Tôi thích chuyên mục này vì học hỏi rất nhiều từ các tình huống đa dạng trong cuộc sống cùng ý kiến đa chiều của độc giả thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau. Là một người hướng nội, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành nhân vật được nhắc đến ở đây, thực tế là: "Thứ bạn sợ hãi nhất sẽ là thứ bạn phải đối diện và giải quyết nó để trưởng thành hơn", câu nói mà tôi từng nói với các học viên của mình trong những lần chia sẻ tại các trường đại học lại đúng với tôi trong trường hợp này.
Tôi bất đắc dĩ có mặt trong câu chuyện: "Bố mẹ chồng đứng tên khi mua nhà cho chúng tôi ở cùng". Bài viết được đăng vào đầu tháng 12 năm 2020. Chỉ hai tuần sau bài viết, vợ thông báo sẽ đưa con chưa đầy hai tuổi dọn ra ngoài ở và thực hiện ngay sau khi gia đình chuyển từ khu nhà cấp 4 trong hẻm, sang nhà 4 tầng có đầy đủ tiện nghi trong khu đô thị được quy hoạch khang trang gần làng đại học; bất chấp sự phản đối của tôi và gia đình.
Tôi ngỡ ngàng trước quyết định của em, nhưng nghĩ đây sẽ là khoảng thời gian để cả hai tĩnh tâm suy nghĩ lại, nên tôi quyết không nhắn tin hay liên hệ gì mặc dù rất muốn biết vợ con sống ra sao. Khoảng một tuần sau, em gửi video con gái không chịu ngủ, khóc đòi ba kèm theo lời nhắn: "Lòng dạ ba thật sắt đá" khiến tim tôi đau nhói. Đến thăm con, nhìn thấy cháu ngấu nghiến xúc cơm chiên và thập thò xem trộm tivi của phòng đối diện mà lòng tôi thắt lại.
Mỗi lần vợ đi làm thêm cuối tuần hay trực đêm đều mang con về gửi, tôi đưa con đi chơi nhiều nơi để cố bù đắp cho cháu cũng như an ủi mình. Vợ muốn tôi đưa hơn 200 triệu đồng để sinh sống. Tôi đồng ý trả gấp đôi số đó với điều kiện em phải ra phòng công chứng xác nhận không liên quan đến tài sản và những khoản nợ của tôi sau này. Em hỏi để làm gì? Tôi trả lời rằng để không còn là gánh nặng của nhau, còn tập trung làm giàu. Sau đó em không đề cập đến việc này nữa.
Được một tháng tôi nói hai mẹ con về nhà ở và đón Tết sắp tới. Khi dọn về chủ nhà giữ luôn hai tháng tiền cọc vì vi phạm hợp đồng và phạt do bé vẽ lên tường. Tết năm đó tôi vẫn cùng mẹ con em về quê như bình thường. Tôi hứa với em, nếu vợ chồng đồng lòng sẽ làm ra tài sản gấp trăm lần căn nhà đứng tên mẹ. Vợ bảo chỉ cần một cái nhà riêng thôi, tôi nói sẽ có ngay trong tầm tay. Rồi tôi bảo vợ tự đi tìm nhà, đất theo ý em muốn. Vợ chọn được một số căn ở vị trí gần nơi làm việc với giá hợp lý, tôi đi cùng vợ xem vài chỗ. Với số tiền hiện có hơn 600 triệu đồng, tôi đặt cọc vào một dự án nhà ở cho chuyên gia, căn nhà hai tầng hoàn thiện phần thô với đường nhựa, điện âm, có công viên gần giao thông thuận tiện ở thị xã với giá 2,2 tỷ đồng.
Sau hai năm dịch Covid, trong lúc mọi người tìm cách phục hồi kinh tế thì chúng tôi phải trả khoản lãi vay 1,5 tỷ đồng (tôi đã đàm phán với ngân hàng để không phải mua gói bảo hiểm gần 20 triệu đồng). Tôi để vợ một mình đứng tên căn nhà để cho em vui. Với khoản nợ phải trả, tôi để em làm chủ tài khoản trả lãi và nợ gốc chỉ với mục đích để em hiểu được áp lực mà tôi từng trải qua khi vay ngân hàng để đầu tư bất động sản. Thời gian đầu tôi và vợ mỗi người góp 50%, tiền ăn học của con và sinh hoạt gia đình tôi lo. Sau này tôi nâng mức đóng góp lên 70%.
Cho đến khi lãi suất tăng đột biến, em nói để em lo học phí cho con và mua đồ ăn, còn tôi lo khoản nợ ngân hàng. Tôi không nói gì, cố gắng xoay xở để trả nợ nhưng mọi hóa đơn sinh hoạt cố định như: điện, nước, internet, rác, ga, dầu, gạo, mắm muối, các chất tẩy rửa..., sửa chữa, bảo dưỡng xe cộ, máy móc trong nhà tôi vẫn chi trả như trước. Áp lực tiền bạc khiến tôi thường xuyên mất ngủ, hay thức đêm và hút thuốc. Chỉ sau một năm, tóc tôi đã bạc đi nhiều (trước đây khi căng thẳng lắm mới xuất hiện một vài sợi).
Rồi em có thai bé thứ hai, tôi không quan tâm được nhiều như bé đầu nhưng cũng cố gắng để em không phải suy nghĩ nhiều về tiền bạc, vì thế có những lúc tôi phải vay nóng qua thẻ tín dụng để duy trì chi phí cuộc sống. Cũng may có mẹ tôi hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, trồng các loại rau, nuôi gà, vịt, bồ câu... ở những khoảng đất trống cạnh nhà nên cũng đỡ được nhiều áp lực. Rồi khó khăn cũng vơi bớt khi tôi có thu nhập tăng thêm từ những đơn hàng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng đến từ việc chế tạo các thiết bị thí nghiệm chính xác và tư vấn cho các nhà máy.
Đầu năm 2024 tôi được một người anh trong nghề cho mượn gần 2 tỷ đồng để trả món nợ cũ đồng thời chuyển sang ngân hàng khác với lãi suất chỉ bằng 1/2. Số tiền dư ra sau khi trả nợ cũ, tôi dùng hoàn thiện nhà với mục đích cho thuê để giảm chi phí lãi, gốc ngân hàng. Trong chuyện này mẹ tôi đã cho mượn sổ đỏ căn nhà 4 tầng để thế chấp, còn sổ mới đứng tên vợ được rút ra. Mẹ còn bán hết vàng từ năm 2023 để giúp tôi mua linh kiện và vật tư làm thiết bị bán cho khách.
Những tưởng cuộc sống cứ yên bình trôi qua, vợ lại tỏ vẻ không hài lòng. Em thường xuyên lên mạng xã hội than thở về sự vất vả của mình, không được đi phượt như thời độc thân, không được gần cha mẹ... Tôi nghĩ có lẽ em đang mang bầu nên tâm sinh lý thay đổi, tôi không nói gì để không ảnh hưởng tới em bé.
Khi mang thai 7 tháng, em đòi đưa cả bé lớn 4 tuổi về quê ăn tết, tôi đã phân tích thiệt hơn hết mức và hứa để qua năm con gần một tuổi rồi cả nhà về cũng được. Vợ kiên quyết không chịu nên tôi đành chiều ý em, mặc dù trong lòng rất khó chịu. Qua năm 2024, bé trai được gần một tuổi, em lại tỏ ý muốn về quê ăn tết với gia đình. Tôi nói rằng kinh tế rất khó khăn, hơn nửa năm trước về rồi, năm nay ở đây ăn tết với ông bà và đi chúc tết, tri ân những người đã cộng tác và giúp đỡ mình.
Vợ miễn cưỡng ở lại, tâm thế giống như người ở trọ, nhà cửa không dọn dẹp, cơm nước không nấu. Mẹ tôi chỉ cúng gà đêm 30, còn mấy này sau bà cúng đồ chay. Trong tủ lạnh vẫn còn ê hề thịt cá, giò chả..., vợ than ngày tết mà phải ăn chay, rồi con gái lớn lại nhỏ to đòi về với ông bà ngoại, cháu nói: "Tết đoàn viên, mẹ cũng có cha mẹ mà sao không được về hả ba" khiến tôi rất phiền lòng nhưng cũng ráng nhẫn nhịn, bảo từ nay về sau tết nào cũng cho về, chẳng giữ làm gì.
Mùng một em lại đòi về, nói đã có tiền của cậu em tài trợ. Em trai của vợ sau khi bỏ học đại học về quê làm công nhân một năm, tôi khuyên nhủ không được. Sau đó em xin gia đình được đi học lại nhưng cũng chưa tốt nghiệp, tiếp tục sang Philippines làm cho công ty đánh bạc trực tuyến. Vợ nói: "Số tiền về, cậu chỉ làm vài ngày là kiếm được". Tôi kiên quyết phản đối, bảo vợ: "Hãy trân trọng những đồng tiền đó, em nó có gửi cũng không được phép tiêu, đất khách quê người, những lúc nguy cấp có cái mà dùng". Năm nay công việc của tôi không thuận lợi nhưng vẫn cố gắng vượt qua, cố tỏ ra với mọi người rằng mọi thứ ổn và đang đi lên.
Có một việc khiến tôi suy sụp hoàn toàn, đó là việc vợ tôi chia sẻ về bài viết của một người trên mạng xã hội, được hàng ngàn lượt like, chia sẻ và comment, đa phần là phụ nữ. Trong bài viết, chị này cho rằng người chồng ngoài việc làm cha của con chị thì chẳng có bất cứ một đóng góp gì vì hàng tháng không đưa tiền cho chị ta. Thực ra trong 5 năm vừa qua tôi cũng chưa đưa cho vợ quá 100 triệu đồng vì bản thân còn thiếu nợ rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ, không lẽ vì vậy mà những cố gắng, khổ tâm của mình đổ đi hết hay sao?
Tôi định nói thẳng với vợ: "Nếu nhận thấy sự lựa chọn của mình là sai lầm, thấy người chồng hiện tại là kẻ bất tài vô dụng, hãy mạnh mẽ giải thoát cho nhau để tìm hạnh phúc riêng ngay bây giờ. Đừng lôi các con ra để làm bình phong cho một thứ hạnh phúc giả tạo, không sống cùng nhau nhưng coi nhau như những người bạn trong việc chăm sóc con cái còn tốt hơn. Sau này các con lớn, tự khắc chúng sẽ hiểu".
Nếu vợ thực sự có suy nghĩ và định hành động như bài viết kia, tôi sẽ có quyết định quan trọng nhất cuộc đời mình. Được giải phóng khỏi những ràng buộc và áp lực nợ nần, tôi sẽ toàn tâm theo đuổi ước mơ và kế hoạch làm giàu cho bản thân, đem lại giá trị cho xã hội mà mình mong muốn.
Trước khi lập gia đình, tôi tạo dựng được hình ảnh là một chuyên gia có uy tín trong ngành, được nhiều trường đại học ngành kỹ thuật hàng đầu mời giảng dạy, từng xuất hiện hai lần trên sóng truyền hình, có nhiều bài viết đăng trên những tờ báo lớn. Sau này vì dành thời gian cho gia đình nên chưa đóng góp được gì nhiều cho cộng đồng, tôi cảm thấy mình thật vô dụng. Năng lượng tích cực tiêu tán, tôi sống như một cái bóng của chính mình trong quá khứ. Viết ra những dòng tâm sự này tôi thấy nhẹ lòng hơn, xin cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho những chia sẻ của tôi.
Phan Thành