Sáng 8/12, phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bước vào phần tranh luận, mở đầu là cáo buộc của cơ quan công tố.
VKSND Tối cao cho rằng, ở tội tội kinh doanh trái phép, Nguyễn Đức Kiên đã tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng tài khoản với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng thông qua 6 công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên. Bị cáo Kiên Kiên thừa nhận góp vốn để mua cổ phần, cổ phiếu như quy kết của bản án sơ thẩm nhưng cho rằng pháp luật không cấm. Tuy nhiên, VKS nhận định, công văn 935 của Tổng Cục thống kê, kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư..., hoạt động đầu tư tài chính, cổ phiếu phải đăng ký kinh doanh. Theo giấy chứng nhận của những công ty trên, không có ngành kinh doanh tài chính, cổ phần cổ phiếu, góp vốn... Do đó, hoạt động này trái với Điều 9, Luật doanh nghiệp.
Về việc Kinh doanh giá vàng ở công ty Thiên Nam, VKS cho rằng có đủ cơ sở để xác định, công ty này đã vi phạm về điều kiện kinh doanh mua bán vàng trạng thái. Cơ quan này viện dẫn, tại toà, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã phát biểu, hoạt động kinh doanh vàng trạng thái, giá vàng trong nước trước năm 2011, phải chịu sự điều chỉnh của Chính phủ.
Tại toà phúc thẩm, Nguyễn Đức Kiên biện minh rằng đó là kinh doanh hàng hoá, là sản phẩm phái sinh của ACB, bị cáo chỉ là người thực hiện, kinh doanh là trách nhiệm của giám đốc Thiên Nam nhưng VKS đánh giá là không có cơ sở. Theo cơ quan công tố, B&B, ACB Hà Nội, ACI, ACI-HN, Thiên Nam đã hoạt động kinh doanh tài chính, vàng trái phép. Bản án sơ thẩm quy kết Kiên là không oan.
Về tội Trốn thuế, cơ quan công tố nhận định, có đủ cơ sở để xác định, bị cáo Kiên đã trốn thuế 25 tỷ đồng. VKS cho rằng, hợp đồng của bị cáo Kiên, bà Lan và Hương về uỷ thác đầu tư kinh doanh vàng với ACB là không hợp pháp. Kết quả thanh tra của Tổng Cục thuế Hà Nội, trong năm 2009 và 2010, B&B không kê khai nộp thuế tiền kinh doanh vàng trên tài khoản. Ngày 28/5/2013, giám định viên Bộ Tài chính kết luận: B&B phải nộp thuế là hơn 25 tỷ đồng...
Đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS cho rằng, ACBI mà bị cáo Kiên đại diện theo pháp luật, sở hữu hơn 29 triệu cổ phần công ty Thép Hoà Phát. Số cổ phần này đã được ký thế chấp với ACB để phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng và đã được phong toả theo giấy đề nghị. Tuy vậy đầu tháng 4/2012, theo đề nghị của Chủ tịch HĐQT Thép Hoà Phát, bị cáo Kiên đã bán 20 triệu cổ phần cho tập đoàn này. Kiên đã chỉ đạo cấp dưới giải toả số cổ phần đang thế chấp.
VKS cho rằng, án sơ thẩm quy kết là có căn cứ. Tài liệu và lời khai tại toà phúc thẩm cho thấy, mặc dù chưa được giải chấp số cổ phần trên nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo giám đốc ACBI Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng bán cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát để lấy 264 tỷ đồng. Bị cáo Kiên đã chỉ đạo kế toán trưởng lập biên bản về ý kiến của HĐQT ACBI đồng ý bán 20 triệu cổ phần cho Thép Hoà Phát. Khi nhận tiền, bị cáo này đã chỉ đạo cấp dưới trả lãi, góp vốn và chi tiêu…
Với tội Cố ý làm trái, VKS nhận thấy, ngày 22/3/2010, ACB có cuộc hợp thường trực HĐQT, ông Trần Mộng Hùng đưa ý kiến giảm lãi suất nhưng bị cáo Kiên không đồng ý. Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB đề nghị uỷ thác và được Nguyễn Đức Kiên, cùng các thành viên HĐQT Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn… đồng tình.
Từ ngày 27/6/2001 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải uỷ quyền cho 19 nhân viên gửi gần 719 tỷ đồng vào các chi nhánh của Vietinbank tại TP HCM và chi nhánh Nhà Bè. Số tiền này bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt. Việc uỷ thác này vi phạm vì chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Hành vi đầu tư cổ phiếu, theo cơ quan công tố, ngày 5/11/2009, thường trực HĐQT ACB, ra thông báo giá cổ phiếu thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, đầu tư 700 tỷ vào các cổ phiếu có tính thanh khoản cao… Bị cáo Kiên được uỷ quyền đầu tư.
Hành vi làm trái được VKS xác định, đồng vốn của ACB đã được chuyển qua lại cho ACI và ACI-HN thông qua hai ngân hàng KienLongbank và Vietbank. Việc đầu tư cổ phiếu của ACI và ACI-HN đã gây thất thoát cho ACB là gần 688 tỷ đồng. VKS cho rằng, quy kết của án sơ thẩm là có căn cứ.
Từ đó, VKSND Tối cao kết luận bị cáo Kiên phạm 4 tội trên. Các bị cáo Hải, Kỳ, Quang, Cang, Tuấn phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiệm trọng. VKS cho rằng, không có cơ sở xem xét lại tội danh. Mặt khác, một số bị cáo đề nghị xem xét lại hình phạt, cơ quan công tố xác định, cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết nhân thân... phù hợp để quyết định tuyên phạt. Tại phiên phúc thẩm các bị cáo không đưa ra các tình tiết gì mới nên không có cơ sở chấp nhận.
Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Kiên tổng cộng 30 năm tù. Bị cáo này kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng không phạm 4 tội Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như quy kết.
5 bị cáo Hải, Kỳ, Cang, Quang, Tuấn (án 2-5 năm tù) chống án kêu oan hoặc đề nghị xem xét lại việc bị kết tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Việt Dũng