From: Le Vu Diep
To: vne-tamsu
Sent: Friday, November 11, 2005 11:34 AM
Subject: Hay dung cam len
Anh Văn kính mến,
Vấn đề của anh bây giờ là phải chọn một giải pháp nào đó cho cuộc đời còn lại của mình, nhưng giải pháp đó phải là con đường ít rủi ro, ít đau đớn cho mọi người nhất. Nói thực lòng, tôi không đặt nhiều hy vọng vào sự ân hận, hối lỗi của chị ấy nếu như anh đồng ý tha thứ. Nếu chị ấy sinh đứa bé thứ 2 ra, sau đó xác định nó không phải là con anh, chắc chắn, bi kịch như hiện nay của anh sẽ còn tiếp tục. Chị ấy sẽ lại có thể bỏ anh ra đi, hoặc giả nếu chị ấy sống chung với anh, liệu anh có thể nhìn nhận đứa nhỏ ấy một cách thực sự bình thường hay không? Điều đó không đảm bảo cho hạnh phúc của gia đình anh, không đảm bảo cho hạnh phúc của đứa nhỏ.
Trường hợp nếu đứa nhỏ là con anh có thể là ít phần rủi ro hơn. Nhưng nếu bản thân chị ấy là một người ích kỷ, chưa chắc chị ấy đã chịu được cái cảnh chăm sóc một người chồng (vốn không khoẻ mạnh, và chị ấy đã từng nói là không còn tình yêu nữa) với 2 đứa nhỏ. Bởi khi đó, gánh nặng gia đình sẽ đè nặng lên vai chị ấy rất nhiều. Mà thực lòng, tôi không hề tin chị ấy, bởi chị ấy, với anh, với con, với bố mẹ, gia đình đã không chỉ thất hứa một lần.
Nếu anh lựa chọn giải pháp ly hôn, cũng có những khó khăn nhất định của nó. Tình cảnh ấy chắc chắn sẽ giống với tình cảnh của mẹ tôi và tôi. Cha tôi cũng có người khác, và ngay khi biết mọi chuyện, biết rằng người đàn bà kia cũng đã có con với cha tôi, mẹ tôi đã chấp nhận ly hôn ngay, và bà ở vậy nuôi tôi đến tận bây giờ. Hồi đó, tôi còn nhỏ hơn con anh bây giờ. Tôi sinh ra không một ngày ở với cha, và chỉ thực sự có những ấn tượng về cha mình khi tôi bước vào lớp 1. Những đứa trẻ lớn lên trong tình cảnh gia đình tan vỡ thường có những tổn thương tinh thần vô cùng lớn, nhưng với những tổn thương ấy, đứa trẻ sẽ phát triển theo hướng nào lại phụ thuộc rất nhiều vào người dẫn dắt cuộc đời nó.
Mẹ tôi thường dạy tôi khi còn nhỏ "con phải sống sao cho người khác không bao giờ chỉ vào mặt con và nói rằng con là người không có bố. Con phải sống để họ biết rằng dù không có bố, nhưng con có thể làm được và làm tốt, thậm chí hơn cả họ". Đến bây giờ, khi tôi đã có gia đình, tôi vẫn làm đúng những lời mà mẹ tôi dặn. Liệu anh có thể có được nghị lực, lòng kiên trì và niềm tin tưởng vào con cái như mẹ tôi?
Theo tôi, trước mắt anh cứ để cho cô ấy sinh con đã. Nhưng anh hãy nói để cho cô ấy biết, rằng anh có thể làm được và làm tốt vai trò của một người cha với con cái. Cô ấy không nên đòi hỏi lòng vị tha ở anh quá nhiều như thế. Tôi thấy anh đã quá bao dung với những lỗi lầm của cô ấy rồi và không nên bao dung nhiều hơn thế. Anh hãy cho cô ấy biết, anh sẽ có thể làm được những gì nếu không có cô ấy. Dũng cảm lên anh.
Cuộc đời vốn rất công bằng. Công bằng với ta và với những người xung quanh ta. Mẹ tôi khổ để mong đem lại cho tôi một cuộc sống sung sướng, và tôi nhận ra tất cả những giá trị cuộc sống mà mẹ tôi đã dành cho tôi. Ý thức xây dựng một gia đình hạnh phúc, vì chồng, vì con và vì tất cả những người yêu thương mình luôn canh cánh trong tôi. Tôi hiểu rằng hạnh phúc gia đình phải do chính chúng ta vun xới, mà muốn vun xới nó, cần phải gạt bỏ tất cả những gì làm hoen ố nó. Nếu vợ anh đã không chung chí hướng, con đường của anh, của các con, anh hãy để cô ấy tự đi con đường của mình.
Thân mến.