Đầu tiên phải xác định thửa đất mua năm 2008 là tài sản riêng của chị hay nó là tài sản chung của vợ chồng anh chị.
Theo điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Theo quy định này, giao dịch mua đất 2008 có trong thời kỳ hôn nhân nên là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, khi giao dịch chuyển nhượng, bắt buộc phải có chữ ký của cả hai vợ chồng anh chị mới có thể chuyển nhượng cho người khác được.
Nhưng nếu giao dịch nhận chuyển nhượng năm 2008, chồng chị đã có văn bản từ chối quyền, nghĩa vụ tài sản và chỉ để một mình chị đứng tên, thì khi này chị có toàn quyền định đoạt mà không cần chữ ký của chồng, không quan trọng quốc tịch.
Trong trường hợp bắt buộc phải có ý kiến đồng ý của chồng chị trong việc chuyển nhượng nhưng anh ấy không về Việt Nam, chồng chị có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài để công chứng văn bản uỷ quyền việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (khoản 1, Điều 78 Luật Công chứng).
Sau khi chồng chị thực hiện thủ tục công chứng văn bản uỷ quyền và gửi về Việt Nam, chị sẽ cầm bản hợp đồng uỷ quyền đã được công chứng ở nước ngoài đó đến tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam để tiến hành công chứng một lần nữa.
Khi đã hoàn thành thủ tục công chứng này tại Việt Nam, chị hoàn toàn có quyền tiến hành thủ tục mua bán, chuyển nhượng nhà đất theo đúng những gì đã thoả thuận với người chồng và nội dung hợp đồng uỷ quyền.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci