![]() |
Ông Đào Công Hải. |
- Theo ông, nguyên nhân nào khiến lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp?
- Số 9.500 lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc có từ nhiều nguồn: đi theo chương trình tu nghiệp sinh, đi du lịch, thậm chí tham dự hội chợ thương mại và tìm cách ở lại. Họ làm vậy vì Hàn Quốc là nước phát triển, thu nhập lao động khá cao, mỗi tháng có thể kiếm được 700-1.500 USD. Trừ chi phí ăn ở, họ cũng tiết kiệm được 700-800 USD.
Nhiều năm qua Chính phủ Hàn Quốc có chương trình tìm, đưa lao động bất hợp pháp về nước, nhưng không thể giải quyết triệt để, vì lao động cần việc, chủ cần nguồn nhân công. Hơn nữa, số người ở lại qua quá trình làm việc, giỏi tiếng, tay nghề cao nên được chủ chú trọng tuyển dụng. Đây là vấn đề đau đầu cho ngành quản lý.
- Chính phủ Hàn Quốc xử lý như thế nào đối với lao động bất hợp pháp?
- Theo quy định, lao động hết thời gian làm việc 3 năm phải về nước. Nếu ở lại sẽ bị xử phạt hành chính (phạt tiền). Tuy nhiên, trên thực tế Chính phủ Hàn Quốc chỉ khuyến khích người vi phạm về nước, chứ không phạt tiền. Thậm chí, từ tháng 9/2003 đến 3/2004, lao động về nước đúng hạn lại được sang Hàn Quốc làm việc.
Theo Luật Cấp phép lao động mới (áp dụng từ 17/8/2004), Chính phủ Hàn Quốc đã chuyển hướng xử lý giới chủ sử dụng lao động bất hợp pháp. Theo đó, nếu thuê một nhân công bất hợp pháp, chủ bị phạt từ 10 đến 20 triệu won, tương đương 10.000-20.000 USD. Nếu không nộp phạt thì phải đi tù 3 năm. Còn lao động bất hợp pháp bị buộc về nước.
- Doanh nghiệp Việt Nam phàn nàn việc tìm kiếm và đưa lao động bất hợp pháp về nước khó như tìm kim đáy bể, chi phí tốn kém. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tại Hàn Quốc, việc tìm lao động đơn phương phá bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, hoặc lao động ở quá 3 năm không khó, bởi cảnh sát khu vực nắm được hết.
- Việc lao động cố tình ở lại ảnh hưởng thế nào đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc?
- Theo quy định của nước bạn, lao động cũ về thì chỉ tiêu của chúng ta mới được gia tăng và lớp lao động tiếp theo mới được sang. Hàn Quốc không cần nhiều lao động, chỉ khoảng 450.000 người, chứ không như Malaysia và Đài Loan cần tới 2 triệu lao động.
Hiện nay Việt Nam có 25.000 lao động tại Hàn Quốc. Phải giữ thị phần đó, không thể đẩy lên được nữa vì bạn đâu cần. Nếu lao động ở lại đến 4-5 năm nghĩa là đã sử dụng quyền lợi của người khác.
- Liên quan đến Luật cấp phép lao động mới, hiện Việt Nam đã đưa bao nhiêu người sang làm việc?
- Việt Nam hiện có gần 2.000 hồ sơ ký được hợp đồng với chủ. Trong đó gần 1.000 lao động đã sang làm việc. Trung bình mỗi tuần Việt Nam đưa sang khoảng 100 người.
- Theo kế hoạch Hàn Quốc tuyển 3.000 lao động vào cuối năm 2004, vì sao đến nay mới chỉ có gần 1.000 người sang làm việc?
- Trong 6 quốc gia tham gia đưa lao động đi theo Luật cấp phép mới, Hàn Quốc chia đều cho mỗi nước 6.000 chỉ tiêu. Bộ Lao động nước bạn sẽ chuyển cho các trung tâm dịch vụ việc làm và chủ doanh nghiệp tiếp nhận. Các trung tâm yêu cầu chủ phải nhận lao động bản địa, nếu họ không đáp ứng mới được quyền nhận lao động nước ngoài. Còn nhận như thế nào, bao nhiêu là tuỳ thuộc nhu cầu của chủ.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng làm việc của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc?
- Lao động Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, khả năng tiếp nhận khá nhanh, chăm chỉ, cần cù. Tuy nhiên, nhân lực Việt Nam rất yếu tiếng Anh. Phải qua 6 tháng, lao động Việt Nam mới làm việc tốt.
Sức khoẻ của lao động Việt Nam cũng kém, sức bền bỉ không có, chỉ lợi thế ở lĩnh vực sản xuất chế tạo, làm việc trong nhà, đòi hỏi khéo tay. Trình độ chuyên môn nông nghiệp cũng yếu mặc dù lao động phần lớn xuất thân từ nông thôn.
Thực ra, nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường trong nước còn yếu, xuất ra nước ngoài tất nhiên chưa thể mạnh. Để đáp ứng thị trường Hàn Quốc, lao động Việt Nam cần được đào tạo về chuyên môn, tác phong công nghiệp, ý thức làm việc.
- Do thu nhập cao, một số đường dây lừa đảo lao động đi Hàn Quốc đã hình thành. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt. Để tránh điều bị lừa, người lao động phải liên lạc với cơ quan chức năng. Cục Quản lý lao động nước ngoài có Trung tâm thông tin, người lao động hoàn toàn có quyền đến đây để hỏi.
Như Trang thực hiện