Theo kết luận của Viện, lợi dụng cơ chế "xin cho" hạn ngạch (quota) dệt may, một số doanh nghiệp đã trực tiếp hoặc qua trung gian tìm cách "chạy" xin, mua bán hạn ngạch từ các cán bộ, lãnh đạo của Bộ Thương mại.
Cụ thể, nguyên phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM - Nguyễn Cương đã 6 lần đại diện cho 4 doanh nghiệp ngành dệt may đến nhà riêng của nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại - Mai Văn Dâu để xin cấp hạn ngạch. Trong đó, có 5 lần Mai Văn Dâu đã tiếp nhận công văn kèm hồ sơ và trực tiếp xét duyệt, bút phê vào công văn xin cấp quota của các công ty: Sundance, Đế Vương, Lawn Yard để các doanh nghiệp này được cấp hạn nghạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ.
Bù lại, Nguyễn Cương đã "lại quả" cho thứ trưởng Dâu 38.000 USD nhưng thứ trưởng Dâu không thừa nhận. Cơ quan chức năng căn cứ vào khai nhận của ông Dâu và một số chứng cứ khác chỉ đủ cơ sở kết luận thứ trưởng này có nhận 6.000 USD và một bộ veston Italy trị giá 380 USD.
Đối với hành vi phạm tội của nguyên phó vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu Bộ Thương mại, Lê Văn Thắng, kết luận của VKS Tối cao xác định: ông Thắng đã lợi dụng nhiệm vụ được phần công đại diện Bộ Thương mại cùng tổ điều hành liên ngành đề xuất xét cấp hạn ngạch để trục lợi. Từ tháng 6/2003 đến tháng 8/2004, ông Thắng đã tiếp nhận hồ sơ xin quota trái nguyên tắc tại nhà riêng, nhận của Trần Thu Lan 15.000 USD để cấp cho Công ty TNHH May và Thương mại Á Châu gần 100 ngàn tá sản phẩm dệt may. Bên cạnh đó, ông Thắng còn nhận 3.000 USD để "xét" cho Công ty QIM.
Ngoài ra, Nguyễn Cương khai nhận đã đưa cho ông Thắng 30.000 USD, Võ Thị Thanh Hằng (giám đốc DNTN Hoàng Trí) đưa 5.000 USD nhưng Thắng không thừa nhận nên không có cơ sở xem xét.
Với hành vi nhận 6.000 USD của Mai Văn Dâu và 18.000 USD của Lê Văn Thắng, VKSND Tối cao kết luận 2 bị can này phạm tội nhận hối lộ với khung hình phạt từ 15 đến 20 năm tù. Trước đó, TAND TP HCM cho rằng, ông Dâu và ông Thắng đã phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên đề nghị xử lý với khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình nhưng Viện không chấp nhận.
Đối với 9 người TAND thành phố cho rằng cấp điều tra đã để lọt người lọt tội, đề nghị truy tố thêm về các đưa hối lộ, môi giới hối lộ, VKS cũng không đồng tình và vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Cụ thể như trường hợp của anh em bà Nguyễn Thị Mỹ Hà, Nguyễn Đức Chính đã đưa cho ông Đặng Vũ Quang 1,5 tỷ đồng để "chạy" quota cho Công ty Qualitex. Tuy nhiên, Viện cho rằng, những người này đã tố giác tội phạm trước khi vụ án được phát hiện, khởi tố nên xử lý hành chính là có căn cứ. Về phía ông Quang, đã có dấu hiệu ội làm môi giới hối lộ nhưng bị can này đã tự thú, khai báo thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả trước khi vụ án bị phát hiện nên Viện đã ra quyết định đình chỉ điều tra.
Các trường hợp khác như ông Tsang Tak Lung, Tổng Giám đốc Công ty Leader One Việt Nam, ông Wu Chun Te, Tổng Giám đốc Công ty Lawn Yard, ông Chou Ming Chen, Tổng Giám đốc Công ty Đế Vương, bà Hậu Thiên Hoa, Công ty Phú Hoa, Lý Huệ Mẫn, Công ty Thắng Hoành đều có hành vi phạm pháp khi đưa "đô" để chạy hạn ngạch. Tuy nhiên, Viện cho rằng, những người này đều là các doanh nhân nước ngoài, tính chất sai phạm có mức độ... nên không xử lý bằng hình sự là phù hợp. Đối với ông Chu Văn Đàm, giám đốc Công ty Hoàng Việt và Lư Tuấn Nhơn, giám đốc Xí nghiệp Sasanga, cơ quan công tố xác định, có hành vi dùng 11.400 USD để xin quota nhưng không đề cập xử lý.
N. Hải