Nhân dịp tròn 10 tuổi, VnExpress đã được Bộ Thông tin Truyền thông tặng bằng khen cho những thành tích xây dựng và phát triển sự nghiệp thông tin và truyền thông của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn (trái) trao bằng khen cho VnExpress tối 24/2. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm của báo tối 24/2, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định, thời gian qua, VnExpress có sự phát triển đáng ghi nhận. Các vấn đề báo nêu được dư luận xã hội quan tâm, là căn cứ tin cậy giúp các đơn vị chức năng tiếp cận sự việc khách quan, đa chiều. Ngoài ra, những hoạt động phía sau mặt báo như: giúp đồng bào bão lụt, ủng hộ người nghèo, xây cầu vượt sông Pôkô… cũng góp phần làm nên thương hiệu của báo.
Theo sát từng bước đi của báo trong những năm qua, ông Doãn mong muốn VnExpress: "Với ảnh hưởng ngày càng lớn của mình, sẽ luôn đáp ứng được sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước".
Là độc giả của báo nhiều năm qua, Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân chia sẻ, ngày nào ông cũng đọc VnExpress. Với số lượng độc giả ấn tượng, uy tín lớn, báo là "biểu tượng của sự thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm và nội dung trên Internet ở Việt Nam".
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân: "VnExpress là một biểu tượng của sự thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin". Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau khi điểm lại quá trình 10 năm thành lập, Tổng biên tập VnExpress Thang Đức Thắng chia sẻ, với sự phát triển của công nghệ, thói quen của công chúng đã thay đổi, những người làm ra nội dung đông hơn rất nhiều những người làm báo. Đồng thời, mỗi cá nhân có thể dễ dàng bước một bước lên diễn đàn thế giới.
"Hiện nay các báo phải cạnh tranh với chính các độc giả của mình. Và cách cạnh tranh tốt nhất là hợp tác với họ. Trong những năm tới, VnExpress sẽ tạo ra những công cụ tốt hơn để công chúng có thể tham gia, tạo nên nội dung của báo”, Tổng biên tập Thang Đức Thắng chia sẻ.
* Clip: Những dấu mốc đáng nhớ của VnExpress |
Ngày 26/2/2001, trang báo điện tử thuần túy (không có phiên bản in) VnExpress ra đời, không quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, không có lễ khai trương. Nhưng chỉ 6 tháng sau, với 300.000 địa chỉ IP thường xuyên truy cập, VnExpress đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong số các website tiếng Việt trên toàn cầu.
Ngày 25/11/2002, VnExpress là báo đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên hoạt động trên Internet. Cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học Công nghệ. Báo phát triển với nguồn thu duy nhất là từ quảng cáo.
10 năm qua VnExpress luôn giữ vững và phát huy vị trí báo điện tử tiếng Việt có số lượng độc giả truy cập lớn nhất toàn cầu. Tháng 6/2007, VnExpress trở thành báo điện tử Việt Nam đầu tiên góp mặt vào Top 100 trong bảng xếp hạng các trang web có nhiều người đọc nhất thế giới của Alexa, ghi dấu mốc quan trọng trong sự phát triển nội dung trực tuyến tại Việt Nam.
Theo Google Analytics, VnExpress hiện có hơn 13 triệu độc giả thường xuyên (unique visitors), với khoảng 30 triệu lượt truy cập (pageviews) mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày báo cập nhật khoảng 150 đầu mục tin bài, trong đó 95% là sản phẩm do phóng viên, biên tập viên VnExpress thực hiện. Trong số 14 trang nội dung chuyên đề, các trang: Xã hội, Văn hóa, Thể thao, Pháp Luật, Thế giới... có lượng bạn đọc lớn hơn cả.
Tòa soạn VnExpress tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngay từ ngày đầu thành lập, VnExpress đã xây dựng và trung thành với đường lối đưa tin tức: nhanh nhạy, khách quan, thái độ xây dựng. Trong cuộc chiến tranh Irắc, đợt mưa ngập lịch sử tại Hà Nội 2008, đại lễ 1000 năm Thăng Long, biến động giá vàng, ngoại tệ năm 2010... nhiều độc giả cho biết, họ đã liên tục vào VnExpress để được cập nhật tin tức từng giờ.
Bên cạnh thông tin thời sự, báo tập trung nhiều hơn tới vấn đề nóng như: chủ quyền lãnh hải, tình trạng rối loạn giao thông, nạn móc túi tại các điểm công cộng, nạn nhũng nhiễu, ăn chặn tiền của một bộ phận nhân viên công vụ... Trong đó, không ít bài viết, ảnh, video clip đưa lên trang từ sự cung cấp của độc giả.
Từ một trụ sở chính ở Hà Nội, VnExpress đã phát triển văn phòng đại diện ở TP HCM, xây dựng một mạng lưới công tác viên trong và ngoài nước. Tuổi đời trung bình của đội ngũ những người làm VnExpress là 28. Họ đều đã tốt nghiệp ít nhất một đại học hoặc học vị trên đại học từ nhiều ngành chuyên môn khác nhau. Bên cạnh VnExpress, tòa soạn còn có thêm các chuyên trang phục vụ độc giả trên các lĩnh vực chuyên biệt như: Ngôi sao, Số hóa, Game thủ, Ebank… Hiện, toàn bộ tòa soạn có hơn 100 biên tập viên và phóng viên. |
Nhiều quan chức cấp bộ trưởng, các chuyên gia đầu ngành, người nổi tiếng đã đến tòa soạn trả lời phỏng vấn trực tuyến với độc giả.
Danh sách thường niên “Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán” do báo khởi xướng năm 2006, được xã hội và cộng đồng doanh nhân tín nhiệm. Nhiều tờ báo, tạp chí nước ngoài khi đánh giá về thành công của doanh nhân Việt đã lấy căn cứ từ “Top 100 người giàu của VnExpress".
Nắm bắt xu hướng chia sẻ của độc giả, VnExpress hướng nhiều hơn tới tính tương tác với người đọc thông qua các hình thức như: comment, vote, chia sẻ ảnh, video clip. Những cuộc thi ảnh, video đẹp về đất nước, con người Việt Nam; Thi viết về tấm gương nghèo vượt khó; Kiều bào viết Xuân quê hương... đã thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước tham gia.
Các phóng viên, biên tập viên VnExpress tại Văn phòng TP HCM. |
Những năm gần đây báo đã tập trung nhiều hơn cho hoạt động xã hội với các chương trình Cứu trợ trực tuyến giúp đỡ bà con bão lụt miền Trung. Hàng trăm người dân, cảnh đời đã được độc giả ủng hộ, giúp đỡ sau những bài viết.
Năm 2010, báo phát động chương trình Chung tay xây cầu Pôkô ở Kon Tum. Sau hơn 2 tuần, độc giả VnExpress đã góp 2,4 tỷ đồng. Đến nay, cây cầu bắc qua sông Pôkô đã hoàn thành, hàng trăm người dân và học sinh nghèo nơi đây đã không còn phải đu dây vượt sông trong mùa bão lũ...
Những mốc đáng chú ý của VnExpress trong 10 năm - Ngày 26/2/2001, lần đầu tiên trên mạng Internet xuất hiện trang tin điện tử VnExpress. - Tháng 8/2001, với 300.000 địa chỉ IP thường xuyên truy cập, VnExpress đã ở vị trí dẫn đầu trong số các website tiếng Việt trên toàn cầu. - 6/2007, VnExpress lọt Top 100 trong bảng xếp hạng các trang web có nhiều người đọc nhất thế giới của Alexa. - 5/2008, sau 7 năm kể từ khi ra đời, VnExpress lần đầu tiên thay đổi giao diện. - Trong 3 năm (2005, 2006, 2007), VnExpress liên tiếp đoạt Cup vàng CNTT và truyền thông do Hội Tin học Việt Nam tổ chức. Trong 3 năm (2003, 2008, 2010), Tạp chí Thế giới Vi tính PCWorld bình chọn VnExpress là sản phẩm CNTT ưa chuộng nhất. - VnExpress đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Thông tin Truyền thông, Quốc phòng, Ngoại giao, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, UBND Hà Nội... |
VnExpress