Mốc 1.500 điểm là con số được giới phân tích nhắc tới gần đây và cũng là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Sáng nay (25/11), VN-Index đã vượt ngưỡng này khi đóng cửa phiên sáng ở mức 1.502,15 điểm, tăng hơn 13 điểm so với tham chiếu. VN30-Index cũng có thêm hơn 9 điểm (0,58%), lên trên 1.574 điểm.
Chỉ số tiếp tục đi lên sau giờ nghỉ trưa và có thời điểm tiệm cận 1.505 điểm. Tuy nhiên, đà thăng hoa không kéo dài lâu khi áp lực chốt lời ở vùng giá cao xuất hiện. Chỉ số thu hẹp dần biên độ tăng, đến lúc chốt phiên chỉ còn tăng gần 12 điểm, về mức 1.500,81 điểm. Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp trong tuần này.
Đà tăng được nối dài của nhóm ngân hàng, cùng sự trở lại của các cổ phiếu bất động sản giúp sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện. Sàn HoSE ghi nhận 266 mã tăng trong phiên sáng nay, so với 187 mã giảm. Riêng nhóm VN30, sắc xanh cũng chiếm ưu thế với 19/30 mã bluechip tăng giá.
Trong nhóm ngân hàng, đà tăng đã có sự phân hóa. VCB và VPB là hai mã tăng tốt nhất với biên độ 2,3%. VCB đồng thời là mã đóng góp tích cực nhất vào đà tăng của VN-Index với 2,3 điểm. MBB, STB cũng vượt tham chiếu. Ngược lại, HDB và TPB - hai mã trong nhóm tăng nhanh nhất gần đây - gặp áp lực chốt lời, cùng giảm hơn 1%. BID, ACB, TCB, CTG lùi dưới tham chiếu.
Ngoài ngân hàng, các cổ phiếu chứng khoán cũng tiếp tục tích cực, dù biên độ tăng không quá đột biến. BSI có thêm 4,9%, VCI tăng 2,7%, CTS, SHS, FTS tăng quanh ngưỡng 2%, SSI, VND vượt trên tham chiếu.
Trong khi hai nhóm chủ chốt gần đây là ngân hàng và chứng khoán có dấu hiệu hạ nhiệt, dòng tiền có khuynh hướng đổ về các mã bất động sản, mid-cap, penny sau khi nhóm này bị bán tháo. Một số nhóm trở lại trạng thái tăng trần như nhóm cổ phiếu Hoàng Huy (TCH, HHS), nhóm Gelex, CEO, DXG, ITA.
Đóng cửa phiên, sàn HoSE có đến 266 mã tăng, trong đó 40 mã tăng hết biên độ. Ở chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu là 189 mã và 2 mã trong đó chạm sàn.
Thanh khoản sàn TP HCM đạt xấp xỉ 32.800 tỷ đồng, giảm khoảng 4.000 tỷ đồng so với hôm qua. Tiền vẫn tập trung nhiều nhất ở nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) với hơn 9.100 tỷ đồng. Tính riêng cổ phiếu thì SSI dẫn đầu khi giá trị sang tay gần 1.380 tỷ đồng, tiếp đến là VPB 1.235 tỷ đồng và HPG 1.070 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán mạnh. Giá trị xả hàng lên đến 2.450 tỷ đồng, tập trung vào VPB, HPG, VHM trong khi mua vào chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng.
Minh Sơn