Sáng 20/1, phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, nguyên là trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM) và các đồng phạm chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng bước sang phần đối đáp giữa đại diện VKSND TP HCM với các luật sư bào chữa cho bị cáo và luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn dân sự, bị hại trong vụ án.
Đối với phần luật sư bào chữa cho Huyền Như, đại diện VKS khẳng định việc truy tố bị cáo về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức là có cơ sở và đúng pháp luật.
Theo VKS, việc bào chữa rằng hành vi của Như là phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (tội danh có khung hình phạt nhẹ hơn) và "số tiền bị cáo Như lấy của công ty dầu khí Thái Bình Dương (đơn vị đầu tiên bị Như lừa) là chiếm dụng chứ không phải chiếm đoạt" là không đúng. Như đã dùng các thủ đoạn gian dối như làm giả con dấu, chữ ký… để thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản và thủ đoạn này lặp đi lặp lại nhiều lần. Không có căn cứ nào cho thấy bị cáo sẽ dừng việc thực hiện hành vi này nếu không bị phát hiện và ngăn chặn.
Cũng theo cơ quan công tố, Như đã dùng các thủ đoạn gian dối ngay từ đầu nhằm làm cho công ty Thái Bình Dương tin tưởng vào việc huy động tiền về cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để đơn vị này ký các hợp đồng tiền gửi. Vì vậy, hành vi này cấu thành tội lừa đảo chứ không phải Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như luật sư đã nêu trước đó.
Về việc luật sư bào chữa nói rằng Như phạm tội do bị các chủ nợ đe dọa, thúc ép, vị đại diện VKS cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy có sự đe dọa của người cho vay nặng lãi đối với Như mà chỉ từ lời khai của bị cáo. Số tài sản trị giá 208 tỷ của Như dùng để khắc phụ hậu quả của vụ án, VKS cho rằng, thực tế Như chỉ nộp lại 80 tỷ đồng chiếm đoạt, còn lại là do cơ quan chức năng tịch thu, kê biên chứ không phải Như tự nguyện khắc phục. Số tiền này cũng không đáng kể so với thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mà Như đã gây ra.
Về tội Làm giả tài liệu giấy tờ của cơ quan tổ chức, VKS bác bỏ quan điểm của luật sư cho rằng đây chỉ là một trong các khâu để bị cáo thực hiện việc chiếm đoạt tiền. Theo đại diện cơ quan công tố, hành vi làm giả 8 con dấu, ký giả nhiều chữ ký… đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.
Đối đáp lại quan điểm của luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi cho rằng việc Vietinbank quá lỏng lẻo trong quản lý là nguyên nhân dẫn đến hậu quả vụ án, VKS lập luận, hậu quả vụ án là do hành vi trái pháp luật của Như gây ra. Việc thiếu kiểm soát, lỏng lẻo trong quản lý của ngân hàng Vietinbank chỉ là điều kiện cho Như thực hiện mục đích của mình một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, người phạm tội phải trả lại tài sản chiếm đoạt cho người chiếm giữ, quản lý hợp pháp. Việc buộc Như phải bồi thường cho các cá nhân và tổ chức đã chiếm đoạt là hợp lý và đúng pháp luật.
Đối với một số tình tiết giảm nhẹ mà các luật sư có nêu ra như phạm tội trong thời gian mang thai, thành khẩn khai báo… đại diện VKS cho rằng cũng đã nêu trong phần phát biểu quan điểm luận tội, còn những tình tiết giảm nhẹ mới như gia đình có công với cách mạng thì HĐXX sẽ xem xét nếu có chứng cứ.
Đối với Võ Anh Tuấn – đồng phạm tích cực giúp Như thực hiện việc chiếm đoạt, theo đại diện VKS, việc luật sư bào chữa nói rằng Tuấn không phạm tội là không đúng. Mặc dù Tuấn không ký vào các hợp đồng huy động tiền gửi, nhưng Tuấn thừa nhận đã ký 10 giấy xác nhận tiền rằng tiền của công ty Dầu khí Thái Bình Dương đã được chuyển vào Vietinbank nên công ty Thái Bình Dương tin tưởng ký tiếp hợp đồng dẫn đến bị Như chiếm đoạt 80 tỷ đồng.
Trong phi vụ Như chiếm đoạt tiền của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, Tuấn đã để mặc cho Như thực hiện hành vi gian dối khiến 3 công ty này lầm tưởng ký hợp đồng. Quá trình điều tra Tuấn cũng thừa nhận trước đó Như dặn khi gặp những người của công ty này thì nói dối tên Như, Tuấn cũng đã đi cùng Như ra Hà Nội đàm phán với những công ty này để huy động tiền.
Số tiền 10 tỷ đồng mà Tuấn nhận từ Như, luật sư cho rằng đây là tiền đầu tư bất động sản và chứng khoán không phải tiền Như chiếm đoạt được và chuyển cho Tuấn. Theo VKS, không có cơ sở chấp nhận bởi thời điểm này thị trường bất động sản và chứng khoán đều bị đóng băng và giảm sút, bản thân Như thừa nhận không có tiền trả nợ nên phải đi lừa nhiều người. Số tiền 10 tỷ mà Như chuyển cho Tuấn cũng có nguồn gốc từ việc chiếm đoạt.
Đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng, các luật sư bào chữa trước đó cho rằng, cáo trạng không nêu Vietinbank là bị hại trong vụ án nên cần phải xem xét việc truy tố các bị cáo về tội danh này. Đặc biệt có luật sư cho rằng đã truy tố oan các bị cáo. Tuy nhiên, VKS cho rằng trong cấu thành cơ bản của tội danh không quy định gây thiệt hại mà chỉ nói gây hậu quả nghiêm trọng. Việc Như rút số tiền 718 tỷ đồng của ACB là gây thiệt hại nghiêm trọng và do các bị cáo làm sai quy trình của cán bộ tín dụng. Vì vậy, không có cơ sở để xem xét lại quyết định truy tố. “Còn việc các luật sư nói rằng, việc làm của các bị cáo xuất phát từ sự tin tưởng đối với Như là cán bộ cấp trên. Nếu sự tin tưởng của các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ thì đã không gây ra hậu quả", vị đại diện VKS lập luận.
Tương tự trong phần đối đáp với luật sư bào chữa cho các bị cáo còn lại, VKS cũng bác bỏ và khẳng định việc truy tố theo cáo trạng là đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan công tố cũng tranh luận với ý kiến của các luật sư bảo vệ cho ngân hàng ACB cho rằng các hợp đồng tiền gửi với ngân hàng này là thật và buộc Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại số tiền hơn 718 tỷ đồng Như chiếm đoạt. Vị đại diện VKS cho rằng, mục đích phạm tội và thủ đoạn phạm tội của Như đã được che giấu dưới mác là nhân viên Vietinbank. Tuy là con dấu thật, chữ ký thật, nhưng hợp đồng này chỉ thật với ACB nhưng giả với Vietinbank vì Viettinbank không đưa ra mức lãi suất vượt trần. Vietinbank cũng không quy định lãi suất nhận ngay, nhân viên ACB không cần đến Vietinbank…
“Vì lòng tham, lãnh đạo ACB đã làm sai quy định, ủy quyền cho nhiên viên gửi tiền vào Vietinbank là che dấu cho việc làm sai trái. Khi tiền đã chuyển khoản vào Vietinbank thì giao dịch này bị hủy ngay vì đây là giao dịch bất hợp pháp. ACB đã phó mặc toàn bộ số tiền cho Như định đoạt, nắm giữ thẻ tiết kiệm… là lỗi cơ bản. Tại sao những giao dịch khác đều được đảm bảo còn những giao dịch với Như lại bị lợi dụng. Đó là vì tham lãi suất cao”, vị đại diện VKS nhấn mạnh.
VKS cũng cho rằng, xét về khách quan hành vi của Như có những đặc điểm giống với tội tham ô, nhưng ý thức chủ quan mà Như muốn chiếm đoạt là tiền của ACB vì vậy đã cấu thành tội lừa đảo.
VKS cũng bác bỏ quan điểm của luật sư ACB về việc áp dụng điều 618 của Bộ luật dân quy định về việc Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. Bởi, VKS cho rằng hợp đồng mà ACB ký với Như là bất hợp pháp dẫn đến vô hiệu. Các bên đều có sai phạm, trong đó Như có ý thức chiếm đoạt ngay từ đầu còn một bên vì tham lãi suất cao. Từ đó, VKS kết luận rằng đây là vụ án lừa đảo nên bác bỏ ý kiến buộc Vietinbank phải bồi thường số tiền Như chiếm đoạt.
Tương tự, đối với các ngân hàng và công ty khác mà Như đã chiếm đoạt, VKS cũng khẳng định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là Huyền Như chứ không phải Vietinbank.
Hải Duyên