liên lạc, sáng hôm sau vợ chồng anh mua lốc sữa tươi mang theo và tiếp tục đi rừng. Chiều về, anh quay lại cho con vật ăn.
"Cứ nghe tiếng xe là nó từ trong bụi rậm chạy ra quấn lấy chân tôi không rời. Nhìn thương lắm. Tôi cũng lo con vật ở rừng núi một mình nguy hiểm, nhưng sợ chủ trâu đang tìm, mình đưa về dễ mang tiếng trộm cắp nên cứ cho ăn no rồi trốn về, sợ nó đi theo", anh Quảng kể.
Sáng 30/7, hai người lại lên rừng cho nghé ăn. Chờ bốn ngày không thấy ai liên lạc nhận nghé của nhà, anh Quảng bàn với vợ đưa nghé về nhà chăm sóc vì ít đi qua cánh rừng này, sợ con vật chết đói.
"Nhà tôi có hai con nhỏ, nhìn con vật lẽo đẽo theo chân, rúc vào người nũng nịu như trẻ con nên xót lắm. Đêm nào cũng trằn trọc, lo con nghé ở nơi rừng núi hoang vu gặp chuyện chẳng lành, nên quyết đưa về rồi tính tiếp", chị Thắm giải thích.
Để tránh mang tiếng bắt trộm trâu, toàn bộ quá trình đưa nghé xuống núi được cặp vợ chồng quay video lại. Họ cũng tiếp tục đăng bài tìm chủ kèm số điện thoại liên lạc.
Ngày thường, quãng đường núi hiểm trở hơn 10 km anh Quảng đi hơn một tiếng. Hôm đưa nghé về, vợ chồng anh mất ba, bốn tiếng bởi nhiều đoạn dốc hiểm trở phải dắt bộ. Chưa kể, đi dưới cái nắng 37-38 độ C khiến cả người và nghé kiệt sức, nhiều chặng phải dừng uống nước.
Hành trình vợ chồng anh Quảng đưa con nghé bị bỏ rơi trên núi Yên Tử về nhà chăm sóc, sáng 30/7. Video: Gia đình cung cấp
Vợ chồng anh Quảng đặt tên cho chú nghé là Mập. Từ hôm về nhà, con vật thích nghi nhanh, người đi đâu theo đó. Mỗi lần vợ chồng anh đi làm về nó chạy ra cổng đón, đi vệ sinh cũng đúng nơi quy định chỉ sau vài lần dạy. "Mọi người trong thôn ai cũng bảo nó giống chó hơn nghé vì khôn quá", anh kể.
Sau 8 ngày liên tục đăng tin, họ nhận được điện thoại của anh Diệp Văn Hội (50 tuổi) ở xã Trung Lương, huyện Đông Triều, xác nhận con nghé là của gia đình.
Anh Hội kể con trâu cái thuộc đàn 30 con của gia đình thả trên rừng có thói quen bỏ con ngay sau khi đẻ. Lứa trước đã có nghé con bị bỏ đói đến chết trên rừng. Lứa thứ hai được một con khác trong đàn cho bú nên sống sót. Con thứ ba may mắn được vợ chồng anh Quảng kịp thời phát hiện, cứu sống.
Ban đầu, vợ chồng anh Quảng thống nhất tìm được chủ trâu sẽ trả lại nhưng chỉ vài ngày con nghé đã thân thiết với gia đình, lo mang về sợ khó hòa nhập với đàn, trâu mẹ không quen cho bú nên anh Hội suy tính để lại cho anh Quảng chăm sóc.
Ý định này nhận được sự đồng tình, nhưng gia đình anh Quảng cũng muốn gửi một chút quà cho người chủ, bởi biết mỗi con nghé với các hộ chăn nuôi là tài sản lớn.

Con nghé được vợ chồng anh Quảng chăm sóc nên rất quấn quýt các thành viên trong gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp
Câu chuyện vợ chồng anh Quảng phát hiện, mang sữa lên rừng cho ăn và đưa chú nghé về nhà nuôi được chia sẻ liên tục trên trang cá nhân, thu hút gần 6,5 triệu lượt xem. Mọi người liên tục nhận nhắn tin động viên, quan tâm. Không ít người đề nghị chuyển tiền hoặc xin địa chỉ gửi sữa và đồ ăn nuôi nghé nhưng gia đình đều xin từ chối.
"Vợ chồng tôi không dư dả nhưng vẫn còn sức khỏe, chăm chỉ làm vẫn đủ tiền trang trải. Giờ con Mập còn bé nên tôi mua sữa cho uống, sau nó lớn thì đi kiếm cỏ cho ăn bởi nhà sát chân núi. Tấm lòng của mọi người gia đình tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn", anh Quảng tâm sự.
Anh cũng liên tục viết bài cảnh báo một số tài khoản mạo danh gia đình đứng ra kêu gọi quyên góp tiền, tránh để lòng tốt bị lợi dụng.
Trong thời gian tới, vợ chồng anh Quảng tiếp tục làm các video về quá trình trưởng thành của con nghé, mong có thể truyền động lực tích cực và niềm vui đến với mọi người.
Nghé Mập những ngày mới về nhà vợ chồng anh Quảng. Video: Gia đình cung cấp |
Quỳnh Nguyễn