![]() |
Ông Bùi Quang Anh. Ảnh: Tuổi Trẻ |
- Ông nhận định thế nào về dịch cúm gia cầm đến thời điểm hiện nay ở Việt Nam?
- Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã phân chia 6 mức độ nghiêm trọng của đại dịch cúm, Việt Nam ở mức thứ 3, tức là đã xảy ra dịch cúm trên gia cầm và bệnh cúm H5N1 ở người. Mức độ 4 tức dịch đã lây từ người sang người và trở thành đại dịch. Như vậy, chúng ta đang ở ngưỡng cửa, rất cận kề với đại dịch cúm trên người.
Tại Indonesia đã phát hiện gà dương tính với virus H5N1, nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường. Điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống và nguy cơ con người bị nhiễm là rất cao. Tại Nga, virus H5N1 đã lây lan 49 huyện tại vùng Novosibirsk. Romania, ngày 7/10 đã páht hiện 3 con vịt cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm chủng H5. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 5/10, 2.000 con gà tây đã chết vì virus H5N1. Tại Việt Nam: Không có báo cáo về các ổ dịch cúm gia cầm mới kể từ ổ dịch cuối cùng xảy ra tại Bình Dương (ngày 9/8) và Nghệ An (23/8). |
Trước ngưỡng cửa đó, chúng ta phải làm hết sức mình, tổ chức phòng chống dịch cúm gia cầm thật triệt để, áp dụng tất cả biện pháp (tiêm văcxin là biện pháp cuối cùng cũng đã được triển khai) để tiêu diệt virus H5N1 trong môi trường và trong gia cầm. Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người được Chính phủ công bố hôm 17/10 cũng nằm trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch.
- Ông đánh giá thế nào về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở các địa phương?
- Nhiều địa phương tích cực, có những bước đi bài bản. Ví dụ, TP HCM từ năm ngoái đã không cho chăn nuôi trong khu dân cư, thành phố đã xây dựng được 50 điểm giết mổ tập trung. Nhưng có những địa phương như Hà Nội, Thanh Hoá, Nam Định chưa kiên quyết quy hoạch các điểm chăn nuôi, điểm giết mổ gia cầm tập trung, tránh xa khu dân cư. Nhìn chung chủ trương của Chính phủ là rất quyết liệt, nhưng việc thực hiện của địa phương chưa ngang tầm.
- Dịch cúm H5N1 đã xuất hiện ở gia cầm và người từ khá lâu, nhưng tại sao bây giờ Việt Nam mới ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp?
- Kế hoạch hành động khẩn cấp công bố vào thời điểm hiện nay là kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế, cũng như đòi hỏi của công tác phòng chống dịch trong nước. Chúng ta phải phòng xa nếu xảy ra những ca dịch trên người thì phải tổ chức bao vây, chữa trị, cách ly theo kinh nghiệm phòng chống dịch SARS. Ví dụ nếu kế hoạch thực hiện sớm, khi ở nước láng giềng công bố có hiện tượng cúm H5N1 lây từ người sang người, thì mình có thể chủ động đưa những ca bệnh vào cách ly, chữa trị.
Tôi muốn nói thêm, kế hoạch hành động khẩn cấp là để chủ động phòng chống dịch chứ không phải gây hoang mang cho bà con. Nếu mình chủ động sớm thì ngăn chặn đại dịch có hiệu quả hơn. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên rất nhiều khuyến cáo, kinh nghiệm quốc tế, dựa trên kế hoạch các nước chưa có dịch, nhưng đã chuẩn bị sẵn sàng rồi.
- Theo ông, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nào?
- Có 2 thách thức, thứ nhất là làm thế nào để tổ chức tuyên truyền cho các ngành, các cấp nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Hiện còn nhiều ngành, cấp, chính quyền địa phương chủ quan, cho rằng người ta tuyên truyền thế chứ cúm chưa đến mình. Về phía người dân vẫn còn chủ quan, vẫn buôn bán gà vịt nhỏ lẻ, tiếp xúc với gia cầm thoải mái.
Thách thức thứ hai là vấn đề tài chính để chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; là việc thành lập các hợp tác xã, lò giết mổ tập trung... Thủ tướng đã chỉ đạo đối với tính mạng nhân dân thì không tiếc tiền, nhưng các bộ, ngành, địa phương phải cân đối tài chính. Chúng ta cũng đã tích cực kêu gọi đầu tư từ nước ngoài.
- Việt Nam có gặp khó khăn gì khi huy động gần 7.000 tỷ đồng cho kế hoạch hành động khẩn cấp?
- Gần 7.000 tỷ đồng là dự trù trong kế hoạch. Thủ tướng đã quyết định trước mắt cấp gần 500 tỷ đồng để Bộ Y tế mua thiết bị y tế, hoá chất tiệt trùng, thuốc dự phòng cho con người và một phần trong số đó dành cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua trang bị bảo hộ, thuốc tiêu độc xử lý môi trường.
Để huy động số tiền trên thì chắc chắn phải tìm các nguồn, đặc biệt là kêu gọi sự hỗ trợ của nước ngoài. Tháng 11 sắp tới tiếp tục có một cuộc họp kêu gọi đầu tư. Hiện nay chúng ta kêu gọi nước ngoài hỗ trợ khoảng 100 triệu USD, nhưng việc này cần tiến hành lâu dài, chứ không thể ngay một lúc. Muốn kêu gọi đầu tư mình phải có các dự án, các chương trình thuyết phục. Bộ Nông nghiệp và Y tế đang xây dựng các kế hoạch cụ thể để trình bày.
- Tiêm văcxin là một biện pháp quan trong nằm trong nỗ lực phòng chống dịch cúm, nhưng tại sao thời gian qua có tình trạng gia cầm phải chờ văcxin?
- Việt Nam không sản xuất được văcxin, phải đi nhập khẩu của Trung Quốc. Muốn mua được văcxin thì phải triển khai một loạt vấn đề kèm theo như: phê duyệt dự án, kinh phí, chỉ định thầu, thử nghiệm, rồi vận chuyển… Chính vì phải phụ thuộc vào nước ngoài nên văcxin nhập về chậm, làm kế hoạch tiêm phòng ở các tỉnh thành bị chậm 15 ngày (phải cuối tháng 11 mới hoàn thành). Tôi cho rằng để chủ động tiêm văcxin trong năm 2006 (còn tiêm 3 mũi), các viện, nhà khoa học cần nghiên cứu làm thế nào để sớm sản xuất được văcxin.
Như Trang thực hiện