Chuyên gia Huỳnh Anh Tuấn nhận định, phiên này sẽ là thế trận giằng co, để nếu Vn-Index vượt qua được, đà tăng điểm sẽ phần nào được khẳng định. "Phiên tới sẽ là bước đệm cho thị trường xác định xu hướng có tăng tiếp hay không", ông Tuấn nói.
Ngày 11/3 là thời điểm T+4 của những người gom hàng ở mức giá thấp khi Vn-Index chạm mức 583 điểm hôm 5/3. Đây có thể sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư này đẩy hàng đi để hiện thực hóa lợi nhuận.
Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMES) đánh giá, ngày 10/3 cũng là một phiên quan trọng, vì một số người mua cổ phiếu từ thứ 3 tuần trước (4/3), nhất là các tay "lướt sóng" bắt đầu bán ra và SCIC đã thể hiện rõ vai trò nâng đỡ thị trường của mình.
Vn-Index có thể sẽ trải qua một phiên kịch tính vào ngày mai. |
Cũng theo SMES, SCIC đã tập trung vào một số mã trụ cột của Vn-Index để mua vào, nhằm giữ mức tăng điểm. Kết quả là Vn-Index tăng điểm một cách "an toàn". Theo nhóm phân tích, nếu đà này được duy trì một thời gian nữa, sẽ tạo được lực đẩy thị trường đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, Vn-Index đóng cửa tại 658,29, tăng 18,15 điểm so với tuần trước, tương đương 2,83%. Khối lượng giao dịch qua khớp lệnh lên tới 25,1 triệu cổ phiếu, tăng gần 90% so với phiên trước với tổng giá trị 1.489 tỷ đồng.
Ngay từ đầu phiên, các mã đã ào ào tăng giá. Song càng về sau, sự chọn lọc trong các lệnh mua càng thể hiện rõ, khi màu đỏ lan dần sang những mã ít khả năng làm nên biến động trên thị trường.
Dự kiến "sứ mạng" của SCIC sẽ kết thúc khi thị trường xác lập xu hướng vững chắc. Song đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được đến khi nào và ở ngưỡng điểm bao nhiêu, có thể khẳng định xu hướng này.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cho hay, hiện SCIC và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn nghiên cứu để xác định ngưỡng điểm vững chắc của thị trường.
Cũng theo Phó tổng giám đốc SCIC, đến nay siêu tổng công ty chưa gom cổ phiếu của công ty niêm yết nào đến ngưỡng 5% cổ phần, tỷ lệ đủ lớn để trở thành một cổ đông lớn và phải công bố thông tin. Ông này khẳng định, một khi SCIC "cán đích" 5%, siêu tổng cũng sẽ tuân thủ những quy định về công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo ông Lê Song Lai, việc các tay lướt sóng xả hàng trong thời điểm này là không tránh khỏi. SCIC đã dự trù những biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tới việc gom hàng cũng như diễn biến thị trường.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, việc các mã tăng kịch trần như 2 phiên cuối tuần trước sẽ khó xảy ra vào hôm nay. "Sẽ không có xu hướng tăng hay giảm theo kiểu "nghiêng xuồng", mà bên mua cũng như bên bán sẽ theo dõi từng diễn biến trên thị trường để quyết định tiếp theo", ông Tuấn nhận định.
Theo vị chuyên gia này, sức mua trên thị trường vẫn lớn, nên có thể Vn-Index sẽ không bị rơi khỏi ngưỡng mới xác lập. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân hiện cũng muốn gom hàng, một phần vì kỳ vọng giá cao hơn ở những phiên sau, một phần vì họ đã yên tâm khi có một lực đỡ phía sau là SCIC. Biết rằng SCIC sẽ không để Vn-Index rơi trở lại xuống dưới 600 điểm như tuần trước, họ sẽ duy trì mua vào.
Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh trong phiên đầu tuần cũng là một yếu tố giúp nhà đầu tư trong nước vững tâm hơn. Sau khi tăng bán ra vào phiên Vn-Index tăng kịch trần cuối tuần vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài lại bắt đầu mua vào mạnh. Riêng tại sàn TP HCM, họ bỏ ra trên 303 tỷ đồng để gom hàng, gấp 3 lần bán ra.
Ông Tuấn nhận định, xu hướng thị trường hôm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến đợt khớp lệnh mở cửa. "Nếu đợt đầu tiên Vn-Index rơi điểm, ngay đợt sau chỉ số sẽ lại nhích lên do mua vào tăng, và ngược lại", vị chuyên gia này nhận định.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường rất cần những phiên "thử lửa" để xác lập xu hướng vững chắc. "Nếu cứ băng băng đi lên, lại có thể có những nguy cơ. Phải có những phiên tranh giành quyết liệt mới giúp thị trường ổn định trở lại", ông Tuấn nói.
Nguyễn Minh