Hôm nay, ngày xét xử thứ hai của phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn hai, TAND Hà Nội dành thời gian bào chữa cho 17 bị cáo và các luật sư.
VKS cáo buộc trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, các cá nhân, cựu cán bộ và doanh nghiệp này đã lợi dụng chủ trương tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước và cách ly y tế để đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ hưởng lợi và bao che tội phạm.
Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi như bị truy tố, nhận thức được sai phạm, không ai kêu oan. VKSND Hà Nội đề nghị 4 án tù treo và 13 án tù giam (từ 18 tháng đến 14 năm).
>>Mức án VKS đề nghị cho 17 bị cáo
Trong số này, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng, bị đề nghị 7-8 năm tù về tội Nhận hối lộ, 5-6 năm do Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tổng hình phạt 12-14 năm, cao nhất trong 17 người.
Ông Tùng khai coi việc tổ chức cách ly cho công dân tại tỉnh là "cơ hội kiếm thêm thu nhập", do đó đã đi khảo sát giá, nắm các loại chi phí khi cách ly để tính toán, ra giá với doanh nghiệp.
Ông tự bào chữa "không có chủ định nhận hối lộ" và luôn giảm giá tiền các dịch vụ, hậu cần cho công dân. Ông rất "sốt ruột" khi chứng kiến bà con ở nước ngoài "phải khổ sở" để có thể về Việt Nam nên trực tiếp đi thuyết phục các khách sạn đồng ý tiếp nhận người dân về nước, thậm chí bảo cấp dưới thuê người bên ngoài làm thay nếu khách sạn không có nhân viên.
Ông Tùng cho rằng đã "mặc cả với doanh nghiệp" trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói 14 ngày cách ly với mức giá "bản thân nghĩ rằng là hợp lý" và chỉ mong muốn có lợi nhuận ở mức độ phù hợp.
Sau quá trình cách ly, ông khai nhận được nhiều lời cảm ơn từ công dân, nói tỉnh Thái Nguyên cách ly "rất tốt". Điều này khiến ông dù hôm nay phải đứng trước tòa vẫn cảm thấy tự hào.
Luật sư của ông cũng cho rằng thân chủ không gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, chỉ "đàm phán, thỏa thuận" chi phí dựa trên thực tế.
Tại phiên tòa, đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên xin tòa giảm nhẹ cho ông Tùng do có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Đối đáp chiều nay, VKS cho rằng ông Tùng thỏa thuận giá cao với doanh nghiệp, song lại chỉ đạo ký hợp đồng giá thấp hơn để chuyển tiền chênh lệch cho mình. Những hành động này thể hiện thủ đoạn "tinh vi, nhằm che giấu hành vi phạm tội".
Theo VKS, đáng lẽ công dân không phải bỏ thêm tiền, do ông Tùng có thỏa thuận, yêu cầu "chi phí" nên họ phải trả thêm tiền mới được cách ly. Số tiền người dân chi thêm, cũng là tiền bị cáo được hưởng lợi. VKS vì thế nguyên mức án đề nghị và quan điểm truy tố trước đó với ông Tùng
Hai cựu phó giám đốc Sở ở Quảng Nam, bị cáo Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường cũng thừa nhận sai phạm do thiếu nhận thức, "trong suy nghĩ chưa bao giờ có ý đòi hỏi".
"Dù doanh nghiệp không đưa tiền vẫn chấp thuận cho cách ly nếu đủ điều kiện", cựu Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Văn nói.
Hai ông cùng bị truy tố Nhận hối lộ, với án đề nghị 18-24 tháng tù, không thuê luật sư bào chữa.
Nói lời sau cùng ông Văn cho hay vô cùng ân hận và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về sai phạm, xin lỗi người dân Quảng Nam, xin lỗi xác đồng nghiệp ngành y tế cả nước và xin lỗi công dân về tỉnh cách ly trong đại dịch.
Sau 35 năm làm bác sĩ, ông Văn mong được khoan hồng để tiếp tục có cơ hội chăm sóc sức khỏe người dân.
Ông Tường kể lại các thành tích công tác và tình tiết giảm nhẹ của bản thân, mong người thân, người dân tha thứ vì làm ảnh hưởng đến họ.
Ông Trần Tùng bật khóc từ những từ đầu tiên, nói từ khi bị bắt, không có ngày nào thôi ăn năn về hành vi. "Nói gì thì nói, những việc đã làm không thể làm lại, giờ bị cáo phải nhận hình phạt thích đáng" ông trình bày.
Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ 49 tuổi nói bản thân chỉ phạm tội đơn lẻ, không chủ mưu vụ án lớn nào, xin được khoan hồng và dành lời xin lỗi tỉnh Thái Nguyên, khi hành vi của mình làm ảnh hưởng uy tín địa phương.
Từ mai, tòa nghỉ nghị án, sẽ ra phán quyết sơ thẩm vào chiều 27/12.
Qua lời khai tại tòa và cáo trạng của VKS, con số các bị cáo hưởng lợi từ mỗi hành khách về nước, cũng được "mổ xẻ" và làm rõ. Nhiều cuộc "môi giới", xin giấy phép qua nhiều cá nhân đã khiến số tiền hành khách phải chi trả để về nước, đội lên nhiều lần.
Riêng xin cấp phép chuyến bay, nếu qua Bộ Y tế với đầu mối là cựu thư ký thứ trưởng, bị cáo Phạm Trung Kiên (bị phạt chung thân giai đoạn một vì nhận hối lộ), mức "phí" cấp phép 10 triệu đồng/hành khách.
Con số này, qua trung gian thứ hai là cựu Phó phòng thuộc Cục hàng không Việt Nam Vũ Hồng Quang sẽ lên 40 triệu đồng. Thêm lớp trung gian nữa, số tiền sẽ bị đội thêm 100-500 USD/người. Và khi đến doanh nghiệp được tổ chức bay, chi phí trọn gói đưa ra với khách hàng là trên 50 triệu đồng.
Cáo trạng cho thấy các chủ doanh nghiệp là người hưởng lợi ít nhất từ mỗi hành khách. Tại giai đoạn một của vụ án "chuyến bay giải cứu", nhiều giám đốc công ty lữ hành từng khóc, khai bị quát tháo ép đưa tiền, bị trở thành nạn nhân của "văn hóa phong bì".
Các doanh nhân bị truy tố tại giai đoạn hai cũng phân trần mong muốn làm ăn có lãi. Các "trung gian" yêu cầu trả bao nhiêu thì họ chuyển từng đó, dù nhận thức được trong đó có phí "bôi trơn".
Bào chữa cho các doanh nhân này, luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, và Trịnh Văn Tuyến cho rằng thân chủ phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, vai trò thứ yếu, thụ động. Các công ty có góp công trong việc tổ chức nhiều chuyến bay, đưa hàng chục nghìn công dân hồi hương.
Đối mặt cáo buộc là mắt xích "trung gian" đội giá để hưởng lợi hàng chục tỷ đồng, ông Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Cục Hàng không Việt Nam (người duy nhất bị truy tố tại cả hai giai đoạn) hay Nguyễn Mạnh Cương đều bật khóc tại tòa.
Họ coi việc mình phạm tội là cú sốc với bản thân và gia đình, nhận ra sai lầm và mong muốn sẽ là bài học cho người khác về nhận thức pháp luật.
Trước đó, năm 2023, 54 người liên quan giai đoạn một bị xét xử về nhiều tội danh. Bản án đã có hiệu lực, tuyên 3 án chung thân với 3 người nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, các bị cáo còn lại lĩnh 15 tháng tù (án treo) tới 20 năm tù.
Phiên xét xử giai đoạn 2 với 17 bị cáo đang tiếp tục phần tranh tụng, dự kiến kéo dài 6 ngày nữa.
Thanh Lam