Chốt phiên giao dịch ngày 31/5, VN-Index mất 9,46 điểm (tương đương 0,98%), còn 959,88 điểm. VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng giảm hơn 7 điểm (0,8%) còn 876,29 điểm.
Trên sàn Hà Nội, diễn biến có phần trái chiều khi HNX-Index giảm 0,92% nhưng UPCOM-Index tăng 0,14%.
Sau chuỗi phiên tăng liên tục tới ngày 20/5 giúp VN-Index tiệm cận ngưỡng 990 điểm, chỉ số đại diện cho HoSE đã quay trở lại xu hướng điều chỉnh. Để mất lần lượt các mốc quan trọng tại 970 và 960 điểm, VN-Index đã có xu hướng tìm về ngưỡng hỗ trợ thấp hơn. Diễn biến bất ngờ này, theo đánh giá của các chuyên gia, tạo tâm lý hoài nghi cho nhà đầu tư về khả năng phục hồi của thị trường.
Giao dịch trong phiên hôm nay (31/5) có phần bất thường khi đà bán mạnh chủ yếu trước khi đóng cửa. Thị trường diễn ra trong trạng thái tiêu cực ngay từ đầu phiên nhưng biên độ giảm được khống chế trong khoảng vài điểm. Tuy nhiên khi bước sang phiên chiều, VN-Index từ ngưỡng tiệm cận tham chiếu, bất ngờ bị bán mạnh kéo rơi gần 10 điểm.
Trên thị trường phái sinh, giá các hợp đồng tương lai ngay lập tức phản ứng với biến động từ thị trường cơ sở. Hợp đồng VN30F1906 mất gần 21 điểm, hạ mức chênh lệch với chỉ số VN30 trên thị trường cơ sở còn dưới 2 điểm. Biến động mạnh nhất thuộc về hợp đồng tháng 9 với mức giảm gần 31 điểm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí là tâm điểm của thị trường với vai trò dẫn đầu đà giảm chung. Các cổ phiếu "họ P" đều giảm trên dưới 3%. Cổ phiếu GAS giảm 3,5%, PVS giảm 4,6%, PVD giảm 5,1%, PVC giảm 4,1%.
Các cổ phiếu thuộc nhóm cao su, thủy sản, dệt may hay bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng chung, đặc biệt là những cổ phiếu hút tiền gần đây. Riêng trong nhóm VN30, chỉ có 6 cổ phiếu tăng nhưng ghi nhận tới 22 cổ phiếu giảm, với một số cái tên dẫn đầu như PNJ, MWG hay CTD.
Lực bán mạnh trong khi lực cầu bắt đáy thận trọng khiến thanh khoản thị trường chung duy trì ở mức rất thấp. Tổng thị trường giao dịch chưa tới 4.000 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HoSE chỉ đạt hơn 3.200 tỷ.
Minh Sơn