Trên đường rong ruổi và Lạc giữa nhân gian là hai tập tản văn của đôi vợ chồng nhà báo Phạm Công Luận - Đặng Nguyễn Đông Vy. Hai cuốn sách là những dòng độc thoại nội tâm của các tác giả. Họ chọn cách kể chuyện và xuất hiện cùng nhau trong một bộ sách.
Có cuộc sống chung ngoài đời thực, nhưng từ lâu, đôi vợ chồng tác giả vẫn chọn cách đồng hành trong tác phẩm. Tình yêu giúp cả hai thăng hoa trong cuộc sống nhưng cũng giúp họ tỉnh táo để giữ được sự độc lập trong cá tính. Như Đông Vy chia sẻ trong tác phẩm: "Tình yêu thực sự, theo em không có nghĩa là hai con người cô đơn đến với nhau để xoá đi nỗi cô đơn của nhau. Ngược lại, khi yêu một người nào đó, tức là anh đến và gánh thêm cả nỗi cô đơn của người ấy nữa". Và dù "Đi ra ngoài chúng ta là một cặp. Nhưng lúc trở về nhà chúng ta là hai con người khác biệt. Và chúng ta vẫn luôn nhìn nhau như hai cá thể không thuộc về mình. Chúng ta không thuộc về nhau. Chúng ta chỉ bị cuốn hút bởi nhau mà thôi".
Đọc Lạc giữa nhân gian, ta bắt gặp đôi tác giả đang cùng nhau lang thang trên phố, thấy chị ngồi sau lưng anh trên chiếc xe máy lang thang khắp Sài Gòn. Chị thủ thỉ chuyện trò với anh. Chị nhận ra những cư dân đang vội vã hòa vào dòng đời kia thật đáng thương: "những gương mặt đăm chiêu, lạc lõng", "buồn bã và hoang mang", những kẻ bơ vơ, "đi lạc" như mình.
Mỗi câu chuyện, đều là một cuộc trò chuyện trong lặng im của "người đàn bà đọc" với người chồng mà chị rất đỗi yêu thương. Đông Vy đặt câu hỏi, tự trả lời, và chia sẻ với anh mọi chuyện... qua đầu ngọn bút để nhận ra "một đứa trẻ" không chịu lớn trong mình. Những ý nghĩ chính là một phần tài sản của chị, chị chọn cách viết xuống dòng như một cách khám phá bản thân và tìm kiếm chính mình.
Trên đường rong ruổi là những tâm sự của Phạm Công Luận về cuộc sống diễn ra xung quanh. Phần lớn những trang tâm sự ấy của anh là dành cho người con gái đã xuất hiện, làm thay đổi suy nghĩ và cuộc đời anh, mẹ của các con anh bây giờ. Đôi khi là những câu chuyện, những sẻ chia của anh với người bạn đời và con cái của mình về "Cây ta thích trồng" ở quanh nhà, "Để lại cho con", "Món ăn ngày Tết", "Bây giờ mới là sống", "Chuyện con cái", "Nói với con về quê mẹ"...
Anh tâm sự, cách đây hơn mười năm, còn trẻ da căng, tóc bồng, túi rủng rẻng... Anh thích thú với cuộc sống độc thân, được sắp xếp mọi thứ theo ý mình: "Ta sống thỏa sức, ăn những món ngon nhất có thể, tìm đọc và giữ trong nhà những cuốn sách hay nhất và đôi khi mua một bức tranh, dứt khoát phải là tranh sáng tác...". Mọi thứ đến với anh rất nhẹ nhàng, khởi đầu bằng một đêm Giao thừa hơn mười năm trước, anh thức để gọi về một miền quê ven biển miền Trung với "vài câu thăm hỏi ngắn ngủi, thì thầm". Rồi lần đầu tiên anh ngủ trong căn nhà vườn quê vợ nghe tiếng chim hót trong trẻo và làn gió mát lạnh bay nhè nhẹ vào phòng. Tình cảm vợ chồng được vun thêm qua mỗi khoảnh khắc hạnh phúc và cả những khó khăn trong lo lắng, bận bịu, mệt mỏi với cuộc sống này, với những đêm thức trắng khi các con sốt, quấy...
"Văn là người ư? Thật khó khăn để em tin và điều đó. Ngôn ngữ chỉ là lớp giấy gói bọc ngoài... Giống như lột vỏ một trái quýt, chúng ta viết một cuốn sách trao cho người đọc, và không ai có thể biết nó chua hay ngọt trước khi nếm thử. Kể cả khi thành thực nhất, thì người viết cũng có thể bày ra trước nhân gian một cạnh nhỏ của viên kim cương tâm hồn mình". Đặng Nguyễn Đông Vy đã viết như vậy sau những sẻ chia qua từng trang giấy.
Còn với Phạm Công Luận, bây giờ anh nhận ra mình "đang nhấp từng ngụm cuộc sống, với một cái ly pha lê đẹp và thưởng thức đến cùng từng giọt, thơm ngon và quyến rũ, có lúc đắng, cay, nhưng hậu vị ngọt đằm".
Bạch Tiên