Sáng 7/5, ngày thứ ba xét xử, đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư và 14 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, công tố viên tiếp tục khẳng định Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy là chủ mưu, cầm đầu đường dây buôn lậu đặc biệt lớn trong thời gian dài.
Để che giấu và đối phó với cơ quan chức năng, Huy đã giao nhân viên xây dựng và sử dụng hai phần mềm ERP và MISA để theo dõi hoạt động của công ty. Toàn bộ dữ liệu mua bán, nguồn hàng, tài sản, doanh thu nhập vào phần mềm nội bộ ERP. MISA là phần mềm kế toán chính thống nên Huy giao cho kế toán trưởng phụ trách dùng để làm báo cáo thuế, tài chính thường kỳ với cơ quan có thẩm quyền.
Trong phần mềm nội bộ có rất nhiều số liệu về hàng hoá nhập lậu. Số thuế nộp hàng năm của Nhật Cường rất nhỏ, thậm chí có những năm báo cáo lỗ. VKS đánh giá đây là đường dây "buôn lậu chặt chẽ, tinh vi".
Theo cơ quan công tố, trong phần tranh luận về cơ bản các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, mong được giảm nhẹ hình phạt. Riêng Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính), người duy nhất bị xét xử hai tội danh, không thừa nhận hành vi vi phạm quy định kế toán.
Luật sư của Ngọc cho rằng căn cứ buộc tội "rất khiên cưỡng" bởi bị cáo là giám đốc tài chính nhưng không làm báo cáo thuế, tài chính. Ngọc bị VKS đề nghị 9-10 năm tù về tội Buôn lậu, 5-6 năm về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp 14-16 năm.
Đối đáp, VKS cho rằng sai phạm của Ngọc xuất phát từ hành vi buôn lậu của ông chủ Huy. Ngọc ghi chép dữ liệu vào hai hệ thống theo sự chỉ đạo của Huy để che giấu doanh số, hoạt động kinh doanh thực trong đó có buôn lậu. Ngọc còn yêu cầu kế toán trưởng gửi các tờ khai thuế, báo cáo tài chính để làm hồ sơ vay vốn. "Ngọc biết rõ công ty có hai hệ thống quản lý sổ sách để theo dõi hoạt động nhưng vẫn đồng phạm với ông chủ để thực hiện hành vi phạm tội", kiểm sát viên cáo buộc.
Đối đáp ngay sau đó, bị cáo Ngọc cho rằng chỉ là một trong các nhân viên được cấp quyền ở hệ thống nội bộ ERP. Bị cáo đề nghị HĐXX lấy tài khoản của mình để đăng nhập vào hệ thống để "có đánh giá khách quan".
Bật khóc khi nói lời sau cùng tại tòa, Ngọc gửi lời xin lỗi gia đình vì đã làm xáo trộn cuộc sống và nhắn nhủ chồng hãy ở nhà chăm sóc gia đình và các con. Ngọc hứa khi trở về "sẽ là người vợ, người mẹ tốt hơn rất nhiều với trước".
"Việc làm của bị cáo đã để lại hậu quả nghiêm trọng trong vụ án. Tuy nhiên bị cáo đã lấy dữ liệu phục vụ cơ quan điều tra để ra được bản kết luận với con số cụ thể nên mong HĐXX xem xét", Ngọc nói.
Trong lời nói sau cùng, phó tổng giám đốc Nhật Cường Trần Ngọc Ánh cũng cho hay cho hay hơn một năm rưỡi các bị cáo hàng ngày trích xuất dữ liệu cho cơ quan điều tra. "Nếu không có việc làm như vậy, cơ quan điều tra khó có bản kết luận chính xác với con số khủng. Chính các giám thị trại giam cũng nói là chưa có vụ án nào các bị cáo lại đi giúp cơ quan điều tra trích xuất dữ liệu như vậy", Ánh phân trần.
12 bị cáo còn lại trong lời nói sau cùng đều thể hiện sự ăn năn, mong HĐXX xem xét các hoàn cảnh để giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về với gia đình.
HĐXX sau đó thông báo nghỉ nghị án, 15h ngày 10/5 sẽ tuyên án.
Từ 5/5, TAND Hà Nội xét xử 14 bị cáo liên quan sai phạm ở Nhật Cường về tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án có 15 bị cáo song một người đã chết trước khi hầu toà nên được đình chỉ điều tra.
Tổng giám đốc Huy đang bỏ trốn, việc truy tìm gần hai năm qua chưa có kết quả.