Hà Linh
Đã có những lúc, tác giả của Lolita "lạnh lùng" với văn chương để đeo đẳng những công trình nghiên cứu về sâu bọ. Nabokov dường như chưa bao giờ coi văn chương như một công việc đưa lại nguồn thu nhập chính. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1964, nhà văn tâm sự: "Tôi luôn ấp ủ giấc mộng trở thành một người quản lý vô danh, trông coi cả một thư viện bướm trong một bảo tàng khổng lồ".
Nhưng giới học giả nghiên cứu về Nabokov chưa đánh giá một cách đầy đủ về ông với tư cách là nhà côn trùng học. Tệ hơn, một số người còn coi đó là một mẹo vặt để nhà văn đánh bóng hình ảnh mình trước công chúng. Andrew Field, tác giả cuốn tiểu sử đầu tiên về Nabokov từng coi đây là "kiểu làm bộ làm tịch lắm công phu".
Trên thực tế, Nabokov từng là người quản lý một thư viện bướm trong suốt 7 năm. Từ 1941 đến 1948, ông là một cán bộ nghiên cứu làm việc bán thời gian tại Bảo tàng động vật học so sánh ở Đại học Harvard. Ông tham gia thiết kế các bộ sưu tập bướm và xuất bản một số bài nghiên cứu có giá trị về loài côn trùng này.
![]() |
Minh họa chân dung Vladimir Nabokov. Ảnh: woldhek |
Niềm đam mê khoa học và tài năng văn chương của Nabokov đã được nhà nghiên cứu Dmitry Sokolenko kết hợp lại trong một triển lãm diễn ra tại bảo tàng Vladimir Nabokov mang tên "The Nabokov Code" – một cách nhại lại tựa đề cuốn tiểu thuyết ăn khách của Dan Brown. Triển lãm trưng bày song song những trích dẫn từ tác phẩm của nhà văn với những cánh bướm rực rỡ sắc màu.
Hình ảnh về loài bướm được phóng to dưới kính hiển vi còn những câu văn trích từ tác phẩm của ông cũng ẩn chứa không ít sự miêu tả về thế giới sâu bọ. Tổ chức "The Nabokov Code", Sokolenko muốn chứng minh cho một quan điểm mới: Lối viết tỉ mỉ và văn phong bậc thầy của Nabokov chịu ảnh hưởng từ tình yêu say đắm của nhà văn dành cho khoa học.
"Hãy đặt mình vào vị trí của Nabokov, nếu bạn chuyển từ nghiên cứu sâu bọ sang viết văn, thì những phương pháp và công cụ làm việc hàng năm trời trong vai trò của một người nghiên cứu cũng rất dễ được bạn bê nguyên vào trong khi viết văn", Sokolenko phát biểu trong cuộc phỏng vấn trước buổi khai trương triển lãm diễn ra vào đầu tháng này. "Tôi nghĩ, sự chịu khó quan sát của ông trong văn học bắt nguồn từ thói quen tỉ mẩn trong công việc nghiên cứu".
Sokolenko, 29 tuổi, người St. Petersburg, vốn không phải là một nhân vật xa lạ gì với giới nghiên cứu. Anh là nhà vi trùng học. Sokolenko sinh ra và lớn lên tại Obninsk – một thành phố khoa học, trung tâm nghiên cứu hạt nhân quan trọng của Liên Xô (cũ).
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng sinh hóa, anh làm việc tại State Photography Center – một tổ chức nhà nước có chức năng bảo tồn và thẩm định tư liệu ảnh cho các bảo tàng.
![]() |
Nhà văn say sưa bắt bướm. Ảnh: girodivite |
Nơi làm việc của Sokolenko nằm cùng đường với bảo tàng Vladimir Nabokov – nơi nhà văn sống cho đến khi buộc phải sống lưu vong sau Cách mạng. Sokolenko vốn đã vô cùng thích thú cuốn tiểu thuyết The Defense của nhà văn – tác phẩm kể về một tay cờ tài năng nhưng dần dà trở nên điên dại vì bị trò chơi ám ảnh. Sự mến mộ này đã khiến anh trở thành người làm việc tình nguyện tại bảo tàng vào tháng 10 năm ngoái. Trong một buổi lang thang tại bảo tàng, anh phát hiện ra rằng, nhà văn từng tham gia nghiên cứu côn trùng tại Đại học Harvard.
"Nhìn vào những hoạt động nghiên cứu côn trùng của Nabokov, tôi bỗng nhận ra một khía cạnh khác trong con người nhà văn. Ở một góc độ nào đó, tôi hiểu rằng có một Nabokov – nhà văn đã lớn lên từ Nabokov – nhà sinh vật học".
Mong ước sẻ chia quan điểm này với mọi người, Sokolenko đã bắt tay vào chuẩn bị cho triển lãm "The Nabokov Code". Lần theo từng hoạt động của nhà văn, ông chụp lại những loài bướm từng được Nabokov miêu tả hoặc nghiên cứu làm tư liệu minh họa.
Triển lãm xuất hiện vào thời điểm danh tiếng của Nabokov đang dần được ghi nhận trong giới nghiên cứu côn trùng học. Khi nhà văn còn sống, một số nhà nghiên cứu về bướm, có thể vì ghen tỵ danh tiếng của ông trong văn học, đã bới móc chuyện ông không được đào tạo chính quy về chuyên ngành này. Những kiến thức nhà văn có được về loại côn trùng này đều là do tự học. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu phân loại loài bướm Lycaeides của ông vẫn được Alexander Klots đánh giá cao trong cuốn Field Guide to the Butterflies of North America (1951).
Gần đây, 2 tác giả của cuốn Nabokov's Blues: The Scientific Odyssey of a Literary Genius (1999) - Kurt Johnson và Steven Coates đã khảo sát những nỗ lực của Nabokov trong việc phân loại một nhóm bướm mà ngày nay có tên khoa học là Latin American Polyommatini. Những năm 1980, Johnson từng mất 5 năm lang thang trong các khu rừng xa xôi ẩm ướt ở Dominica để... bắt bướm. Khi định tiến hành sắp xếp và phân loại, ông nhận thấy công việc này đã được Nabokov thực hiện và công bố trên một tờ báo ít tiếng tăm xuất bản năm 1945. Ông và những cộng sự của mình đã lấy tên các nhân vật trong tác phẩm của Nabokov để đặt tên cho một số loài bướm. Ví như, một loài bướm Peru được gọi là "Madeleinea lolita".
Tuy nhiên, Sokolenko vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi muốn thuyết phục các nhà nghiên cứu văn học về tầm ảnh hưởng của nhà côn trùng học trong văn chương Nabokov. Trước khi mang đi triển lãm ở St. Petersburg, những hình ảnh "The Nabokov Code" đã được sử dụng để trưng bày tại Hội thảo quốc tế về nhà văn tổ chức tại Pháp. Các nhà nghiên cứu văn học ở đây đã coi nỗ lực của Sokolenko là những "sản phẩm nghệ thuật" hơn là những bằng chứng cho thấy sự ảnh hưởng của khoa học trong văn chương của Nabokov.
Nhưng Sokolenko vẫn còn nhiều cơ hội để chứng minh quan điểm của mình. Sau khi triển làm tại St. Petersburg kết thúc vào cuối tháng này, "The Nabokov Code" sẽ tiếp tục đến Mỹ và Đức.
(Nguồn: iht)