Sự cố vỡ kênh được phát hiện khoảng 9h45 ngày 27/12, không có thiệt hại về người, nhưng công trình bị xói trôi hơn 20.000 m3 đất, hơn 40 tấm bê tông lát mái, đáy và khoảng 400 m3 đá xây gia cố bờ kênh bị xói lở, xô lệch.
Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ ban đầu, có khoảng 3 ha ruộng, 0,5 ha ao của người dân bị vùi lấp cá bị lấp.
Ông Lê Bá Huân, Trưởng phòng Quản lý thi công Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, đơn vị đã thông báo cho chính quyền địa phương và điều động lực lượng lập hàng rào, cắm biển cảnh báo để người dân không lại gần, tránh nguy hiểm.
"Hiện chưa rõ nguyên nhân, nhưng trước khi xảy ra đứt gãy, kênh không có dấu hiệu bất thường", ông Huân nói và cho hay, sự cố khiến hoạt động cấp nước cho vùng hạ du ngưng trệ, hơn 31.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng.
Chiều 28/12, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Hoài Nam ký văn bản gửi Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3 đề nghị khẩn trương khắc phục sự cố, sớm khôi phục hoạt động sản xuất vụ đông xuân và sinh hoạt cho người dân.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Thanh Hóa cũng yêu cầu cơ quan chức năng rà soát các vị trí xung yếu trên toàn tuyến kênh để có giải pháp vận hành, khai thác đảm bảo an toàn.
Tuyến chính kênh bắc sông Chu - nam sông Mã dài hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng được khởi công vào năm 2011, đưa vào sử dụng hai năm nay.
Công trình có chức năng dẫn nước từ hồ Cửa Đạt và hồ Dốc Cáy (huyện Thường Xuân) cung cấp nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương ở tỉnh Thanh Hóa như Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Thường Xuân...
Trước đó, vào năm 2015, trong quá trình thi công dự án, nhà thầu đã phá đá nổ mìn gây hư hỏng 350 căn nhà của người dân ở xã Nguyệt Ấn (huyện Ngọc Lặc) dẫn đến khiếu kiện kéo dài.