Ông Lê Tánh - Tổng giám đốc VNPAY cho biết, giải thưởng này giúp tăng cường nhận diện thương hiệu dịch vụ đồng thời là cơ hội để VNPAY khẳng định vị thế trong ngành Fintech Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia vững mạnh, khẳng định nền thanh toán điện tử của Việt Nam trên thị trường thanh toán quốc tế.

Ông Lê Tánh - Tổng giám đốc VNPAY nhận giải thưởng Thương hiệu Quốc gia 2020.
Theo đó, doanh nghiệp vượt qua các tiêu chí khắt khe của Hội đồng Thương hiệu quốc gia gồm chất lượng; đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong. VNPAY là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đưa ra thị trường dịch vụ thanh toán bằng quét mã VNPAY-QR và tích hợp trong ứng dung Mobile Banking của các ngân hàng với tính năng QR Pay.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, sự đi lên của một doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều yếu tố, đặc biệt với các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia thì những yếu tố mang tính bền vững, cốt lõi lại càng được chú trọng.
VNPAY là trung gian thanh toán của ngành ngân hàng. Sau hơn 2 năm triển khai, VNPAY-QR cung cấp dịch vụ cho hơn 20 triệu người dùng. Trong năm 2020, lượng giao dịch thanh toán tăng trưởng nhanh và đạt bằng 300% so với cùng kỳ 2019.
VNPAY-QR trải dài trên nhiều ngành nghề khác nhau như bán lẻ, thời trang, giải trí, điện tử điện máy, bệnh viện, trường học... Hiện tại, hình thức thanh toán được triển khai sâu rộng trên toàn quốc với gần 100.000 điểm chấp nhận thanh toán tại 63 tỉnh thành. Nhiều đối tác lớn như Thế Giới Di Động, Viettel Store, FPT Shop, TH true MILK, VNPost... đến những điểm bán nhỏ như một cửa hàng trà đá bên đường cũng áp dụng thanh toán qua mã này.
Giới chuyên gia đánh giá, sự đơn giản, nhanh chóng và an toàn là yếu tố hàng đầu giúp VNPAY-QR được lòng người dùng trong môi trường số và cuộc số hiện đại. Chỉ cần mở ứng dụng ngân hàng sử dụng chức năng quét mã QR người dùng có thể thanh toán dễ dàng.

Người dùng thanh toán VNPAY-QR.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, trong những năm tới, VNPAY tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán cho trong lĩnh vực giao thông, y tế, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đầy tiềm năng mà trước đây chưa tiếp cận được. Việc mở rộng phương thức thanh toán sẽ tạo điều kiện cũng như tiền đề cho mục tiêu phủ rộng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam của VNPAY.
Bên cạnh đó, VNPAY áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các tổ chức thẻ quốc tế. Hơn thế nữa, VNPAY-QR còn ứng dụng nhiều công nghệ AI để tạo thói quen tiêu dùng thông minh. Điều này thúc đẩy hành vi chi trả thông minh của người dùng hướng đến xã hội không dùng tiền mặt.
"Chúng tôi tiếp tục mở rộng phạm vi thanh toán tới các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa giúp mọi người dân đều có thể tiếp cận được với các dịch vụ thanh toán hiện đại và đóng góp vào chủ trương của Chính phủ về phát triển thanh toán không tiền mặt tại khu vực nông thôn", vị này cho biết.
Đầu tháng 5 vừa qua VNPAY cũng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ miễn phí sử dụng thanh toán, thu hút thêm nhiều đơn vị tham gia kết nối thanh toán qua mã VNPAY-QR.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại có tính dài hạn và đặc thù nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Đây là năm thứ 17 chương trình được tổ chức.
Năm nay, 124 doanh nghiệp với 283 giải thưởng đạt "Thương hiệu quốc gia". Tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471.000 lao động. Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9.500 tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20.000 tỷ đồng.
Tâm Anh