Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của 11 nền kinh tế bắt đầu có hiệu lực từ 30/12.
11 nền kinh tế bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam, tạo nên khu vực kinh tế tự do có phạm vi thị trường 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.
Hiệp định này sẽ có tác động như thế nào, các doanh nghiệp cần phải làm gì để tận dụng cơ hội, đó là những câu hỏi sẽ được giải đáp tại Hội thảo "CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay thách thức" diễn ra sáng thứ Sáu, ngày 18/1 tại Hà Nội.
Cụ thể, tại Hội thảo, 200 chuyên gia, đại diện Bộ ngành liên quan, đại diện các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành nghề bị tác động bởi Hiệp định sẽ cùng bàn thảo về giải pháp tận dụng cơ hội từ CPTPP cho một số ngành thế mạnh của Việt Nam; giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi Hiệp định có hiệu lực; hợp tác công tư trong bối cảnh hội nhập và thực thi CPTPP.
Các tham luận về thuế, quy tắc xuất xứ hàng hóa theo CPTPP và các thảo luận từng khía cạnh vấn đề mà doanh nghiệp đối mặt sau Hiệp định cũng sẽ được trình bày như: doanh nghiệp cần làm gì sau CPTPP, ưu đãi thuế quan ra sao, tận dụng lợi thế, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của Hiệp định... Ngoài ra, khách mời, đại biểu tại sự kiện có thể tham vấn nhiều nội dung liên quan trong phần hỏi và trả lời.
Các chuyên gia đánh giá, việc tham gia CPTPP xét trên tổng thể là có lợi cho Việt Nam. CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu.
Hiệp định cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Đồng thời, cũng sẽ thúc đẩy việc cải cách các tổ chức, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và minh bạch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng 4.0, cấu trúc và cách thức về chuỗi sản xuất sẽ thay đổi căn bản khi tham gia CPTPP. Theo đó, sản xuất lắp ráp ngày càng bị co hẹp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất đầu tư cũng sẽ tập trung ở những nước có thị trường lớn, công nghệ cao... Cùng đó, xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chịu tác động lớn khi các nước phát triển giảm dần vai trò trong thương mại quốc tế.
Sự kiện dự kiến thu hút 200 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các ban nghiên cứu Chính phủ, doanh nghiệp sản xuất trong ngành bị tác động bởi Hiệp định (Dệt may, Da giầy...) cùng diễn giả trong và ngoài nước.
Hội thảo do Bộ Công thương, VnExpress, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp tổ chức, có sự đồng hành của Colorbond BlueScope. Độc giả quan tâm đăng ký tại đây.
VnExpress