Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 VNPT vừa công bố, tổng doanh thu của tập đoàn đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ là 43,2 nghìn tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch. Nếu loại trừ yếu tố tác động do Covid-19, khoảng 2.000 tỷ đồng, VNPT hoàn thành chỉ tiêu doanh thu năm. Lãi trước thuế của tập đoàn là 7,1 nghìn tỷ đồng, bằng 102,2% kế hoạch. Riêng công ty mẹ lãi 5,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%. Doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước 5,2 nghìn tỷ đồng.
Đại diện VNPT cho hay, hoạt động kinh doanh các dịch vụ cốt lõi cho doanh thu tốt là lý do giúp đơn vị hoàn thành chỉ tiêu về doanh thu lợi nhuận năm. Cụ thể, doanh thu data, băng rộng, thuê bao, MyTV... tăng lần lượt 18,9%, 5,5%, 39% và 36,2%.
"Các sản phẩm được thiết kế theo hướng tích hợp, nhằm đến từng đối tượng khách hàng. Cơ chế chính sách bán hàng cũng điều chỉnh theo mục tiêu phát triển khách hàng thực chất, không chạy theo số lượng", vị đại diện nói.
Ngoài ra, tập đoàn này bắt đầu có dòng doanh thu đầu tiên tại thị trường nước ngoài, với việc cung cấp giải pháp E-Office tại Văn phòng Chính phủ Lào.
Năm qua, VNPT xếp thứ hai thương hiệu giá trị nhất Việt Nam; và từ vị trí 79 lên 55 top thương hiệu giá trị toàn cầu khi đạt 2,4 tỷ USD do Brand Finance vừa công bố trong tháng 12.
Chuyển đổi số và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cũng là dấu ấn đậm nét của tập đoàn này trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp số hoá hoạt động để thích ứng với Covid-19. Theo đó các dự án có thể kể đến như: Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối 95; cô sở dữ liệu Quốc gia về dân cư kết nối xử lý dữ liệu với quy mô gần 11.000 xã, hơn 700 quận, huyện đến Trung ương; Trung tâm điều hành thông minh IOC triển khai trên gần 30 tỉnh, thành phố..
VNPT cũng đã tham gia sâu vào chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng tâm như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch thông minh...
Ngọc Diệp