Nhà sản xuất, tổng đạo diễn Hương Na Trần cho biết sau suất diễn đầu tiên tại Hà Nội hồi tháng 5, êkíp quyết định giới thiệu tác phẩm tới khán giả phía Nam.
Theo hai biên đạo phụ trách tác phẩm là Phan Lương, Vũ Ngọc Khải, giấy dó xuất hiện trong nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian, mang biểu tượng về văn hóa, đồng thời gợi nhớ đến "gió" - tượng trưng cho sự tự do.
Vở diễn sử dụng phần âm nhạc tổ khúc Bốn mùa của Antonio Vivaldi, viết khoảng 300 năm trước. Phiên bản sử dụng trong Dó do nhà soạn nhạc đương đại Max Richter biên soạn với nhiều tầng hòa âm, phối khí mới.
Các nghệ sĩ ballet dẫn dắt người xem đi qua bốn mùa trong năm với những khung cảnh, cảm xúc vừa lạ, vừa quen. Chẳng hạn, ở chương Mùa đông, họ thể hiện sự chuyển động không gian - nơi diễn ra cuộc đối thoại giữa con người và tự nhiên. Bước sang chương Mùa xuân, sân khấu bừng sáng với các màu sắc thể hiện sức sống, sự tái sinh.
Những chiếc quạt xòe, nơm cá đan thủ công, các lớp mành hay áo nâu sòng trở thành đạo cụ, trang phục cho diễn viên, nhằm thể hiện ý nghĩa văn hóa Việt. Trên sân khấu, tất cả hòa quyện chuyển động của kỹ thuật ballet và âm nhạc phương Tây.
Chương trình nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 74 năm ngày châu Âu tại Việt Nam, thể hiện tính kết nối văn hóa. Tác phẩm công diễn vào ngày 5-6/7 tại Nhà hát Lớn TP HCM, quy tụ hàng chục nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, do nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chỉ huy. Các nghệ sĩ Thu Hằng, Đức Hiếu, Hà Tứ Thiên đảm nhận phần vũ đạo chính.
Tân Cao