VNG lên kế hoạch đạt gần 10.200 tỷ đồng doanh thu trong năm nay. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay, tăng hơn 33% so với doanh thu thực tế năm trước và gấp hơn 4 lần so với 10 năm trước. Trong khi doanh thu có thể tăng kỷ lục, lợi nhuận sau thuế lại dự kiến âm 993 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp này đề kế hoạch kinh doanh dưới giá vốn. Nhưng thực tế trong hai năm trước, lợi nhuận của chủ quản Zalo vẫn không đi lùi như mục tiêu họ đặt ra.
Kết quả kinh doanh VNG thời gian qua luôn bị bào mòn bởi khoản lỗ tại Công ty cổ phần Zion - đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay. Năm ngoái, ví điện tử này lỗ khoảng 1.212,5 tỷ đồng, đánh dấu mức kỷ lục trong chuỗi thời gian kinh doanh dưới giá vốn liên tục từ năm 2016. Đây vốn được xem là mảng "đốt tiền" của VNG trong thời gian qua.
Dẫu vậy, Hội đồng quản trị VNG vẫn xác định mục tiêu cần phát triển các dự án và cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm về Zalo, ZaloPay, Cloud, AI... Trong đó, các mảng thanh toán, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây được xem là các lĩnh vực kinh doanh chiến lược để doanh nghiệp này "tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo".
Trong phiên họp thường niên sắp tới, Hội đồng quản trị sẽ xin ý kiến cổ đông về việc không chia cổ tức nhằm giữ lại lợi nhuận năm ngoái đầu tư cho các mảng kể trên.
Phiên họp sắp tới cũng sẽ biểu quyết về việc chuyển nhượng hơn 47% cổ phần của tất cả cổ đông nước ngoài hiện hữu. Hội đồng quản trị muốn giao dịch trên được miễn trừ chào mua công khai. Đơn vị nhận chuyển nhượng số cổ phần này là VNG Limited, vừa thành lập vào tháng 4 năm nay tại Cayman Islands - "thiên đường thuế" và có hệ thống pháp luật phù hợp để các công ty tiến hành IPO tại nước ngoài nhanh chóng thông qua công ty thành lập với mục đích đặc biệt (SPAC).
Hồi cuối năm ngoái, Bloomberg đưa tin VNG cân nhắc kế hoạch huy động vốn mới trước khi niêm yết tại Mỹ. Kỳ lân công nghệ này tìm cách huy động 200-300 triệu USD và sử dụng số tiền thu được để hỗ trợ các kế hoạch mở rộng của mình.
Cũng theo hãng tin này, VNG muốn niêm yết cổ phiếu ra công chúng tại Mỹ thông qua việc sáp nhập ngược với một SPAC. Giao dịch trên được hãng này ước tính, nếu diễn ra, có thể định giá VNG ở mức 2-3 tỷ USD.
SPAC về bản chất là một công ty rỗng, không có các kế hoạch, mục tiêu kinh doanh cụ thể. Các công ty này được thành lập chỉ với mục đích mua lại và sáp nhập với một công ty có hoạt động kinh doanh thực tế. Theo quy định của Ủy ban chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), SPAC được phép IPO. Theo đó, công ty được SPAC mua lại cũng được niêm yết trên thị trường mà không cần tiến hành một vụ IPO như thông thường.
Tất Đạt