Chiều 13/5, TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng xử phúc thẩm, bác kháng cáo của VKSND tỉnh Khánh Hòa, buộc cơ quan này phải bồi thường gần 1,6 tỷ đồng cho gia đình ông Huỳnh Chiếm Hoạnh, 57 tuổi (con trai ông Phái, đại diện thừa kế người bị oan).
Theo HĐXX, tòa sơ thẩm xác định khoản thu nhập thực tế bị mất được tính từ ngày ông Phái bị bắt giam oan (12/1981) đến ngày có quyết định đình chỉ điều tra (tháng 9/1984) là hơn 133 triệu đồng; tổn thất về tinh thần được tính đến ngày nhận được bản photo quyết định đình chỉ bị can (cuối năm 2009) là gần 1,3 tỷ đồng và hơn 118 triệu chi phí khác là có căn cứ, phù hợp với quy định pháp luật.
Ông Phái không có lỗi trong việc nhiều năm sau mới nhận được quyết định đình chỉ bị can. Do đó, theo tòa phúc thẩm, VKS Khánh Hòa bị cấp sơ thẩm buộc bồi thường tổn thất tinh thần cho ông đến thời điểm nhận được bản photo quyết định đình chỉ bị can là có căn cứ.
Đối với yêu cầu của ông Hoạnh về các khoản bồi thường thiệt hại do sức khỏe cha mình bị giảm sút và chi phí thăm nuôi, tòa cho rằng không có chứng cứ chứng minh ông Phái bị xâm phạm về sức khỏe dẫn đến mất khả năng lao động. Từ đó, toà bác kháng cáo về việc buộc VKS Khánh Hòa phải bồi thường 4,4 tỷ đồng cho cha ông Phái.
Không hài lòng với mức bồi thường tòa tuyên, song ông Hoạnh nói đã quá mệt mỏi với hành trình đi kêu oan cho cha và khởi kiện, nên sẽ chấp nhận bản án với tinh thần "bằng mặt không bằng lòng". "Những mất mát mà gia đình phải gánh chịu sau khi cha tôi bị bắt giam oan là rất lớn, không đo đếm hết được. Nhưng tôi muốn khép lại vụ kiện ở đây", ông Hoạnh nói.
Hồ sơ vụ án thể hiện, 41 năm trước ông Huỳnh Chiếm Phái (50 tuổi) và ông Trần Bê (lúc đó 24 tuổi, ngụ cùng xã) bị Công an tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) bắt giam oan với cáo buộc bắn chết Chủ tịch UBND xã Ninh Giang (hiện là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa).
Năm 1983, ông Phái được tạm tha với lý do "tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp". Sau nhiều năm không chứng minh được hai ông này phạm tội, ngày 25/9/1984 VKS đình chỉ điều tra bị can. Tuy nhiên, đến năm 2009, gia đình ông Phái mới nhận được bản photo quyết định đình chỉ điều tra từ VKSND tỉnh Khánh Hòa.
Ông Hoạnh cho biết, trước khi bị bắt giam oan, cha ông là người khỏe mạnh bình thường nhưng ngày được tha về không thể đi lại, sức khỏe giảm sút. Gia đình phải vào tận trại giam dìu ông Phái. Về nhà, ông trở thành người tàn phế, chân tay bị liệt, mắt mờ, tai điếc; lại uất ức vì bị oan nên tinh thần không ổn định.
"Ông thường la hét, gào khóc và gặp ác mộng nên gia đình phải đưa ông đi điều trị tại bệnh viện tâm thần. Đến năm 2015, cha tôi tự tử chết nhưng vẫn chưa nhận được lời xin lỗi và bồi thường oan sai", ông Hoạnh kể.
Bốn năm sau VKSND tỉnh Khánh Hòa mới tổ chức xin lỗi công khai người thân của ông Phái và ông Trần Bê. Hơn một năm sau, ông Bê được bồi thường hơn 500 triệu đồng.
Sau nhiều lần thương lượng, VKSND tỉnh Khánh Hòa chỉ đồng ý bồi thường cho gia đình ông Phái hơn 474 triệu đồng. Ông Hoạnh sau đó đại diện gia đình kiện VKS, yêu cầu bồi thường 4,4 tỷ đồng gồm: thiệt hại về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về sức khỏe và chi phí chăm sóc cha.
Hồi tháng 3, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm, chỉ chấp nhận một phần đơn kiện, buộc VKSND cùng cấp bồi thường cho gia đình ông Hoạch 1,6 tỷ đồng. Bản án bị cả hai bên kháng cáo.
Hải Duyên