Theo giấy phép, Digilife được thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) trong vòng 10 năm (đến hết 31/3/2032). Đây cũng là nhà mạng ảo thứ ba tại Việt Nam.
Nhà mạng ảo đã bùng nổ tại nhiều quốc gia khi công nghệ ngày càng phát triển. Thậm chí, nhiều ngân hàng, ông lớn bán lẻ như Walmart... cũng nhảy vào thị trường MVNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho khách hàng của họ. Ở Anh, 20% thị phần của thị trường di động thuộc về các nhà mạng ảo.
Tuy nhiên tại Việt Nam, thị trường hiện có chỉ 2 nhà mạng ảo gồm I-Telecom (đầu số 087) của Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom và Reddi (đầu số 055). Tháng 9 năm ngoái, The Sherpa - công ty con của Masan đã mua lại 70% cổ phần của Mobicast (đơn vị sở hữu Reddi). Theo lãnh đạo Massan, nhà mạng ảo Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa 'Point of Life' (nền tảng cung cấp sản phẩm và dịch vụ thiết yếu), từng bước tích hợp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất.
Khác với các nhà mạng truyền thống, nhà mạng ảo không sở hữu hạ tầng, mà cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách mua buôn lưu lượng từ đơn vị có hạ tầng và bán lẻ cho người dùng. Cả 2 nhà mạng ảo I-Telecom và Reddi đều đang sử dụng hạ tầng của VNPT.
Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) hiện là một trong những fintech hàng đầu thị trường thanh toán điện tử. Doanh nghiệp của Việt Nam này có liên kết với hơn 40 ngân hàng, 150.000 doanh nghiệp đối tác... Sau VNG, VNPAY trở thành kỳ lân tỷ USD thứ hai tại Việt Nam năm 2020 và được cho là nhận đầu tư từ các quỹ Softbank Vision Fund, GIC. Theo DealStreetAsia, giữa năm ngoái, công ty này cũng sắp hoàn thành vòng huy động vốn thêm, trị giá 200 triệu USD.
Anh Tú