"Vào hộ nghèo được 5 năm, vợ chồng tôi đã được hưởng nhiều quyền lợi. Nay con cái kinh tế ổn định, đỡ đần được nhiều cho bố mẹ nên tôi vợ chồng tôi xét thấy cần phải tách ra, không thể trông chờ vào chính sách mãi được, như thế sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội", ông Sơn viết trong đơn gửi trưởng thôn Thống Nhất (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân), hôm 14/10.
Ngày 23/10, ông Trần Xuân Trực, Bí thư đảng ủy xã Xuân Phổ cho biết, chính quyền đã nhận được đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của ông Sơn do lãnh đạo thôn gửi lên. Sau khi cho người xuống tận nhà tìm hiểu, xã đã chấp thuận đề nghị của vợ chồng ông. Quyết định này có hiệu lực sau 7 ngày nữa, khi danh sách niêm yết công khai những hộ nghèo và thoát nghèo năm 2020 của xã được người dân thông qua.

Vợ chồng ông Sơn, bà Kiền. Ảnh: Đức Hùng.
Ông Sơn và vợ là bà Dương Thị Kiền (87 tuổi) sống trong căn nhà cấp bốn rộng 24 m2 được xây 7 năm trước. Căn nhà có nhiều mảng tường đã cũ, bong tróc. Kết hôn năm 1954, ông bà sinh 5 người con (hai trai, ba gái). Ngoài cô con gái thứ hai đã mất vì đột quỵ, những người còn lại đã trưởng thành, lập gia đình, công việc ổn định.
Ông Trần Văn Sơn từng là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại, ông về quê, lĩnh một khoản tiền trợ cấp nhỏ rồi phục viên chứ không được hưởng lương hưu. Khi còn trẻ, ông bà làm đủ thứ việc như làm ruộng, đi phụ hồ, đánh cá... nuôi con ăn học. Nay sức yếu, bà Kiền trồng thêm rau trong vườn, vào vụ bán lấy tiền mua gạo, thức ăn.
Dù tuổi cao nhưng ông bà luôn tự giải quyết mọi vấn đề, chỉ khi những việc nằm ngoài khả năng mới nhờ tới sự giúp đỡ của con cái. "Một tháng ăn hết khoảng 10 kg gạo, bữa cơm với miếng thịt, cá kho nên không tốn kém lắm", ông Sơn nói và cho biết thêm, tiền các con biếu để chi tiêu, vợ chồng ông trích ra mỗi tháng gần 2 triệu đồng mua thuốc chữa bệnh huyết áp cao.

Căn nhà cấp bốn nơi vợ chồng ông Sơn sinh sống. Ảnh: Đức Hùng
Vào danh sách hộ nghèo năm 2014, ông Sơn cho hay gia đình được hưởng nhiều chính sách như miễn tiền điện hàng tháng, được cấp bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí, nhận gạo trợ cấp theo từng đợt... Khi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo hồi giữa tháng 10, hàng xóm tưởng hai ông bà bị ai đó "tạo sức ép" nên suy nghĩ chưa thấu đáo, đến gặng hỏi để "đòi lại công bằng".
"Cảm ơn bà con, tôi biết nếu ở lại hộ nghèo sẽ được hưởng trợ cấp nhà nước và thuận lợi hơn trong quá trình đi khám, chữa bệnh. Hiện, gia đình không còn khó khăn, trong khi đó thôn mình vẫn còn nhiều người già neo đơn, kinh tế rất eo hẹp, nên bình xét cho họ", ông Sơn nói với những người ủng hộ mình.
Ngồi bên vợ, ông Sơn tâm sự, quyết định trên được cả bốn người con ủng hộ. Tuổi đã hơn bát thập, vui nhất là vào cuối tuần, khi thấy con cháu tập trung tại nhà, ăn bữa cơm sum vầy. Ông nói sức khỏe là vốn quý giá nhất, ước mình và vợ luôn minh mẫn, chứ đổ bệnh thì khổ các con. Thỉnh thoảng tích góp được ít tiền, vợ chồng già sang nhà hàng xóm, ủng hộ họ ít đồng mua bó rau, con cá. Nhiều người hiểu hoàn cảnh ông bà, chỉ cảm ơn chứ không nhận.

Ông Sơn cùng vợ cải tạo vườn trồng rau, vào vụ bán lấy tiền mua thức ăn. Ảnh: Đức Hùng
Ông Trần Anh Tuấn, trưởng thôn Thống Nhất cho biết, người dân trong thôn bất ngờ vì vợ chồng ông Sơn làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo khi đang thuộc diện bình xét cho năm 2020. "Khi lắng nghe tâm tư, biết tấm lòng luôn hướng về mọi người của vợ chồng cụ ông, tôi đồng ý quan điểm, đưa ra bình xét trước bà con trong cuộc họp thôn hai hôm trước và nhận được sự đồng thuận", ông Tuấn nói.
Thôn Thống Nhất (xã Xuân Phổ) có 328 hộ dân, 11 hộ nghèo, trong đó 4 hộ là vợ chồng già. Để bình xét hộ nghèo, xã sẽ cử người về phối hợp với cán bộ thôn đi điều tra chấm điểm, sau đó rà soát, phê duyệt những gia đình được bầu chọn, niêm yết công khai lấy ý kiến người dân. Khi tất cả cùng đồng ý mới chốt danh sách, nếu hộ nào bị phản đối thì phải phúc tra lại.
Vào diện hộ nghèo, người dân được hưởng các chính sách, quyền lợi của Nhà nước dành cho người nghèo, gồm: tiền hỗ trợ sản xuất, miễn phí tiền điện (chỉ áp dụng với những hộ dùng không quá 50.000 đồng một tháng), hưởng gạo trợ cấp theo từng đợt, bảo hiểm khám bệnh, chữa bệnh miễn phí...