Ông lập tức cảm thấy đau bụng, song vẫn cố chịu đựng để tiếp tục công việc. Mức độ đau ngày càng tăng, khoảng một tiếng sau, không chịu được nữa, ông vào Bệnh viện E cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận - Tiết niệu và Nam học, chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ bàng quang trên nền u tuyến tiền liệt lâu năm nhưng không điều trị, béo phì, thừa cân.
"Đây là ca bệnh rất khó. Nếu không kịp thời xử trí sẽ gây viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng", bác sĩ nhận định.
Bác sĩ Liên đã phẫu thuật khâu lại bàng quang bị vỡ, xử lý u tuyến tiền liệt, hút ra khoảng hai lít nước tiểu. Sức khỏe bệnh nhân hiện ổn định.
Bệnh nhân chia sẻ ban ngày thường xuyên nhịn tiểu. Buổi tối đi tiểu nhiều hơn bình thường, có đêm tiểu 7-8 lần, song cảm giác rất khó khăn, bí tiểu.
Bác sĩ Liên cho biết khi lượng nước trong bàng quang khoảng 500 ml sẽ kích thích bàng quang và tạo cảm giác muốn tiểu. Do vậy, nên đi tiểu khi có nhu cầu để giải tỏa lượng nước trong bàng quang. Nhịn tiểu là thói quen không tốt cho sức khỏe. Về lâu dài, nhịn tiểu có thể dẫn đến rối loạn tiểu tiện, viêm nhiễm hệ thống thận tiết niệu, sỏi thận... hiếm gặp hơn là vỡ bàng quang, gây viêm phúc mạc, chết người.
"Thường gặp nhất là vỡ bàng quang do chấn thương, còn trường hợp tự vỡ bàng quang hiếm gặp", bác sĩ Liên nói. Đặc biệt, người mắc các bệnh u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, nếu nhịn tiểu quá lâu dễ gây biến chứng nhiễm trùng, suy thận. Bàng quang bị căng giãn quá mức có thể vỡ khi bị lực va đập vào vùng bụng dưới.