Anh Trần Văn Hiền, 43 tuổi, tâm sự với vợ về những cảnh đời trong bệnh viện và dự định xây một ngôi nhà chung đón những bệnh nhân chạy thận về ở miễn phí. Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, 38 tuổi, ủng hộ kế hoạch của chồng, thậm chí gợi ý thêm rằng không chỉ lo chỗ ở miễn phí mà gia đình còn có thể hỗ trợ họ chi phí ăn uống, thực phẩm, điện nước.
"Nhưng ý tưởng này của tôi lại bị một số người thân, bạn bè lại phản đối. Mọi người đều nói không ai hơi đâu cất nhà cho người dưng ở, lại còn lo ăn uống, đi lại cho họ", anh Hiền nhớ lại.
Bỏ ngoài tai những lời bàn tán, anh Hiền cùng vợ dựng nhà ngay trên mảnh đất của gia đình. Những ngày sau, vợ chồng cùng nhau tìm mua vật tư để cất nhà sớm vì "chậm một ngày là người chạy thận còn cơ cực một ngày".
Thấy quyết tâm của họ, một số bạn bè và nhà hảo tâm bị thuyết phục và quyết định chung sức góp công, góp của.
Tháng 2/2019, trên mảnh đất 200 m2 ở tổ dân phố số 25, khóm 5, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, ngôi nhà ba phòng với khoảng 30 giường bệnh được khánh thành. Kinh phí hạn hẹp, thời gian xây dựng gấp gáp nên vợ chồng anh Hiền chỉ có thể làm kiểu nhà tiền chế nhưng trang bị đầy đủ giường, chiếu, nệm, tủ đồ và có cả tivi để người ở giải trí.
Xây nhà xong, anh Hiền đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121 mời bệnh nhân về ở.
Anh Phạm Văn Hòa, 34 tuổi, quê huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ là vị khách trọ đầu tiên. Anh kể lúc đầu không tin lời mời của anh Hiền là thật. "Tôi nghĩ ông này khùng hay sao mà đi rước người dưng về lo chỗ ngủ, chi phí ăn uống", Hòa nói.
Anh Hiền thuyết phục nhiều lần người đàn ông 34 tuổi mới khăn gói sang ở với suy nghĩ "cũng không có gì để mất". Ở vài tuần, chứng kiến sự nhiệt tình và thật lòng của vợ chồng anh Hiền, Hòa mới tin đó là sự thật.
"Tôi xem chỗ anh Hiền, chị Hồng như ân nhân. Nếu không có anh, chị chắc tôi không kham nổi các khoản chi phí điều trị", anh Hòa chia sẻ.
Căn bệnh thận cũng khiến anh Lữ Văn Phú, 44 tuổi, quê Đồng Tháp trông gầy xọp với làn da đen sạm vùng nhiều cục u trên người. Tá túc ở nhà chung được gần ba năm, anh Phú xem vợ chồng anh Hiền như người thân. "Hai anh chị lo cơm nước, cá mắm hằng ngày cho chúng tôi. Ngoài ra thỉnh thoảng còn xin mạnh thường quân hỗ trợ chi phí mua thuốc, truyền đạm, truyền máu", anh Phú nói.
Gần 5 năm, ngôi nhà chung của bệnh nhân chạy thận đã cưu mang hàng trăm mảnh đời nghèo khó. Thời điểm đông nhất nhà chung cưu mang khoảng 30 bệnh nhân, lúc ít nhất cũng khoảng 15 người. Sĩ số nhà chung không lúc nào ổn định bởi có người mất vì sức khỏe cạn kiệt, có người theo người thân về điều trị gần nhà.
"Từng ấy năm, mỗi lần có người mất đi tôi đều cảm thấy đau buồn như mất đi người thân. Từ lâu tôi đã xem họ như một phần cuộc đời của mình", chị Hồng tâm sự.
Với người mất khi vẫn đang ở trọ trong nhà chung mà không người thân thích, vợ chồng anh Hiền đứng ra lo luôn việc tang lễ. "Khi còn sống các cô chú đã mang nhiều nỗi đau thể xác nên lúc mất đi mình lo hậu sự tươm tất để họ có thể ra đi thanh thản", anh Hiền nói.
Nguồn thu nhập để duy trì "Nhà chung 0 đồng" đến từ nghề chạy xe cuốc, xe cẩu thi công công trình của anh Hiền và lương công nhân may của chị Hồng cùng sự ủng hộ của một số mạnh thường quân.
"Chi phí cho nhà chung một tháng tốn khoảng 6-7 triệu đồng. Mấy năm nay kinh tế khó khăn, thu nhập cũng có phần giảm sút nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì mọi chế độ cho các cô, chú", chị Hồng chia sẻ.
Cách đây khoảng hai tháng, vợ chồng anh Hiền xây thêm một mái nhà chung cho bệnh nhân chạy thận tại tỉnh Tiền Giang. Hiện cơ sở này cưu mang khoảng 30 người, trong đó có nhiều hoàn cảnh vô cùng khốn khó. Ngoài ra, một nhà chung tại Cà Mau cũng sẽ được xúc tiến xây dựng trong thời gian tới.
"Chừng nào còn sức lực, còn được sự chung sức hỗ trợ từ cộng đồng thì tôi còn gắn bó, chăm lo cho người chạy thận được. Chỉ là sức người có hạn thôi chứ bản thân tôi còn mong muốn nhiều hơn thế. Mong nhà chung sẽ là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp, vơi đi phần nào nỗi đau của các cô, chú chạy thận", anh Hiền nói.
Đánh giá về việc làm thiện nguyện của vợ chồng anh Hiền, ông Thái Xuân Tuyến, tổ trưởng tổ dân phố số 25, khóm 5, phường Thành Phước cho biết cả hai vợ chồng đều hiền lành, sống chan hòa với người dân xung quanh.
"Hai vợ chồng lo ăn ở, thuốc men cho người bệnh rất tận tình. Lúc mất đi cũng lo hậu sự chu đáo", ông Tuyến chia sẻ.
Trọng Nhân