Quanh đề xuất nghiên cứu xây dựng thêm tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ một mét song song tuyến hiện có, ngày 10/6, VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
- Dự án xây đường sắt tốc độ cao đang chờ Quốc hội thông qua để triển khai, vì sao Tổng công ty đề xuất làm thêm đường sắt Bắc - Nam khổ một mét?
- Chiến lược phát triển đường sắt có kế hoạch xây đường sắt tốc độ cao, khổ 1,435 m, đường đôi, nhưng phải sau năm 2030 mới hoàn thành một số đoạn và năm 2050 mới có tuyến cao tốc hoàn chỉnh nếu mọi thứ thuận lợi. Chiến lược này cũng có phần hiện đại hóa đường sắt hiện nay để đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt. Cho nên hai đề xuất không có gì mâu thuẫn nhau.
Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: Chí Hiếu. |
- Trong các kịch bản hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam, ngành nói phải chọn công nghệ tiên tiến, điện khí hóa, làm đường cao tốc khổ 1,435 m… song, đề xuất lần này lại là đường khổ một mét?
- Đây mới chỉ là đề xuất để nghiên cứu và là một vế của chiến lược. Tức là chúng ta vẫn làm đường sắt đôi điện khí hóa khổ 1,435 m, đồng thời thêm một đường đơn để phục vụ nhu cầu trong 35 năm tới. Ngành đường sắt hiện khá lạc hậu, năng lực vận chuyển rất hạn chế, nếu không có thêm đường đơn trước khi đường cao tốc hoàn thành thì sẽ quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu trong 30-35 năm tới.
Thêm đường đơn thì năng lực lưu thông không chỉ tăng lên 100 đôi tàu/ngày đêm mà còn hơn thế. Hiện mỗi đoàn tàu chỉ có 13-14 toa, trong khi với đường đôi, tàu có thể kéo vài chục toa.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là sau khi có đường cao tốc, việc vận chuyển hành khách sẽ chuyển phần lớn sang đó. Đường khổ một mét dùng để chở hàng và khách liên tỉnh hoặc nội vùng.
Thế giới người ta làm vậy cả và rất nhiều quốc gia có hai hệ thống đường sắt.
- Cùng lúc xây dựng hai tuyến đường sắt, vậy nguồn lực tài chính sẽ được cân đối thế nào để tránh phân tán?
- Bây giờ chúng tôi mới xin nghiên cứu nên không thể nói con số khái toán kinh phí ngay. Tuy nhiên, tôi khẳng định không tốn kém vì chúng ta tận dụng được rất nhiều thứ như hệ thống ghi, thông tin tín hiệu…, chỉ cần đặt thêm ray để thành đường đôi. Chúng ta có thể tự chủ về công nghệ và đảm đương được vấn đề xây dựng.
Việc hiện đại hóa đã được xác định là song song với làm mới đường cao tốc trong chiến lược phát triển đường sắt, nên không thể gọi là phân tán nguồn lực.
- Kinh phí xây dựng đường sắt một mét lấy từ đâu, thưa ông?
- Đây là một phần của vế hiện đại hóa đường sắt đang chạy, vì vậy, nguồn kinh phí chính là lấy từ nguồn nâng cấp đường sắt hiện tại.
Chí Hiếu